Nhật Bản hiện chưa thống kê chính xác về số người chết cô độc, những người qua đời nhiều ngày hay nhiều tuần, thậm chí có người chết 3 năm mà không ai hay biết. Ước tính, có khoảng 30.000 người cao tuổi ở Nhật từ giã cõi đời trong cô độc mỗi năm.
Hiện tượng Kodokushi (chết cô đơn) đang phủ bóng đen khi 27,7% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi và phần nhiều trong số họ chọn sống cô đơn thay vì tìm kiếm bạn đời ở tuổi trung niên.
Chết 3 năm mới được phát hiện
Khi mùa đông bắt đầu sang, bà Chieko Ito (91 tuổi) bắt đầu chuỗi ngày dài cô đơn trong căn hộ nhỏ ở tầng 3 chung cư của bà. Cũng giống như nhiều người hàng xóm khác, bà Ito lo sợ một ngày mình chết mà không ai biết.
Nỗi lo sợ của bà Chieko không phải là không có căn cứ khi mỗi năm, người ta lại phát hiện ra vài trường hợp người già độc thân đã qua đời khi các căn hộ bốc mùi tử thi.
Nỗi đau đó ám ảnh mọi người khi thi thể một người đàn ông 69 tuổi được tìm thấy trong căn hộ khép kín 3 năm sau ngày chết. Không ai để ý đến việc ông bỗng nhiên vắng mặt suốt 3 năm vì tiền thuê nhà hàng tháng vẫn được chuyển tự động từ tài khoản ngân hàng.
Chỉ đến khi khoản tiết kiệm này không còn, người ta mới đến tìm và phát hiện bộ xương của ông gần gian bếp. Từ thời điểm đó, cụm từ Kodokushi (chết cô đơn) ra đời và nhanh chóng phổ biến trong xã hội Nhật Bản, nơi có tốc độ già hóa dân số hàng đầu thế giới. Mùa hè 2017 nóng dữ dội đã dẫn đến 4.000 cái chết cô đơn/tuần ở Nhật Bản.
Trong đợt nóng nhất của mùa hè vừa qua, có 2 thi thể được tìm thấy ở chung cư nơi bà Ito sinh sống. Người thứ nhất là đàn ông, được một phụ nữ sống ở căn hộ tầng dưới phát hiện. Ban đầu người phụ nữ này tưởng ai đó phơi cá nhưng mùi hôi thối ngày càng nặng, nhất là ở ban công nơi bà phơi quần áo hàng ngày.
Không ai trong số hàng xóm xung quanh biết tên người đàn ông đã chết dù ông ta đã sống ở đó vài năm. 2 ngày sau, thi thể của người thứ hai được phát hiện vẫn bằng thứ mùi kinh khủng khiến cho hàng xóm của ông ta mất ngủ mấy đêm liền. Một cư dân trong chung cư nói rằng từng trò chuyện với ông này nhưng cũng không hỏi tên tuổi.
Hệ lụy của dân số già
Trong những năm 1960, Chính phủ Nhật Bản cho xây hàng loạt chung cư ở ngoại ô Tokyo và các thành phố khác để cung cấp nhà ở cho hàng nghìn người lao động trẻ tham gia sự nghiệp tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Các khu nhà ở phức hợp, được gọi là danchi, đã phá vỡ lối sống theo gia đình nhiều thế hệ ở Nhật Bản để tổ chức lại thành những gia đình hạt nhân. Danchi giờ đây cũng không còn là biểu tượng của thế hệ trẻ xây dựng lại Nhật Bản.
Phần lớn cư dân ở đó đã qua tuổi 65, đối mặt với nỗi cô đơn và cái chết. Là cư dân nơi đây, bà Ito đã sống cô đơn trong suốt 25 năm sau khi chồng và con gái bà qua đời vì ung thư chỉ cách nhau 3 tháng. Bà còn một con gái nữa nhưng cô ấy sống với gia đình riêng, thỉnh thoảng gửi bưu thiếp cho bà trong những ngày lễ Tết.
Việc duy nhất bà Ito có thể làm lúc này là nhờ người hàng xóm sống ở tòa nhà đối diện nhìn sang cửa sổ căn hộ của mình 1 lần/ngày. “Nếu rèm không mở vào buổi sáng có nghĩa là tôi đã chết”, bà Ito chia sẻ.
Bà Ito cố gắng kiếm việc gì đó làm để không nghĩ đến những chuyện kinh khủng đó. Bà đi bộ hàng ngày, theo dõi số bước chân qua điện thoại thông minh, dành 1 giờ/tối để chép kinh Phật, đồng thời tham gia thu dọn khu rừng gần đó với nhóm tình nguyện địa phương.
Hàng tháng, bà cũng tham gia một bữa ăn chung do khu dân cư tổ chức để giảm nguy cơ chết cô đơn. “Những người khác đều đã ra đi. Tôi đã sống quá đủ nhưng vẫn thấy sợ khi nghĩ đến cái chết”, bà Ito tâm sự.
Thế hệ già như bà Ito ở Nhật Bản đang có cùng cảm giác ám ảnh đó. Các chuyên gia nhận định, sự kết hợp của các yếu tố văn hóa, xã hội và nhân khẩu học tại Nhật Bản đã làm vấn đề thêm phức tạp. Truyền thống Nhật Bản đề cao tính tự lực của gia đình mỗi khi gặp vấn đề và việc nhờ vả hàng xóm được coi là điều cấm kị.
Vì thế, Kodokushi đang gia tăng ở Nhật Bản, nơi 27,7% dân số trên 65 tuổi và nhiều người trung niên không tìm bạn đời mà chọn cách sống đơn độc.
30 năm qua, tỷ lệ hộ gia đình đơn thân ở Nhật đã tăng gấp đôi, với chủ hộ đa số là đàn ông trong độ tuổi 50, phụ nữ trong độ tuổi 80 hoặc già hơn. Tỷ lệ kết hôn giảm do đàn ông sợ công việc quá bấp bênh để kết hôn và chu cấp cho gia đình, còn phụ nữ đi làm nhiều hơn và không cần lấy chồng để được chu cấp.
Ở Nhật Bản hiện nay, cứ 4 người đàn ông 50 tuổi thì có một người chưa kết hôn. Tới năm 2030, con số này ước tính tăng 30%. Mặt khác, khoảng 15% người cao tuổi Nhật Bản sống một mình, chỉ chuyện trò với người khác 1 lần/tuần. Con cháu của họ cũng sống xa nhà hoặc không đủ nguồn lực để giúp đỡ trong thời buổi kinh tế khó khăn.