pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 loại trái cây mùa hè không nên ăn nhiều, trong đó có cả "vua của các loại trái cây"
Ảnh minh họa
Các loại trái cây chứa nhiều vitamin, chất xơ và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Ngoại trừ điều kiện sức khỏe không cho phép, các chuyên gia sức khỏe đều khuyến khích nên ăn nhiều rau củ và trái cây tươi để nhận được nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều các loại trái cây, đặc biệt là các loại trái cây mùa hè đặc trưng với vị "ngọt ngào" dưới đây có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn đối với sức khỏe.
1. Sầu riêng
Sầu riêng đang độ vào chính vụ và được mệnh danh là vua của các loại quả nhờ giá trị dinh dưỡng cao. Theo USDA, trong một múi sầu riêng tươi hoặc sầu riêng đông lạnh cắt nhỏ khoảng 243 gram sẽ cung cấp cho cơ thể con người lên tới 357 calo, kèm theo đó là các dưỡng chất khác, cụ thể như sau:
- 3,6 gram protein.
- 66 gram carbohydrate.
- 13 gram chất béo.
- Chất xơ là 9,2 gram.
- Chất đạm 3,6 gram.
- Kali: 1060 mg
- Phốt pho: 94,8 mg.
- Magie: 72,9 mg.
- Vitamin C: 47,9 mg.
- Folate: 87,5 mcg.
- Carbs.
- Natri là 4,9 mg.
Có thể thấy, sầu riêng là loại trái cây bổ dương với nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ cùng chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E,... tất cả đều có tác dụng chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Điều này không chỉ có lợi cho hệ miễn dịch mà còn có lợi cho quá trình lão hóa.
Ăn nhiều sầu riêng có tốt không?
Ăn quá nhiều sầu riêng một lúc có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao cũng như lượng calo nạp vào lớn, vì thế người mắc các bệnh cần kiểm soát đường huyết ổn định như đái tháo đường, huyết áp cao, béo phì, người có chỉ số cholesterol cao cần thận trọng nếu muốn ăn.
Ngoài ra, sầu riêng cũng giàu chất xơ, nếu ăn quá nhiều có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa như đầy hơi, táo bón.
Theo Sohu, sầu riêng có tính nóng nên ăn nhiều sầu riêng cũng có thể gây mụn, nóng trong. Nên loại quả này không thích hợp cho người có cơ địa dễ bị nóng, nhạy cảm.
Tuy sầu riêng giàu vitamin A nhưng lại không thích hợp với phụ nữ mang thai do chứa nhiều axit archidonic có thể ảnh hưởng tới quá trình hình thành tuyến tiền liệt và kích thích cơn co thắt tử cung.
Sầu riêng kỵ với gì?
Sầu riêng kỵ với sữa bò, cà phê, các loại hải sản, gia vị cay nóng, thịt đỏ, rượu bia. Khi kết hợp có thể gây ra những phản ứng bất lợi với hệ tiêu hóa, thậm chí ngộ độc.
2. Dưa hấu
Dưa hấu là một loại quả "giải khát" phổ biến của mùa hè. Thành phần chủ yếu trong dưa hấu là nước (chiếm 91%) và carb (chiếm 7,5%). Mặt khác, dưa hấu hầu như không có protein hoặc chất béo, đặc biệt rất ít calo.
Thành phần dinh dưỡng có trong khoảng 100 gram dưa hấu, bao gồm:
- Nước: 95.5 gram
- Năng lượng: 16 KCal
- Chất đạm: 2.3 gram
- Chất béo: 0.2 gram
- Chất xơ: 0.5 gram
- Canxi: 8 mg
- Magie 15: mg
- Kali:187 mg
- Đồng: 80 mg
- Vitamin C: 7 mg
- Vitamin B2: 0.04 mg
- Vitamin E: 0.05 mg
- Vitamin K: 0.1 mcg.
Có thể thấy dưa hấu có hàm lượng nước cao, giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa khác có lợi cho quá trình chống lại stress oxy hóa có liên quan tới các gốc tự do gây hại cho sức khỏe làn da. Ngoài ra, lycopene trong dưa hấu là một chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh mẽ có thể giúp bảo vệ chống lại tác hại của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời trong mùa hè nên có tác dụng tích cực đối với việc ngăn ngừa lão hóa sớm.
Ăn nhiều dưa hấu có tốt không?
Theo Healthline, ăn quá nhiều dưa hấu có thể không có lợi với người gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng kali dưa thừa, bao gồm người bị suy tim, bệnh thận, tiểu đường type 1, suy tuyến thượng thận và bệnh gan.
Một số quan niệm cho rằng ăn nhiều dưa hấu có thể gây ra các vấn đề về tim, tăng kali trong máu và tăng mất nước. Tuy nhiên những quan niệm này đều là thiếu căn cứ. Với tăng kali máu, bạn phải ăn cả quả dưa hấu to để dẫn tới vượt ngưỡng kali khuyến nghị hàng ngày. Nếu bạn khỏe mạnh thì việc bài tiết kali dư thừa ra ngoài bằng nước tiểu là hoàn toàn bình thường.
Ăn bao nhiêu dưa hấu một ngày?
Có thể thấy dưa hấu là một loại trái cây gần như an toàn với tất cả mọi người, nhưng nếu muốn duy trì và kiểm soát đường huyết ở mức ổn định, bạn chỉ nên ăn tối đa 400 gram dưa hấu một ngày (nếu khỏe mạnh) và khoảng 300 gram trong trường hợp đang ăn kiêng.
3. Xoài
Mỗi cốc xoài cắt lát (tương đương với khoảng 165 gam xoài) chứa khoảng:
- Năng lượng: 170 calo
- Chất xơ: 3 gram
- Đường: 24 gram
- Protein: 1 gram
- Vitamin A: 25 % DV (giá trị dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày)
- Vitamin C: 76 % DV
- Kali: 257 gram
- Vitamin B6: 0,2 mg.
Xoài có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như cung cấp năng lượng, hỗ trợ tiêu hóa, chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin A, kali. Xoài cũng chứa các chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Ngoài ra, xoài còn hỗ trợ sức khỏe của mắt, cải thiện làn da và có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Ăn nhiều xoài có tốt không?
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều xoài có thể khiến bạn dễ dàng tăng cân do xoài chứa nhiều calo và lượng đường cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ăn xoài quá nhiều có thể gây tăng lượng đường trong máu, làm mất cân bằng insulin và ảnh hưởng tiêu cực tới người đang mắc bệnh tiểu đường.
Không chỉ xoài chín mà xoài xanh cũng được nhiều chị em yêu thích. Xoài chua khi ăn quá nhiều có thể gây kích thích hệ tiêu hóa, gây ra các vấn đề như khó tiêu, đau dạ dày,...
Ngoài ra, một số người có thể gặp phản ứng dị ứng khi ăn xoài, đặc biệt là những người có dị ứng với urushiol - một chất có trong vỏ xoài, gây ngứa miệng, phát ban da,...
Theo Đông Y, xoài có tính bình nên ăn nhiều xoài có thể gây suy giảm chức năng tỳ, dẫn tới nổi mụn, nhiệt miệng.
Ăn bao nhiêu xoài mỗi ngày?
Theo các chuyên gia, để tránh những tác dụng phụ và giảm các nguy cơ gây hại của xoài cho cơ thể, chỉ nên ăn từ 200 đến 250g xoài một ngày. Tốt nhất là nên ăn xoài tươi để hấp thu đủ các vitamin, chất khoáng và chất xơ cho cơ thể.
4. Dứa
Theo USDA, khoảng 165 gram dứa tươi chứa các chất dinh dưỡng sau:
- Calo: 82,5 kcal
- Chất béo: 0,198 gram
- Protein: 0,891 gram
- Carbohydrate: 21,6 gram
- Chất xơ: 2,31 gram
- Vitamin C: 78,9 mg, chiếm 88% DV
- Mangan: 1,53 mg hoặc 66% DV (đối với nam giới) và 2,3 mg hoặc 109% DV (đối với nữ giới)
- Vitamin B6: 0,185 mg, chiếm 11% DV
- Đồng: 0,181 mg, chiếm 20% DV
- Thiamine: 0,13 mg, chiếm 11% DV
- Folate: 29,7 microgam, chiếm 7% DV
- Kali: 180 mg, chiếm 4% DV
- Magie: 19,8 mg, chiếm 5% DV
- Niacin: 0,825 mg, chiếm 5% DV
- Acid pantothenic: 0,351 mg, chiếm 7% DV
- Riboflavin: 0,053 mg, chiếm 4% DV
- Sắt: 0,478 mg, chiếm 3% DV.
Dứa cũng chứa một lượng nhỏ phốt pho, kẽm, canxi và các vitamin A và K. Loại quả này đặc biệt giàu vitamin C và mangan. Vitamin C cần thiết cho sức khỏe miễn dịch, hấp thụ sắt và phát triển, trong khi mangan cung cấp đặc tính chống oxy hóa và hỗ trợ tăng trưởng và chuyển hóa. Các chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn sự oxy hóa trong cơ thể, có thể giúp chống lại việc viêm nhiễm có thể dẫn đến ung thư và các bệnh mãn tính khác.
Ăn quá nhiều dứa gây ra tác dụng phụ gì?
Ăn quá nhiều dứa có thể gây ra một số tác dụng phụ như tổn thương niêm mạc miệng và lưỡi vì trong dứa chứa bromelain, một loại enzyme có tính chất mài mòn. Ăn nhiều dứa cũng có thể gây ra tiêu chảy hoặc đau bụng do hàm lượng chất xơ cao.
Nếu bạn ăn dứa không chín kỹ, bạn có thể bị nôn mửa hoặc tiêu chảy nặng do độc tố có thể tồn tại trong quả chưa chín. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với bromelain trong dứa, gây ngứa và sưng đỏ ở miệng hoặc cổ họng sau khi ăn.
Ngoài ra, phụ nữ có thai nên hạn chế ăn dứa, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ vì có thể gây co thắt tử cung, và người đang điều trị bằng thuốc anticoagulant không nên ăn nhiều dứa do tính chất làm loãng máu của bromelain.
Dứa cũng chứa nhiều đường nên người đang cần quản lý đường huyết như đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp nên thận trọng khi ăn.
Tóm lại, dù ăn trái cây tốt cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Nếu đang sẵn có các tình trạng bệnh lý và phải dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại trái cây nên ăn và không nên ăn cũng như lượng ăn để không ảnh hưởng tới sức khỏe.