Tuổi thơ vun đắp niềm đam mê toán học
Sofia Kovalevskaya tên đầy đủ là Sofia Vasilyevna Kovalevskaia sinh ngày 15/1/1850 tại Matxcova, Nga trong một gia đình dòng dõi quý tộc. Cha bà là Vasily Vasilievich Krukovsky (1800-1874), một sỹ quan pháo binh mang hai dòng máu Ba Lan - Nga; mẹ là Elizaveta Fyodorovna Schubert (1820-1879), một phụ nữ người Đức, cháu gái của Theodor Schubert - một nhà toán học, thiên văn của Viện hàn lâm Khoa học St. Petersburg.
Toán học đã thực sự cuốn hút Kovalevskaia ngay từ nhỏ. Bà thường ngồi hàng giờ nghe người chú của mình nói về toán học mà không biết chán. Khi mới 11 tuổi, bà đã dán đầy bức tường trong phòng ngủ của mình những bài giảng của Ostrogradsky về phép tính tích phân và vi phân. Việc tự mình nghiên cứu những bài giảng đó chính là sự khởi đầu, đưa bà đến với thế giới toán học sau này. Bà đã viết trong nhật ký của mình rằng: “Tôi không thể hiểu hết ý nghĩa của các khái niệm đó, nhưng dường như chúng đã truyền cho tôi một sự sùng bái toán học - một bộ môn khoa học cao quý, thiêng liêng và đầy bí hiểm, nơi có những con người kỳ diệu với những điều kỳ diệu”.
Chân dung nhà toán học Kovalevskaia |
Kovalevskaia tiếp thu bài giảng toán đầu tiên từ một gia sư tên là Y.I. Malevich. Bà cảm thấy môn toán cuốn hút bà đến nỗi bà bắt đầu lơ là những môn học khác. Nhận thấy điều đó, bố của bà cấm không cho con gái tiếp tục học toán nhưng càng bị cấm Sofia càng say mê toán hơn. Bà mượn cuốn Đại số học của Bourdeu và lén đọc vào đêm khuya khi cả nhà đã ngủ.
Năm 14 tuổi, người hàng xóm của bà, giáo sư Tyrtov, tặng gia đình bà một cuốn sách vật lý do ông viết. Vì muốn hiểu được nội dung của cuốn sách, Kovalevskaia đã tự học lượng giác và nhận thức của bà khiến giáo sư Tyrtov rất ngạc nhiên.Trước sự đam mê của bà, giáo sư Tyrtov đã ra sức thuyết phục cha của Sofia cho bà tiếp tục học toán. Tuy nhiên, phải mất vài năm sau, bà mới được phép theo học các khoá riêng về toán học. Cuối cùng, Kovalevskai cũng được cha cho phép đi Saint Petersburg học những gì bà yêu thích.
Sau khi kết thúc bậc trung học, Kovalevskaia khát khao được học lên đại học. Ở thời ấy, Chính phủ Nga hoàng không cho phụ nữ vào học ở các trường đại học. Gần nước Nga nhất chỉ có Thụy Sĩ là có các trường đại học tiếp nhận sinh viên nữ, tuy nhiên vào thời điểm đó, một thiếu nữ chưa chồng như Kovalevskaia lại không được phép ra nước ngoài một mình. (Ở Nga thời đó, phụ nữ muốn học đại học phải ra nước ngoài nhưng muốn có hộ chiếu thì phải là con gái đã có chồng)
Sống và cống hiến hết mình cho khoa học
Khát khao học đại học và tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học lớn đến nỗi đã thúc đẩy Kovalevskaia đi đến quyết định kết hôn trên danh nghĩa với Vladimir Kovalevski - một nhà cổ sinh vật học trẻ tuổi vào tháng 9/1968 để có cơ hội sang châu Âu. Sang năm 1969, bà cùng chồng đến Heidelberg (Đức) đăng ký học toán và và các môn khoa học tự nhiên tại trường đại học của thành phố nhưng trường không tiếp nhận sinh viên nữ. Vì thế, Kovalevskaia phải xin từng giáo viên cho bà được nghe họ giảng bài và đến thuyết phục lãnh đạo nhà trường cho phép bà có mặt tại các lớp học với tư cách là sinh viên dự thính. Ngay lập tức, bà đã thu hút được sự chú ý của các giáo viên với khả năng tiếp nhận toán học một cách phi thường. Qua tất cả các học kỳ, Kovalevskaia luôn khiến các bạn học của bà ngạc nhiên bởi năng khiếu nổi bật về toán học. Đối với các giáo sư khoa toán, Sofia là một hiện tượng hiếm thấy. Giáo sư Konigsberger, nhà hoá học lỗi lạc Kirchhoff và các giáo sư khác trong trường đều yêu mến cô học trò xuất sắc của mình.
Năm 1870, theo sự giới thiệu của Giáo sư Konigsberger, bà chuyển đến Berlin (Đức) để để tìm kiếm cơ hội nghiên cứu toán học dưới sự hướng dẫn của Karl Weierstrass - người được xem là nhà toán học nổi tiếng nhất bấy giờ. Tại đây, trường Đại học Tổng hợp Berlin cũng không nhận sinh viên nữ. May mắn thay, sau khi thử khả năng của Kovalevskaia, thầy Weierstrass đã hiểu ra rằng mình đang có trong tay một tài năng đầy triển vọng. Chính vì thế ông nhận hướng dẫn riêng cho Kovalevskaia. Không phụ công người thầy ưu tú của mình, trong suốt 4 năm, Kovalevskaia hoạt động miệt mài và cho ra đời 3 công trình nghiên cứu. Đó đều là những công trình có giá trị to lớn.
Với các nghiên cứu đáng chú ý của mình, năm 1874, Kovalevskaia giành được học vị Tiến sĩ tại đại học Goettingen.
Tháng 9/1874, Kovalevskaia về Petersburg nhưng bà không có chỗ đứng trong giới khoa học. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng vấn đề giới tính vẫn là nguyên nhân cản trở lớn nhất. Trong 6 năm sau đó, bà không tiếp tục được công việc nghiên cứu ưa thích của mình.
Năm 1878 Kovalevskaia sinh con gái. Sinh xong, bà bị ốm yếu dài ngày và đau tim nặng, tuy vậy, Kovalevskaia vẫn khát khao được lao động sáng tạo ra cái gì đấy bổ ích cho cuộc đời. Còn chồng bà quan niệm ngược lại rằng phụ nữ không có sứ mệnh sáng tạo mà phải ăn mặc lộng lẫy để làm nổi cái uyên bác những công trình khoa học của chồng mình. Từ đó, 2 người có những vết rạn nứt trong tình cảm.
Năm 1880, bà quay lại Matxcova nhưng một lần nữa nhưng nỗ lực để làm nên nghiên cứu khoa học tại các trường đại học lại không thành. Một năm sau, bà rời Matxcova tới Berlin, rồi Paris, bắt đầu trở lại các nghiên cứu toán học của mình.
Năm 1882, bà bắt đầu nghiên cứu về khúc xạ ánh sáng và viết 3 bài báo về đề tài này.
Mùa xuân năm 1883, Vladimir, người chồng mà bà đã ly thân trong 2 năm tự vẫn. Kovalevskaia vô cùng đau xót. Bà trở về Nga, vùi đầu vào công việc toán học, đến tháng 6/1883 mới trở lại Berlin.
Tháng 10/1883, bà đến trường Đại học Tổng hợp Stokholm (Thụy Điển) theo lời mời của Giáo sư Mittag Leffler và bắt đầu giảng dạy, nghiên cứu ở đây từ năm 1884. Do tài năng xuất chúng, Kovalevskaia trở thành người phụ nữ đầu tiên được phong chức Phó Giáo sư rồi Giáo sư của Vương quốc Thụy Điển. Các từ điển Bách khoa bắt đầu bổ sung một từ mới: bà Giáo sư Kovalevskaia.
Năm 1888, bà hoàn thành xuất sắc công trình “Về sự quay một vật rắn quanh một điểm cố định” và được giải thưởng của hai Viện Hàn lâm khoa học Pháp và Thụy Điển. Đánh giá cao công trình nghiên cứu này của bà, Viện Hàn lâm khoa học Pháp không những đã quyết định trao giải thưởng khoa học cho bà mà còn nâng mức tiền thưởng của giải từ 3000 lên 5000 franc.
Năm 1889, bà là người phụ nữ đầu tiên được bầu là Viện sĩ Thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học Petersburg.
Suốt 8 năm liền, Kovalevskaia tiến hành nhiều nghiên cứu quan trọng và giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp Stockholm. Bà đã viết và giảng dạy 12 giáo trình, giảng dạy những vấn đề mới về giải tích, làm Tổng biên tập Tạp chí toán học Thụy Điển Acta Mathematica, tham gia tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế…. Vị trí của bà đã làm thay đổi cái nhìn của xã hội đối với nữ giới. Kovalevskaia bắt đầu viết hồi ký, sáng tác và hoàn thành nhiều tác phẩm văn học có giá trị lớn như “ Người đàn bà theo chủ nghĩa hư vô”, “Những kỷ niệm thời thơ ấu”... Đây là thời kỳ vẻ vang nhất của cuộc đời nhà bác học.
Tượng nhà toán học Sofia Kovalevskaia |
Công trình được công bố cuối cùng của Kovalevskaia là một bài báo ngắn Về một định lý của M. Bruns (Sur un théorème de M. Buns). Đầu năm 1891, khi đang trên đỉnh cao của sự nghiệp thì Kovalevskaia mắc bệnh nặng. Bà qua đời tại Stockholm, Thụy Điển đầu năm 1891 trong niềm tiếc thương của giới khoa học trên khắp hành tinh. Với tổng cộng 10 công trình nghiên cứu về toán học và vật lý toán học, trong đó phần lớn là những công trình tạo đà cho những khám phá quan trọng của tuơng lai, Kovalevskaia được mệnh danh là một trong những nhà toán học nữ xuất sắc nhất thế giới.