400.000 USD hỗ trợ tiêm vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trẻ em gái
24/07/2019 - 14:14
Với tổng ngân sách 400.000 USD trong 3 năm (từ 2019 đến 2021), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) và công ty Merck Sharp & Dohme (MSD) đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm chủng vaccine HPV phòng chống ung thư cổ tử cung cho phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Ngày 24/7, tại lễ ký kết, Phó giáo sư Nguyễn Thị Thi Thơ (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, ung thư cổ tử cung tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong đối với phụ nữ. Nhiễm HPV là nguyên nhân tiên phát gây ung thư cổ tử cung, cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 phụ nữ mỗi năm trên toàn cầu, trong đó 85% sống ở các quốc gia đang phát triển.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung dự kiến sẽ tăng lên 443.000 người trên toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi số ca tử vong dự đoán do các biến chứng liên quan đến thai kỳ. Tử vong do ung thư cổ tử cung có chi phí điều trị cao và có thể gây ảnh hưởng lớn đến các nguồn lực kinh tế gia đình. Chi phí toàn cầu để chữa trị ung thư cổ tử cung dự kiến sẽ tăng từ 2,7 tỷ đôla Mỹ mỗi năm trong năm 2010 lên 4,7 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Năm 2018, ở Việt Nam có 4.177 phụ nữ phát hiện mắc ung thư cổ tử cung và 2.420 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Con số tử vong này cao gấp 2-3 lần số ca tử vong do các biến chứng liên quan đến thai sản (mang thai và sinh con). Đây là căn bệnh hiện vẫn chưa tìm được giải pháp chữa trị dứt điểm mà chỉ có thể phòng ngừa bằng phương sử dụng vaccine. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy nếu các em gái được tiếp cận với vaccine HPV và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sớm một cách có hiệu quả thì có thể giảm đáng kể con số tử vong do bệnh này gây ra.
Còn bà TS Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, hiện các chi phí liên quan tới tiêm vaccine HPV và thực hiện xét nghiệm sàng lọc sớm về ung thư cổ tử cung hiện vẫn chưa được gói bảo hiểm y tế quốc gia chi trả. Tại Việt Nam, vaccine HPV đã được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ với mức giá khá cao hơn 50 USD/liều. Vì chưa được đưa vào chương trình tiêm phòng mở rộng để tiêm phòng miễn phí cho trẻ em nên việc tiếp cận với vaccine này vẫn còn khá khó khăn với đa số đối tượng. Đây chính là một rào cản lớn Việt Nam cần phải vượt qua. UNFPA, UNICEF, WHO và các nhà sản xuất vaccine sẽ thống nhất chương trình hỗ trợ cho Việt Nam để cung ứng vaccine HPV với mức giá ưu trong chương trình tiêm chủng quốc gia với giá bằng 1/10 giá vaccine dịch vụ trong thời gian 5 năm (2021-2025).Đây là một cơ hội rất tốt để có thêm nhiều người dân Việt Nam tiếp cận được với vaccine HPV, góp phần kiểm soát bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
UNFPA đã phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam trong việc triển khai các chiến lược phòng chống ung thư, nhằm giúp Việt Nam phòng ngừa, giảm tỷ lệ mắc các bệnh ung thư cũng như các hoạt động liên quan đến tiêm phòng để bảo vệ cho thế hệ tương lai. Với tổng ngân sách 400.000 USD trong 3 năm từ 2019 đến 2021, hợp tác giữa UNFPA và MSD sẽ đưa ra các bằng chứng có chất lượng giúp xây dựng chính sách và chương trình giải quyết gánh nặng bệnh tật liên quan đến HPV và tạo điều kiện mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine HPV tại Việt Nam phù hợp với các ưu tiên của ngành y tế địa phương. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành truyền thông vận động dựa trên bằng chứng nhằm khuyến khích các bên có liên quan cấp quốc gia và địa phương trong việc giải quyết gánh nặng bệnh tật liên quan đến HPV, bao gồm tạo điều kiện và hỗ trợ mở rộng quy mô tiêm chủng vaccine HPV. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ xây dựng lộ trình quốc gia về tiêm chủng vaccine HPV tại Việt Nam. Chương trình sẽ được triển khai ở 5 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp ưu tiên cho độ tuổi 9-26.
Ông Koen Carel Kruijtbosch, Trưởng đại diện MSD tại Việt Nam, chia sẻ, phát triển các loại vaccine giúp bảo vệ sức khỏe công cộng có ý nghĩa lớn lao hơn một quyết định kinh doanh. Tại Việt Nam, mỗi ngày có 12 trường hợp mắc mới và 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung. Do đó, hợp tác giữa UNFPA và MSD hy vọng giải quyết được gánh nặng bệnh tật này.
Tại lễ ký kết, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Astrid Bant nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có thể kết hợp tốt giữa việc đảm bảo cung cấp đủ các liều vaccine HPV cho trẻ em gái vị thành niên, đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung và áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ ung thư cổ tử cung, một vấn đề nổi cộm trong chăm sóc sức khỏe công cộng ra khỏi cuộc sống của con người”.
Theo bà Astrid Bant, UNFPA và MSD cam kết hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác trong việc triển khai chương trình tiêm chủng HPV để “không còn người chồng nào phải mất đi người vợ của mình, không còn gia đình nào mất đi em gái hay chị gái của mình, không còn cha mẹ nào phải mất đi con gái và không còn người con nào phải mất đi người mẹ của mình”.