Bà Lục Thị Lương, ở km16 thuộc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên – Hà Giang), kể: Khi chiến tranh biên giới mới nổ ra, nhà bà vẫn ở làng Lò, ngay sát biên giới, cách cửa khẩu Thanh Thủy không xa. Bà Lương vẫn còn nhớ như in buổi sáng khi đang cấy lúa thì thấy trên nền trời từng vệt sáng như pháo hoa kèm theo từng tràng tiếng đạn pháo nổ liên tiếp dồn dập. Khi bộ độ báo động thì mới chợt nhận ra, chiến tranh đã nổ ra. Phía Trung Quốc đã chĩa đạn pháo sang nước ta.
Bà Lương nhớ lại, dù đạn pháo phía địch bắn sang rất ác liệt, trên trận địa là những cao điểm, ngọn núi bị phạt đi. Dù vậy, may mắn thay, người dân trong các thôn của xã Thanh Thủy không có nhiều thương vong bởi đã được trú ẩn kịp thời.
Khi đó, cô gái trẻ Lục Thị Lương mới 18 tuổi, cùng lứa bạn thanh niên trong thôn chưa di tản. Ai cũng hừng sức trẻ mong muốn góp công bảo vệ Tổ quốc và sớm tham gia dân công hỏa tuyến. Dù thân hình nhỏ bé nhưng Lương không quản ngại gùi những bao gạo 30 km băng suối, trèo đèo trong đêm đen để vào đồi 673, tiếp tế cho các đơn vị bộ đội đang chiến đấu chống quân xâm lược.
Khi được hỏi, bà Lương chia sẻ một cách thật giản dị: "Lúc đầu chứng kiến cảnh khốc liệt đau thương đang diễn ra, cảm giác cũng hơi sợ hãi. Chiến tranh mà. Thanh niên khi đó chưa có lệnh di tản, vẫn quyết tâm bám đất bám làng. Chứng kiến cảnh pháo nổ, đạn bay mãi cùng thành quen”.
Còn bà Lý Thị Chiu, ở thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy, vẫn nhớ như in thời thanh xuân tham gia dân công hỏa tuyến. Đến bây giờ, bà vẫn chưa lý giải được tại sao bản thân lại có sức khỏe phi thường, không biết mệt mỏi để góp công, góp sức vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương.
Bà kể, suốt 2 năm 1982 – 1983, ban ngày bà hối hả đào hào, đắp đường cho xe ra tuyền tuyến; đêm đến lại gùi gạo, lương thực nặng tới 30 cân vào gần trận địa cho bộ đội. Bà Chiu kể: Lứa thanh niên trong thôn ai cũng nhỏ thó nhưng cứ phăm phăm trèo đèo, vượt suối để kịp thời tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các đơn vị bộ đội đang chiến đấu quyết liệt tại điểm cao 821.
Theo các nhân chứng, trong những năm đầu thập niên 80 thế kỉ trước, đường phố tại thị xã Hà Giang, Vị Xuyên hối hả với đủ loại xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược lên trận địa. Thanh niên các phường, xã hăng say luyện tập bên sườn núi. Hầm trú ẩn được xây dựng khắp nơi, từ trường học đến xí nghiệp, khu chợ. Học sinh nườm nượp đến đơn vị dân quân tự vệ đăng ký lên đường chiến đấu, phục vụ chiến trường biên giới.
Ông Lý Xuân Lìn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thủy, cho biết: Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới tại Hà Giang kéo dài suốt 10 năm ròng rã, nhưng thật may mắn là rất ít người dân thường trên địa bàn xã bị thương vong bởi đã được bố trí di tản kịp thời.
Lãnh đạo UBND xã Thanh Thủy cho biết, trên địa bàn xã tập trung đông người đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, vốn quen sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khó khăn. Trải qua lịch sử lâu dài ấy đã hung đúc cho người dân nơi đây sự kiên cường, đoàn kết, hết mình vì bản làng, quê hương. Nhờ vậy, khi chiến tranh nổ ra, từ thanh niên đến người già, phụ nữ không quản ngại góp công góp sức, sẵn sàng hi sinh để tham gia chiến đấu, bảo vệ biên cương.
Tại cuộc hội thảo về chiến tranh biên giới mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, trong cuộc chiến tran biên giới, Hà Giang huy động 12.000 dân công hỏa tuyến cùng 20.000 dân quân miền xuôi tham gia đào đắp hàng vạn mét hào, đường giao thông, chi viện lương thực, thực phẩm... để xây dựng phòng tuyến biên giới chống lấn chiếm.
Hà Giang là nơi đương đầu với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc ngay từ những ngày đầu và là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất (1979 - 1989). Đây cũng là địa phương chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến đấu này với hơn 4.000 chiến sĩ hi sinh, hơn 9.000 cán bộ chiến sĩ bị thương. |
(Còn nữa)