pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 việc cần làm với người bị "mắc kẹt" ở nơi đang giãn cách xã hội
Người dân khó khăn do Covid-19 được chính quyền địa phương hỗ trợ
Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Để phòng chống dịch, nhiều tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 15 ngày. Thậm chí, một số tỉnh đã phải kéo dài thời gian giãn cách lên 3-4 lần. Ví như, Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam.
Theo tìm hiểu của PNVN, trước khi giãn cách nhiều lao động đã trở về quê nhưng cũng có một số lao động không về kịp, bị kẹt tại các thành phố lớn. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương, bởi thu nhập không có, phải thực hiện nghiêm "ai ở đâu ở yên đấy" để chống dịch nên gặp nhiều khó khăn. Dưới đây là một số thông tin người dân bị kẹt tại các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 cần làm để đảm bảo cuộc sống cũng như phòng chống dịch.
Không tự ý về quê
Ngày 5/8/2021, Thủ tướng ra Công điện khẩn số 1068 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu tại các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 là "ai ở đâu ở yên đấy". Do đó, bất cứ ai về quê, dù là bằng phương tiện cá nhân, cũng là không được phép và người dân buộc phải quay đầu xe khi đến các chốt kiểm soát. Ngoài ra, khi ra đường, người dân rất dễ bị lực lượng chức năng xử phạt vì lý do "ra đường không có lý do chính đáng".
Người dân chỉ được về quê nếu tỉnh, thành mà người dân đang sinh sống, làm việc phối hợp với địa phương nơi người dân có thường trú lên phương án hỗ trợ đưa người dân trở về. Khi về quê, người dân phải thực hiện cách ly y tế theo quy định của địa phương.
Chỉ ra ngoài khi cần thiết
Các tỉnh, thành đang giãn cách theo Chỉ thị 16 đều quy định rất rõ các trường hợp người dân được ra ngoài đường. Do đó, người dân chỉ nên ra ngoài khi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men; Cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; Đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở được phép hoạt động.
Đăng ký nhận nhu yếu phẩm qua Zalo
Nếu như có hoàn cảnh khó khăn, cần lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, người bị mắc kẹt có thể sử dụng tính năng Zalo Connect trên ứng dụng Zalo. Đây là tính năng kết nối những người gặp khó khăn, cần giúp đỡ trong vùng dịch với các nhà hảo tâm, mạnh thường quân. Tại đây, người dân có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người người đang ở gần vị trí của mình nhất về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm. Người dân thực hiện theo hướng dẫn trên ứng dụng để nhận được sự hỗ trợ.
Nhận tiền hỗ trợ
Nếu như người kẹt lại ở Hà Nội, TPHCM, người lao động tự sẽ được nhận hỗ trợ số tiền 1,5 triệu đồng. Điều kiện chung để nhận được hỗ trợ là người lao động tự do ngoại tỉnh phải có đăng ký tạm trú. Các trường hợp khác như lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, người lao động bị ngừng việc, phải cách ly y tế, lao động chấm dứt hợp đồng,… thì sẽ nhận được số tiền hỗ trợ khác nhau tùy từng trường hợp.
Do đó, người ngoại tỉnh "kẹt" ở lại các địa phương đang giãn cách xã hội cần nắm rõ mình thuộc trường hợp nào để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Người dân có thể hỏi tổ trưởng dân phố hoặc UBND xã/phường nơi mình tạm trú để được hướng dẫn.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19
Hiện nay, các tỉnh, thành đang triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19. Những người ngoại tỉnh đang kẹt lại ở Hà Nội, TPHCM hoặc các địa phương khác cũng cần đăng ký tiêm vaccine ngay khi có cơ hội.
Người dân có thể đăng ký tiêm theo cơ quan, doanh nghiệp mình đang làm việc hoặc ở phường nơi đang cư trú. Khi có vaccine, người dân nên tiêm ngay chứ không nên chờ hay chọn vaccine nào bởi tất cả các loại vaccine đang sử dụng đều đã được cấp phép và có hiệu lực bảo vệ.