4 cách phân biệt các trang mạng xã hội chính thống và giả mạo, tiếp cận thông tin chính xác trong mùa dịch

Vân Anh
24/04/2020 - 14:31
4 cách phân biệt các trang mạng xã hội chính thống và giả mạo, tiếp cận thông tin chính xác trong mùa dịch
Lợi dụng dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã giả mạo các trang mạng xã hội chính thống của các cơ quan, tổ chức để phát tán tin giả, quyên góp từ thiện, trục lợi cá nhân… 4 cách sau đây sẽ giúp bạn phân biệt được các trang mạng xã hội chính thống và giả mạo, để tiếp cận thông tin chính xác, an toàn trong mùa dịch.

Đọc những thông tin giả mạo của Chính phủ, các Bộ ngành…, bạn sẽ không được cập nhật tin tức chính xác về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó là những nguy cơ bị đánh cắp bảo mật thông tin, bị lợi dụng…

Nhận biết được các trang mạng xã hội chính thống và giả mạo, bạn sẽ được tiếp cận thông tin chính xác, an toàn trong mùa dịch.

Theo hướng dẫn của Bộ Công an, để nhận biết các trang mạng xã hội chính thống và giả mạo, có thể dựa vào 4 dấu hiệu sau:

- Kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào. Nếu thông tin do một người lạ đăng tải, thông tin không rõ ràng, bạn kiểm tra lại nguồn thông tin đó một cách cẩn thận.

4 cách phân biệt các trang mạng xã hội chính thống và giả mạo  - Ảnh 2.

Nên cẩn trọng khi tiếp cận các nguồn thông tin trên mạng

- Kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin.

Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước sẽ có tên miền quốc gia ".vn"; có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang.

Những trang thông tin giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài như .com, .org, không có đuôi tên miền Việt Nam ".vn".

Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền, có dấu tích xanh.

Đây là dấu hiệu để bạn phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.

4 cách phân biệt các trang mạng xã hội chính thống và giả mạo  - Ảnh 3.

Các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường có dấu tích xanh.

- Kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả. Tin tức giả hay có lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn. Các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện.

- Với mỗi thông tin đọc được, nên tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

Lưu ý khi đăng tải, chia sẻ thông tin

Lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ, đặc biệt là tin tức liên quan đến dịch Coivd-19, nên chọn thông tin từ nguồn chính thống.

Không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin.

Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái trên mạng xã hội.

Nghị định 15/2020 của Chính quy định phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm