5 kinh nghiệm của Hội LHPN tỉnh Thái Bình trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao

Nhóm PV
01/12/2023 - 19:47
5 kinh nghiệm của Hội LHPN tỉnh Thái Bình trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao

Các tổ phụ nữ thu gom rác thải được thành lập để giữ gìn vệ sinh môi trường

Phụ nữ và các cấp Hội LHPN Thái Bình đã và đang chủ động, tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo tham gia công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều cách làm thiết thực và hiệu quả, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Bình, chia sẻ về kinh nghiệm của các cấp Hội trong tỉnh, trong phong trào phụ nữ Việt Nam chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.

- Thưa bà Nguyễn Thị Minh Hiền, xin bà cho biết, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Thái Bình đã có những hoạt động nào góp phần chung sức bảo vệ môi trường?

Phụ nữ Thái Bình chiếm gần 50% dân số, là lực lượng quan trọng trong sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan trực tiếp đến môi trường.

Các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Bình chúng tôi nhận thức sâu sắc tầm trọng của môi trường, đặc biệt đối với đời sống, sức khỏe của con người, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Thái Bình đã bám sát sự chỉ đạo của Đoàn chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy Thái Bình, sự quan tâm, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, công tác bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo và các mô hình hiệu quả, thiết thực, góp phần cải thiện môi trường xung quanh, nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, phụ nữ và cộng đồng.

Cụ thể, chúng tôi thực hiện công tác bảo vệ môi trường thông qua thực hiện các phong trào thi đua, Đề án, Cuộc vận động lớn của Hội.

Có thể kể đến như: Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" (được phát động từ năm 2010) với các tiêu chí đều hướng tới cấp hộ gia đình và trực tiếp góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), là tiêu chí đã được Chính phủ đưa vào nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

5 kinh nghiệm của Hội LHPN tỉnh Thái Bình trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 1.

Phong trào "Chống rác thải nhựa" được các cấp Hội phát động, thực hiện

Cùng với đó, chúng tôi thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa". Đây là phong trào đã được Hội LHPN Việt Nam triển khai mạnh mẽ (từ năm 2018) với cam kết tích cực, quyết tâm thực hiện các hoạt động "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần" trong toàn hệ thống Hội và hội viên, phụ nữ cả nước, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi ni lông.

Tại tỉnh Thái Bình, năm 2021, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng đề án: Tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ xây dựng gia đình 5 có 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022 – 2030.

- Bà có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của Hội LHPN tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương?

Hội LHPN tỉnh Thái Bình trong công tác bảo vệ môi trường được ghi nhận, đánh giá rõ nét trên những nội dung chính sau:

Thứ nhất, tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ Hội các cấp và hội viên, phụ nữ. Thông qua các hoạt động, sự kiện, chiến dịch truyền thông được các cấp Hội tổ chức hàng năm gắn với những vấn đề môi trường của tỉnh và địa phương, hội viên, phụ nữ và người dân đã tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành động về công tác bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, đã kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân nêu cao ý thức, bằng những hành động cụ thể, thiết thực thực hiện bảo vệ môi trường.

5 kinh nghiệm của Hội LHPN tỉnh Thái Bình trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 2.

Mô hình biến rác thải thành tiền được thực hiện tại nhiều địa phương

Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều cuộc truyền thông tại tỉnh, huyện và cơ sở với các hình thức phong phú: tọa đàm, liên hoan, giao lưu; sinh hoạt chi hội/tổ phụ nữ, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, báo, để chuyển tải nội dung về bảo vệ môi trường tới đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Chúng tôi xây dựng nhiều sản phẩm truyền thông tuyên truyền bảo vệ môi trường như: tờ rơi/tờ gấp dành cho hộ gia đình; pa nô, biển tường là các thông điệp tuyên truyền trực quan về cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, bảo vệ môi trường; hỗ trợ tích cực cho đội ngũ tuyên truyền viên, hội viên phụ nữ trong các buổi sinh hoạt nhóm, tổ phụ tuyên truyền trực quan đến cộng đồng nhằm hướng tới thay đổi hành vi.

Đồng thời, phối hợp tuyên truyền hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh và địa phương về kết quả hoạt động, các gương tập thể, cá nhân điển hình bằng các phóng sự, tin bài.

Thứ hai, các cấp Hội đã xây dựng các mô hình điểm về phân loại rác thải và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Duy trì và nhân rộng rất nhiều mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường tại cộng đồng bảo vệ môi trường hiệu quả.

Các cấp Hội LHPN Thái Bình đã và đang triển khai rất nhiều mô hình bảo vệ môi trường với hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần giải quyết các vấn đề của địa phương; trong đó chú trọng các hoạt động: phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, giảm rác thải nhựa, xây dựng các mô hình "biến rác thành tiền", trồng cây xanh...

5 kinh nghiệm của Hội LHPN tỉnh Thái Bình trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 3.

Các tổ phụ nữ thu gom rác thải được thành lập để giữ gìn vệ sinh môi trường

Đến nay, hầu hết các cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường như: "Tổ phụ nữ thu gom rác thải", "Dùng làn đi chợ", "Thôn phụ nữ xanh - sạch - đẹp", "Vươn sạch - sạch; nhà - đẹp", "Phụ nữ sản xuất đảm bảo an toàn", "Ngày thứ 7, chủ nhật xanh", "Gạch sinh thái", "Phụ nữ thu gom, xử lý rác thải", Mô hình "Biến rác thành tiền", "Nói không sử dụng rác thải nhựa một lần", "Cánh đồng sạch", "Sản xuất rau an toàn", "Đoạn đường tự quản".

Hội LHPN tỉnh Thái Bình có 1.655 tổ thu gom và xử lý rác thải và 9.460 thành viên; vận động hội viên lao động dọn vệ sinh tại khu dân cư vào ngày 24, 25 hàng tháng.

Hiện nay Thái Bình đã có 241 cơ sở có mô hình biến rác thành tiền, 606 mô hình đã thu được số tiền gần 1,6 tỷ đồng;

Hội LHPN các cấp cũng phát hàng chục ngàn làn nhựa cho phụ nữ đi chợ; hàng trăm ngàn xô đựng rác sau khi phân loại cho các gia đình hội viên; Cơ quan Hội LHPN tỉnh dùng bình thủy tinh đựng nước mà không dùng chai nhựa... Hàng năm hưởng ứng trồng cây đầu xuân, các cấp Hội có hàng trăm công trình cây xanh và hàng trăm ngàn cây xanh được các tầng lớp hội viên hưởng ứng, tạo cnahr quan xanh, đẹp. Cán bộ, hội viên tham gia trồng rừng ngập mặn; tham gia bảo vệ môi trường biển (mô hình bến bãi của Hội)

Thứ ba, Hội LHPN tỉnh đã tập trung tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên của Hội. Các chi hội đã lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp chi hội, câu lạc bộ... tại địa phương.

Thứ tư, các cấp Hội chú trọng phát huy vai trò trong xây dựng, giám sát, phản biện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và cộng đồng khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Tham gia góp ý các văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, thường xuyên hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện ngày một hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách trong đó có những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.

Thứ năm, các cấp Hội tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường, không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hệ thống thông tin của Hội mà còn thông qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc thi để giới thiệu các mô hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường của hội viên, phụ nữ.

Có thể khẳng định rằng, phụ nữ và các cấp Hội LHPN Thái Bình đã và đang chủ động, tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo tham gia công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực và các mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Các hoạt động không những giữ gìn môi trường sống, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần thiết thực trong phong trào phụ nữ Việt Nam chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.

- Xin cảm ơn bà!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm