pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 kiểu suy nghĩ khiến tương lai trẻ kém triển vọng
Ảnh minh họa
Chẳng có bậc cha mẹ nào lại không muốn con mình nổi bật, hóa rồng hóa phượng, dù có bỏ ra bao nhiêu công sức cũng đều xứng đáng. Nhưng ngoài việc tham gia các lớp luyện thi khác nhau thì việc dạy trẻ về mặt tinh thần cũng rất quan trọng.
Nhiều bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm đến điểm số của con em mình mà lơ là trong việc nuôi dưỡng tâm hồn. Nếu bạn không chú ý đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển của trẻ, ngay cả khi có điểm số xuất sắc, trẻ có thể vẫn không làm được gì nổi bật, thậm chí khó hòa nhập với xã hội.
Tiểu Lý (Trung Quốc) từng là một trong những học sinh đứng đầu lớp khi còn đi học, nhưng giờ có cuộc sống không như mơ ước. Hơn 30 tuổi, anh vẫn chỉ là một công nhân ở cấp cơ sở của xí nghiệp. Lương của Tiểu Lý từ khi ra trường đến nay chỉ tăng chưa đến một nghìn tệ. Năm nay, một loạt nhân viên trẻ khác trong công ty được thăng chức còn Tiểu Lý, người hàng ngày vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách "buồn chán" lại thêm một lần bỏ lỡ cơ hội thăng tiến này.
Bao nhiêu lần đi làm vừa về đến nhà, bị vợ chì chiết chuyện chi tiêu trong gia đình, cơm áo gạo tiền, học hành con cái, Tiểu Lý càng bất lực và khó hiểu: Chẳng phải mọi thứ vẫn đang tốt sao, lương tuy không nhiều nhưng cũng tạm đủ. Con không bị thiếu ăn ngày nào. Nghe chồng bày tỏ suy nghĩ, người vợ không nói một lời, đưa con về nhà bố mẹ đẻ hai ngày liền.
Thật ra, điều này không có gì lạ khi Tiểu Lý được giáo dục theo kiểu an phận như vậy khi còn nhỏ. Không tranh giành thì không có gì sai, nhưng trong xã hội cạnh tranh này, nếu bạn đã có gia đình và sinh con, cha mẹ sắp già thì bạn cũng phải phấn đấu hết mình. Dạy con quá an phận đôi khi cũng là một nhược điểm.
Thấm nhuần 4 suy nghĩ này không có lợi cho sự phát triển của trẻ
1. Đừng quá hơn thua, tranh giành
Jack Ma – người sáng lập tập đoàn Alibaba - trong bài viết có tên "Đừng chán chường, tuổi trẻ bạn đã làm được gì?" có nói: "Tuổi trẻ của bạn không biết giành học bổng như thế nào, chưa từng nếm qua thất bại ra sao, suốt ngày chỉ quanh quẩn với chơi game trực tuyến, mua hàng trên mạng hay chat thông qua các ứng dụng, đó là những việc tôi có thể làm khi 80 tuổi. Vậy tuổi trẻ của bạn sinh ra để làm gì?".
Giống như cha mẹ của Tiểu Lý, tin rằng nhiều bậc cha mẹ đã nói điều này với con cái của họ: "Đừng quá tranh đấu hơn thua với đời". Nhiều đứa trẻ nghe theo và một số sẽ thực sự ghi nhớ, đặc biệt là những đứa trẻ lười biếng và thích sống trong vùng an toàn của mình, không cầu tiến và thiếu hứng thú với mọi việc.
Nhưng trong xã hội thực tế sẽ luôn có những cuộc cạnh tranh khác nhau, từ việc tuyển chọn thủ lĩnh sinh viên cho đến việc thăng chức và tăng lương của công ty, chúng ta đều cần phải không ngừng đột phá và phấn đấu để có được sự trưởng thành này. Nếu bạn luôn duy trì cái gọi là tính cách không tranh giành, ganh đua, bạn chỉ có thể ở yên tại chỗ và sống cuộc sống như muối bỏ bể mỗi ngày.
Cha mẹ bạn ngày một già, con cái bạn cũng cần được ăn ngon mặc đẹp. Ai cũng muốn một cuộc sống tốt hơn mỗi ngày.
2. Tiết kiệm hết mức, nhà mình nghèo lắm
Tiết kiệm là một đức tính tốt, nhưng các bậc cha mẹ nên cẩn thận khi giáo dục con cái mình phải biết tiết kiệm, đừng lạm dụng nó. Nếu cha mẹ luôn than nghèo kể khổ, rất có thể sẽ khiến trẻ mặc cảm, cảm thấy mình thua kém người khác, không xứng đáng với những gì mình có.
Nhiều người ngay cả khi lớn lên đạt được tự do kinh tế tương đối, vẫn cảm thấy lo lắng về điều này. Dạy con từ cuộc sống thực của gia đình, cho con nhìn thấy những hình ảnh lao động chân tay ngoài đời sống để con quý giá trị công sức, quý trọng đồng tiền là cách giáo dục thực tế để con nhận thức được hoàn cảnh gia đình, muốn tốt thì con phải cố gắng.
3. Chỉ “quét tuyết” trước cửa nhà, không lo sương giá trên nhà của người khác
Khi con còn nhỏ, những người lớn tuổi luôn dạy rằng nếu người khác đánh nhau thì phải tránh xa. Đúng là sự an toàn của con cái luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng nên nói với con rằng khi con gặp những điều không công bằng thì hãy cố gắng can thiệp trong phạm vi của mình. Nói với một đứa trẻ rằng hãy trốn đi trong trường hợp rắc rối có thể dễ dàng giết chết ý thức về công lý của trẻ. Một đứa trẻ như vậy lớn lên sẽ thiếu dũng khí, sinh ra tâm lý trốn tránh, thiếu trách nhiệm.
4. Người lớn nói, trẻ con không cãi lại
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ sẽ nói câu này khi dạy con, nhưng nếu nói quá nhiều, nó sẽ trở thành chuẩn mực đối với những đứa trẻ vốn dĩ đã mềm yếu, và chúng sẽ hoàn toàn mất đi tư tưởng tranh luận.
Nếu như bạn có một đứa con thích tranh cãi, bạn nên mừng hơn nên lo bởi con bạn là đứa trẻ có chính kiến, có tư duy độc lập, không sợ uy quyền và đang phát triển rất tốt. Với những khả năng này của trẻ, chỉ cần chúng có sự định hướng đúng đắn, nhờ vào cách xử lý mềm dẻo, khéo léo của phụ huynh thì chúng sẽ dễ tiến xa trong tương lai.
Hãy nhớ rằng việc để trẻ bày tỏ quan điểm của mình là tốt. Nhưng chúng nên làm việc đó một cách bình tĩnh và thân thiện. Và tốt nhất bạn không nên ngắt lời khi trẻ đang cố gắng giải thích điều mình nghĩ.