4 điều cần nhớ về bệnh tay chân miệng

10/09/2015 - 15:37
Tay chân miệng (TCM) là bệnh nguy cơ lây lan cao, diễn biến khó lường, hiện chưa có vacxin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.

Nguy cơ lây lan cao

Trong số các ổ dịch TCM tại Hà Nội, ổ dịch ở quận Bắc Từ Liêm có 6 trẻ mắc bệnh. Theo Sở Y tế Hà Nội, việc xuất hiện nhiều ổ dịch TCM cho thấy, dịch bệnh này sẽ có nguy cơ lây lan cao và diễn biến khó lường. Trong năm 2014, Hà Nội ghi nhận 1.170 trường hợp mắc TCM ở 26/30 quận, huyện. Bệnh nhân phân bố tại 373/584 xã, phường của 30 quận, huyện; có đến trên 96% trường hợp mắc là trẻ dưới 5 tuổi.

 TCM xuất hiện trên cả nước đe dọa tính mạng của trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi

Vào đầu tháng 1, tại TP Vị Thanh, Hậu Giang, một bé gái gần 2 tuổi tử vong vì TCM. Theo ngành y tế tỉnh Hậu Giang, trong năm 2014, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 1.100 ca nhiễm TCM, tăng 22% so với năm 2013. Riêng những ngày đầu năm 2015, trung bình mỗi ngày có khoảng 15-20 ca nhiễm TCM trên địa bàn tỉnh được phát hiện.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, trong mấy tuần đầu năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 40 trường hợp mắc TCM. Tại Bạc Liêu, dịch TCM cũng đang lây lan nhanh ở các huyện: Phước Long, Đông Hải, Hồng Dân và TP Bạc Liêu. Từ đầu tháng 1 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã có khoảng 8 ca mắc bệnh TCM phải nhập viện.

 Không nên chủ quan

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh TCM thường bùng phát theo chu kỳ và bùng phát mạnh sau 3-5 năm. Năm 2015 chưa rơi vào chu kỳ đỉnh dịch nhưng cũng không loại trừ bệnh sẽ diễn biến bất thường. Vì thế, người dân không nên chủ quan trước căn bệnh này.

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu TCM. Nguyên nhân gây bệnh do virus đường ruột, lây lan theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Để phòng bệnh, cần vệ sinh cá nhân như: Rửa tay thường xuyên, tốt nhất là bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn; trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

 Vì chưa có vaccin phòng ngừa và thuốc trị đặc hiệu nên các bác sỹ khuyên các bậc phụ huynh đặc biệt giữ vệ sinh cho trẻ

Về vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn, uống phải rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Bên cạnh đó, người lớn cần vệ sinh nơi sinh hoạt; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng trẻ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Do đó, nếu trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm  2014, cả nước ghi nhận 80.685 trường hợp mắc TCM, trong đó 8 trường hợp tử vong (tỉnh Kiên Giang 2 trường hợp, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang, TPHCM, Bạc Liêu mỗi địa phương 1 trường hợp). So với năm 2013, số ca mắc giảm 0,5%, số tử vong giảm hơn 63%. Tuy nhiên, virus gây bệnh TCM vẫn lưu hành ở mức cao tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nên dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát lớn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm