Nhiều phụ nữ tin rằng cùng thời gian, hội chứng són tiểu sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, sau đây là 5 ngộ nhận phổ biến của chị em về 'bệnh khó nói' này.
1. Chữa trị són tiểu là nỗ lực không cần thiết hoặc không hiệu quả
Đó là một trong những ngộ nhận tai hại nhất, nó xui khiến chị em thay vì tìm gặp bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu thì chúi đầu mua băng vệ sinh và cho rằng rắc rối đã được giải quyết.
“Theo kết quả những nghiên cứu của chúng tôi, rào cản lớn nhất kìm chân người bệnh tìm kiếm sự hỗ trợ của y học, ngoài mặc cảm xấu hổ và ngại ngùng, còn có sự ngộ nhận són tiểu là bệnh nhất thời, sẽ tự biến mất.
Gần một nửa tổng số người được thăm dò nghĩ như vậy. 46% số người còn lại cho rằng, són tiểu là hiện tượng bình thường gắn với tuổi già và không cần phải chữa trị”- TS Urszula Wojtowicz (Đại học Y Krakow, Ba Lan), chủ nhiệm công trình nghiên cứu về són tiểu, chia sẻ.
Sự thật nằm ở giữa: càng sớm bắt đầu các bài tập luyện nhóm cơ đáy chậu càng tốt. Pháp là một trong số quốc gia có chính sách hỗ trợ phụ nữ phòng ngừa chứng bệnh này đặc biệt hiệu quả. Sau sinh con, tất cả sản phụ đều phải trải qua khóa học phục hồi chức năng nhóm cơ đáy xương chậu tại các trung tâm y tế nhà nước.
Chị em cũng tự tập luyện tại nhà. Kết thúc khóa học, các học viên được cấp giấy chứng nhận. Vài hoặc hơn chục năm sau, khi chị em vào tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể suy giảm, có thể dẫn đến són tiểu. Khi ấy đối tượng có giấy chứng nhận sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán tất cả chi phí chữa trị. Bệnh nhân không có giấy chứng nhận này phải tự bỏ tiền điều trị.
2. Són tiểu là bệnh duy nhất liên quan đến tình trạng rối loạn nhóm cơ đáy chậu
Sai. Có nhiều sự cố liên quan đến tình trạng rối loạn nhóm cơ đáy chậu. Trong số đó có thiếu cảm giác sung sướng trong sinh hoạt vợ chồng (hiện tượng “trống trải” bên trong nơi thầm kín, khó vươn tới cực khoái), đau bộ phận sinh dục hoặc vùng dưới thắt lưng, cứng cổ và thoái hóa khớp xương đùi, những rối loạn chức năng khu vực hậu môn (táo bón, trĩ), sa bàng quang, sa âm đạo, sa trực tràng...
3. Són tiểu là sự cố chỉ liên quan cơ Kegel
“Không chính xác. Năm 1948, bác sĩ phụ khoa người Mỹ Arnold Kegel lần đầu tiên mô tả cơ đáy chậu. Tuy nhiên, BS Kegel chỉ lưu ý duy nhất bộ phận nhóm cơ chạy từ xương mu đến xương cụt”- TS Wojtowicz dẫn giải. Nhưng phát hiện của BS Kegel hết sức quan trọng.
Chính ông đã nhận thấy, tập luyện cơ này mang lại hiệu ứng giảm thiểu triệu chứng són tiểu ở phụ nữ, tạo nền tảng điều trị hiệu quả nó. Sự phát triển khoa học sau này cho thấy, nhóm cơ đáy chậu nhiều hơn cơ Kegel. Cấu tạo của chúng giống như mảng lưới hình cánh quạt bao quanh xương chậu. Chính cấu trúc giải phẫu phức tạp như thế là cội nguồn mọi rắc rối.
Ở tổ tiên bốn chân xa xưa của chúng ta, cơ quan nội tạng nằm bên trong vòm bụng và trong khung xương chậu được cơ bụng mang vác. Khi người tiền sử đứng trên 2 chân, tình hình đột ngột thay đổi. Toàn bộ trọng lượng cơ quan nội tạng trước đây phân bổ trên diện tích cơ bụng khá rộng, thoắt dồn cả vào địa bàn chật hẹp trên nhóm cơ đáy chậu, nguy cơ cao són tiểu.
4. Các nữ VĐV thể thao có cơ đáy chậu khỏe mạnh
Không đúng. Khá nhiều VĐV điền kinh, bóng rổ hay vũ ba lê cũng là nạn nhân són tiểu. Tại sao? Trong thời gian chạy, tập luyện, kể cả hắt xì hơi hoặc mang vác vật nặng, họ cũng bị gia tăng áp lực vòm bụng. Nếu cơ đáy chậu không đủ khỏe để gánh chịu sức ép này, sẽ tác động tiêu cực đến bàng quang. Áp lực quá lớn từ bàng quang gây suy van niệu quản, dẫn đến són tiểu.
Vì thế, tất cả nữ VĐV cần phải thường xuyên tập luyện, củng cố cơ đáy chậu. TS Karin Bo, nhà khoa học Na Uy đã kiểm tra sức khỏe 1.473 nữ HLV thuộc 3 trung tâm fitness (thể dục thể hình) lớn nhất đất nước. Kết quả, tương tự các HLV yoga và pilates, 26% HLV fitness bị són tiểu.
Ở Brazil, người ta ví phụ nữ tập pilates với những người thực hành lối sống lười vận động. Bởi thực tế nghiên cứu cho thấy, cơ đáy chậu của hai nhóm đối tượng không khác gì nhau.
5. Tập luyện cơ đáy chậu thật tẻ nhạt
Chắc chắn không hấp dẫn và không dễ, bởi người tập không nhìn thấy chúng. Người tập thậm chí không thể xác định, chúng đang ở trạng thái căng cứng hay thả lỏng. Với những cơ khác như cơ bắp tay, bắp chân, cơ đùi..., bạn dễ dàng quan sát và xác định bài tập tác động thế nào đến kích thước và sức mạnh của chúng.
Với cơ đáy chậu cũng có thể quan sát trên màn hình smartphone nếu là “thiết bị chuyên dùng”. Tất cả bao gồm: điện thoại thông minh smartphone, đầu dò âm đạo kGoal, sản phẩm do các kỹ sư thuộc Đại học Stanford (Mỹ) thiết kế kết nối không dây với smarthone qua phần mềm cài đặt trước. Người sử dụng có thể dễ dàng theo dõi và tập cơ đáy chậu. Hiệu quả thấy rõ sau 12 tuần tập luyện.