35 triệu lao động chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội

24/12/2018 - 11:44
Hiện tại, mới chỉ khoảng 29% lực lượng lao động cả nước tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Có tới hơn 35 triệu lao động còn lại, tương đương 71%, chưa tham gia BHXH, chủ yếu thuộc khu vực không có quan hệ lao động như nông thôn, lao động thời vụ, lao động tự do.

Nghị quyết số 28, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; năm 2025 đạt khoảng 45% và năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ khoảng 29% lực lượng tham gia BHXH, còn lại tới 70% lực lượng lao động cả nước chưa tham gia BHXH. Để đạt mục tiêu đề ra sẽ là một thách thức không nhỏ cần có giải pháp căn cơ và bền vững để tăng độ phủ BHXH, đảm bảo cuộc sống bền vững cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Lụa, quê Thái Bình, cho biết, bà lên Hà Nội làm nghề giúp việc gia đình được 5 năm. Nguồn thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng là tất cả để bà trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi con ăn học. Bà Lụa vẫn luôn nghĩ lương hưu chỉ có cán bộ, công chức nghỉ hưu mới được hưởng. Theo bà Lụa, “chúng tôi không biết là làm thuê tự do như nghề giúp việc gia đình, bán hàng rong hay làm thuê lại có thể nhận được lương hưu nếu tham gia BHXH”.

giup-viec-gia-dinh.jpg
Đề xuất tăng mức hỗ trợ nhằm tăng độ bao phủ BHXH. Ảnh minh họa

 

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, lao động di cư, đặc biệt lao động nữ di cư là lực lượng lao động tích cực trên thị trường, tham gia vào cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên họ cũng là nhóm dân số phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống tại nơi đến; là nhóm dân số chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong xã hội; nhưng mạng lưới an sinh xã hội từ trước đến nay chưa bao phủ nhiều đến họ, đặc biệt là nhóm đang làm ở khu vực kinh tế phi chính thức. 

Do hiểu biết hạn chế về quyền an sinh xã hội của mình nên nhiều lao động nữ di cư cũng không biết cách làm thế nào để tiếp cận các quyền an sinh xã hội hay tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp cận các quyền đó tại nơi đến. 

Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có hơn 50 triệu người thuộc độ tuổi lao động, trong đó chỉ có gần 15 triệu người tham gia chính sách BHXH và phần lớn thuộc nhóm có quan hệ lao động. Như vậy, có tới hơn 35 triệu lao động còn lại đang chưa có điều kiện tham gia BHXH, chủ yếu thuộc khu vực không có quan hệ lao động như nông thôn, lao động thời vụ, lao động tự do…

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Mục tiêu tất cả lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên phải tham gia vào hệ thống BHXH để tiến tới BHXH toàn dân cho lực lượng lao động. Như vậy, 20 năm sau mới đạt được 100% người cao tuổi có nguồn thu nhập từ lương hưu để đảm bảo tuổi già.

Bài toán đặt ra của chúng ta thực hiện Nghị quyết 28 của Trung ương là làm sao để bao phủ nhanh, rộng và toàn diện lực lượng lao động tham gia BHXH, đó chính là bài toán khó khăn và thách thức. Đến nay, Việt Nam mới có khoảng 29% lực lượng lao động tham gia BHXH, có nghĩa là 71% lực lượng lao động đang làm việc mà không tham gia mô hình BHXH nào để sau này về già có lương hưu.

lao-dong-di-cu.jpg
Một chương trình dành cho lao động di cư được giao lưu, chia sẻ thông tin.

 

Dẫn ra bài học từ chính sách BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Với chính sách hỗ trợ BHYT, hộ nghèo được hỗ trợ 100%, trẻ em dưới 6 tuổi, người già hỗ trợ 100%; người cận nghèo hỗ trợ đóng 70% và nâng lên 90%, như vậy mới bao phủ hết và thực hiện BHYT toàn dân.

Còn đối với BHXH, mức đóng cao nhưng hiện nay chỉ hỗ trợ mức cao nhất là 30% cho hộ nghèo, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ của nhà nước để tạo sự khuyến khích, động lực để mọi lao động đều tham gia.

Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ xã hội cùng AFV thực hiện vào tháng 11/2018, cho thấy, di cư có xu hướng nữ hóa khi tỷ lệ nữ/tổng số người di cư từ 15- 59 tuổi là 52,4%. Có 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% nữ lao động di cư gặp khó khăn về chỗ ở và 97,9% lao động phi chính thức không có BHXH.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm