Bác sĩ Lê Tiểu My cho rằng: Không có chế độ ăn riêng biệt nào cho phụ nữ mang thai, thay vào đó, bà bầu cần ăn nhiều rau, củ, ngũ cốc, sữa tách béo và các chế phẩm từ sữa, cá, thịt.
Đặc biệt, do thai nhi cần DHA, acid béo cho sự phát triển não bộ nên có thể ăn các loại cá như cá thu, cá hồi... để bổ sung các dưỡng chất này. Nếu không ăn được cá, bà bầu có thể sử dụng viên uống bổ sung omega-3, DHA (ít nhất 200-300 mg/ngày).
Bà bầu cần ăn đa dạng và chú ý ăn nhiều rau, quả |
Bên cạnh đó, bà bầu cần phải chú ý để đảm bảo cung cấp một số dưỡng chất thiết yếu:
- Acid folic: Khi chuẩn bị mang thai hoặc vừa có thai, bạn cần bổ sung acid folic ít nhất 400μg mỗi ngày để phòng tránh các dị tật ống thần kinh cho trẻ. Việc bổ sung acid folic có thể kéo dài đến hết 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài viên uống bổ sung, bạn có thể ăn những thực phẩm chứa nhiều acid folic như bông cải xanh, rau chân vịt, sữa và các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc thô, quả bơ…
- Sắt: Thiếu sắt gây nên thiếu máu dinh dưỡng và các rối loạn do thiếu sắt. Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai có thể tăng tai biến sản khoa, nguy cơ tử vong bà mẹ… Do đó, phụ nữ mang thai rất cần lưu ý bổ sung sắt giúp ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, trứng ngao, sò, ốc, hến, trong một số loại rau, củ (như rau muống, củ dền, bí ngô, súp lơ xanh…), trong các loại hạt như hạnh nhân, hướng dương, hạt bí, óc chó... Cùng với bổ sung sắt, chị em cần lưu ý uống thêm nước trái cây chứa nhiều vitamin C để giúp tăng cường hấp thu chất sắt. Đặc biệt, bà bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ theo dõi thai về việc bổ sung chất sắt nếu kết quả xét nghiệm máu đầu thai kỳ cho thấy có dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt.
- I ốt: khi mang thai và cho con bú, nếu thiếu i ốt có thể làm trẻ chậm phát triển thể chất và não bộ. Hàm lượng i ốt cần trong giai đoạn mang thai và cho con bú là 100-150μg/ngày. I ốt có nhiều trong các loại cá biển, muối bổ sung i ốt. Nếu có bệnh lý chức năng tuyến giáp, chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Vitamin D: Vitamin D được hấp thu trực tiếp khi da tiếp xúc với ánh nắng, vì vậy cần cho trẻ phơi nắng sớm khoảng 10 phút mỗi ngày. Việc để da tiếp xúc nắng sáng hoàn toàn có lợi cho bạn và thai nhi. Nếu bà bầu ít ra ngoài trời, hoặc có thói quen che kín cơ thể mỗi khi có nắng, sử dụng kem chống nắng… cần uống bổ sung vitamin D khoảng 800 đơn vị mỗi ngày.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai nên tránh những thực phẩm: Thịt sống hoặc tái (có thể bị nhiễm giun, sán…), cá sống, các món có trứng sống; sữa tươi chưa được thanh trùng hay tiệt trùng. Khi ăn rau, củ cần phải rửa thật sạch để loại bỏ các chất bảo quản thực vật. Những thực phẩm 'ăn vặt' như bánh ngọt, snack, nước ngọt… cần hạn chế. Riêng những thức uống có cồn, bia, rượu không nên sử dụng.
“Thật ra, mang thai là giai đoạn rất đặc biệt trong cuộc đời mỗi phụ nữ. Giai đoạn này có rất nhiều thứ để ghi nhớ và tận hưởng, do vậy không nên “quan trọng hoá” chuyện ăn uống. Thay vào đó, bà bầu chỉ cần nhớ vài nguyên tắc và lưu ý vai trò của một số dưỡng chất cần thiết cho mẹ và thai như trên”-bác sỹ Lê Tiểu My nhấn mạnh.