pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 vật dụng trong bếp chứa cả ổ vi khuẩn E.coli
Một nghiên cứu vừa được công bố tại Tổ chức An toàn và Sức khỏe Cộng đồng (NSF International) đã chỉ ra hàm lượng vi khuẩn trong 30 vật dụng thường được sử dụng nhiều nhất trong gia đình, trong đó 4 vật dùng phổ biến trong bếp lại chứa hàng tỷ lượng vi khuẩn E.coli. Đây là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong phân, gây ra bệnh tiêu chảy, ngộ độc.
Không chỉ tiềm ẩn các nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mà việc nhiễm vi khuẩn E.coli còn gây ra các biến chứng nguy hiểm với sức khỏe, cấp tính, đặc biệt với những người có hệ thống tiêu hóa kém như trẻ nhỏ và người cao tuổi.
4 vật dụng được công bố bao gồm:
1. Chậu rửa nhà bếp
Nghiên cứu của NSF chỉ ra, chậu rửa nhà bếp là nơi có hàm lượng vi khuẩn phong phú, khảo sát cho thấy hơn 45% bồn rửa có chứa vi khuẩn E.coli, 25% chứa nấm men, nấm mốc và các loại vi khuẩn khác.
Thực tế cho thấy, chúng ta thường thích rửa trực tiếp rau củ, thịt, cá trong chậu rửa bếp, điều này vô tình làm lượng vi khuẩn trong chậu rửa tăng lên, khiến vi khuẩn E. coli trong chậu rửa nhà bếp nhiều hơn vi khuẩn trong bồn cầu. Do vậy nên tập thói quen rửa thức ăn, đặc biệt là các đồ ăn sống như rau sống, hoa quả vào chậu rửa riêng, tuyệt đối không rửa chung trong bồn rửa bát.
2. Mặt bàn bếp
Báo cáo của NSF cho biết 32% bàn bếp được phát hiện có vi khuẩn E.coli, chúng (vi khuẩn) được cho là đến từ các sản phẩm nông nghiệp (rau củ quả) chưa rửa và thịt sống. Trong quá trình chế biến, các vi khuẩn này cũng vô tình được phát tán diện rộng hoặc có thể từ chậu rửa văng ra ngoài.
Chính vì vậy, sau mỗi lần nấu ăn hoặc chế biến thực phẩm, bạn nên vệ sinh kỹ mặt bàn bếp, đặc biệt là những nơi thường xuyên sử dụng, gần bồn rửa, gần thùng rác... Vệ sinh bằng dung dịch vệ sinh chuyên biệt cho phòng bếp. sử dụng giấy ăn lau 1 lần hoặc khăn sạch sau đó phải rửa sạch khăn và phơi khô nhằm tránh lây nhiễm chéo.
3. Thớt
Dù đã được cảnh báo nhiều tuy nhiên nhiều gia đình vẫn chủ quan không vệ sinh thớt sạch sẽ sau khi sử dụng, đặc biệt là việc dùng chung thớt thái đồ sống với đồ chín rất dễ lây nhiễm vi khuẩn. Đồng thời nấm mốc từ thớt ẩm rất dễ gây ra các bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư dạ dày.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tuyên bố rằng số lượng vi khuẩn E.coli trên thớt gia dụng cao gấp 200 lần so với sàn nhà vệ sinh.
Do vậy, cần thiết kế những loại thớt chuyên biệt cho các mục đích khác nhau gồm có thớt và dao để thái đồ chín, thớt và dao chế biến thực phẩm sống, đặc biệt trong gia đình có trẻ nhỏ cần có bộ dụng cụ nấu bếp riêng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
4. Miếng rửa bát
Đây là lý do vì sao chúng ta nên thay miếng rửa bát thường xuyên, cho dù chúng vẫn còn sử dụng được. Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Furtwangen ở Đức đã công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí Scientific Reports, phát hiện ra rằng miếng cọ rửa bát có chứa 362 loại vi khuẩn, chủ yếu là vi khuẩn E.coli và vi khuẩn gây bệnh chết người như Salmonella. Trên 1cm vuông của miếng rửa bát trung bình chứa tới 30-45 tỷ loại vi khuẩn, tương đương với hàm lượng E.coli tìm thấy trong phân người.
Một nghiên cứu khác từ Đại học London cũng cho thấy, miếng rửa bát có lượng vi khuẩn nhiều hơn gấp 200 nghìn lần so với bồn cầu trong nhà vệ sinh. Điều này một lần nữa cho thấy việc vệ sinh và thay miếng rửa bát thường xuyên là việc làm cần thiết để bảo vệ gia đình bạn.
Sau khi dùng xong, bạn có thể rửa miếng rửa bát bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc ngâm qua nước sôi, sau đó để ở vị trí khô ráo để tránh vi khuẩn sinh thêm. Trung bình 1 tháng nên thay miếng rửa bát một lần hoặc dùng loại 1 lần để tránh gia tăng vi khuẩn trong căn bếp của bạn.
Một số mẹo vệ sinh nhà bếp, giúp bếp trong gia đình luôn sạch và hạn chế vi khuẩn:
- Làm sạch bồn rửa bát với baking soda, chanh, giấm hoặc các dung dịch vệ sinh chuyên biệt, tuy nhiên sử dụng các loại nước tẩy rửa khử mùi nhiều không tốt cho sức khỏe, tốt nhất là bạn nên sử dụng các loại làm sạch từ tự nhiên như chanh, quất, dung dịch muối pha loãng.
- Dọn dẹp và sắp xếp lại đồ ăn trong tủ lạnh thường xuyên, loại bỏ các thực phẩm đã hỏng, mốc, lau dọn bằng khăn lau 1 lần, sắp xếp thực phẩm sống và thực phẩm chín riêng, tránh lây nhiễm chéo trong tủ lạnh, đặc biệt là các loại thịt, cá
- Khử mùi lò vi sóng bằng chanh: Lò vi sóng cũng tiềm ẩn nhiều vi khuẩn nếu không chú ý vệ sinh thường xuyên, sau vài ngày sử dụng bạn có thể cho một bát nước pha giấm hoặc nước chanh quay nóng từ 1-2 phút sau đó dùng giấy lau thấm sạch. Điều này vừa giúp cho lò vi sóng tránh rỉ sét, vừa giúp bạn không tốn nhiều công sức vệ sinh mà vẫn sạch sẽ.
- Đối với thớt hoặc dao, đũa gỗ, sau mỗi lần sử dụng cần rửa sạch, bạn có thể vệ sinh bằng muối ăn hoặc chanh, chà nhẹ hoặc ngâm để loại bỏ vi khuẩn, hạn chế các yếu tố gây nấm mốc, mối mọt gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, cần phơi khô, nếu có nắng nên phơi ngoài nắng 30-45 phút để đảm bảo hạn chế vi khuẩn sinh sôi.