pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 cách giáo dục trẻ trở nên tự giác cha mẹ nên áp dụng sớm
Các bậc cha mẹ có biết rằng sự nuông chiều quá mức khiến trẻ mất đi tính tự giác. Ngoài ra, sự quản lý, thúc ép, kiểm soát cũng khiến trẻ chán nản, mệt mỏi, trở nên không muốn thực hiện việc gì nữa. Chẳng hạn những câu nhắc nhở như: "Con đã làm bài tập chưa?", "Tại sao con lại vô kỷ luật như thế?", "Mẹ đã nói nhiều lần sao con không thực hiện?"… khiến trẻ chán ngấy. Sự kiểm soát và áp đặt quá nhiều của cha mẹ dễ khơi dậy phản kháng trong trẻ.
Tính tự giác của trẻ phải được bắt đầu từ khi trẻ có nhận thức đúng đắn, tự bản thân muốn học tập, làm việc. Tính tự giác không thể hình thành do bị cha mẹ ép buộc, hối thúc. Vì thế, nếu cha mẹ muốn rèn luyện tính tự giác, kỷ luật cho con nhất định phải thực hiện 5 điều sau.
1. Từ bỏ các ràng buộc, cho trẻ cơ hội chủ động
Một bà mẹ ở Trung Quốc từng kêu cứu trên mạng, nhờ mọi người tư vấn: "Ngay từ khi con còn nhỏ, tôi đã thiết lập hàng loạt nguyên tắc như: "Đi học về làm bài tập ngay", "Không làm xong bài tập không được đi chơi", "Viết nhật ký đều đặn mỗi ngày", "Đọc một bài thơ cổ vào mỗi sáng thức dậy"… Nhưng tại sao con tôi vẫn không tự giác, điểm số lẹt đẹt và ngày càng chống đối cha mẹ?".
Trả lời câu hỏi trên, nhà giáo dục Tao Xingzhi của Trung Quốc cho biết: "Mọi đứa trẻ đều mong muốn bản thân được tự chủ. Cha mẹ chỉ bằng cách từ bỏ mọi loại kiểm soát, mệnh lệnh và yêu cầu với trẻ mới giúp trẻ tự giác thực hiện. Hãy tôn trọng mong muốn của trẻ, cho trẻ cơ hội tự chủ, nêu ra quan điểm cá nhân, sáng tạo những điều yêu thích".
2. Đừng cằn nhằn và buộc tội, hãy cho trẻ trải nghiệm của sai lầm
Khi đã nhắc nhở nhiều lần mà trẻ không nghe, cha mẹ không nên tiếp tục cằn nhằn, thúc giục và buộc tội trẻ.
Chẳng hạn nếu trẻ dậy muộn, nằm lì trên giường, hãy để trẻ nếu trải hậu quả của việc đi muộn. Nếu trẻ làm bài không cẩn thận, hãy để trẻ nếm trải cảm giác bị giáo viên phê bình trước lớp. Nếu trẻ không chịu ăn, hãy để trẻ nếm trải cảm giác bị đói.
Cho dù cha mẹ chỉ ra mối nguy hại đến đâu thì điều đó cũng không bằng việc để chính trẻ tự trải nghiệm. Chỉ bằng cách này, trẻ mới được trải nghiệm thực tế, rút ra bài học thấm thía. Trẻ sẽ thật sự hiểu bản thân đúng điều gì, sai điều gì và tự giác lên kế hoạch, dự định phù hợp.
3. Thay phần thưởng vật chất bằng tinh thần
Nhiều cha mẹ thường động viên, khích lệ trẻ bằng cách cho tiền tiêu vặt, mua đồ chơi… khi trẻ thực hiện được việc tốt hay đạt kết quả học tập cao. Cách này trong thời gian đầu mang lại hiệu quả cao nhưng về sau sẽ gây phản tác dụng. Khi trẻ đã quen với việc nhận thưởng bằng vật chất, trẻ sẽ bắt đầu "mặc cả", "thương lượng" về giá trị món quà. Điều này khiến cho phần thưởng vật chất chỉ có tác dụng tạm thời.
Nguy hại nhất là việc phần thưởng vật chất sẽ làm thay đổi động cơ học tập của trẻ, khiến trẻ học chỉ vì muốn nhận phần thưởng mà không hề có hứng thú. Khi không nhận được phần thưởng hoặc nhận phần thưởng không đúng nguyện vọng, trẻ sẽ trì hoãn công việc, lười biếng học tập. Vì thế, cha mẹ cần tặng thưởng tinh thần cho con, thay bằng những món quà vật chất.
Chẳng hạn như cha mẹ hãy trao cho con ánh mắt tán dương, nụ cười tươi tắn cùng những lời khen ngợi, động viên chân thành. Hoặc cha mẹ có thể cho con đi xem phim, đi đá bóng hay đi du lịch… Hãy cùng con thực hiện những điều con yêu thích bấy lâu. Như vậy, trẻ sẽ rất hạnh phúc và cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ.
4. Khám phá điểm sáng của trẻ và đưa ra những lời khuyên tích cực
Ông Martin – Giáo sư Tâm lý giáo dục (Đại học Edinburg) đã chứng minh qua nghiên cứu: "Gần 90% những người có thành tích vượt trội đều thưởng xuyên nhận được những lời khen tích cực từ cha mẹ khi còn nhỏ".
Ngôn ngữ của cha mẹ có tác động sâu sắc đến trẻ. Nếu cha mẹ luôn cho trẻ những phản hồi và "dán nhãn" tiêu cực như: "Tại sao con lại bất cẩn như vậy?, "Tại sao con lười biếng thế?"… sẽ khiến trẻ chấp nhận những nhận xét đó trong tiềm thức. Và trẻ sẽ dùng lời nói và hành động để chứng minh: "Con là đứa trẻ tồi tệ như những gì cha mẹ nhận xét".
Thế nhưng nếu cha mẹ thường xuyên nói những lời tích cực như: "Hôm nay mẹ thấy con đã hoàn thành bài tập đúng hạn, mẹ rất vui", "Con rất chăm chỉ, nhất định con sẽ trở thành người có kỷ luật trong tương lai"… sẽ sưởi ấm trái tim trẻ. Những lời nói tích cực này sẽ tạo động lực, thúc đẩy trẻ phát triển hơn.
Thực tế đã chứng minh, cha mẹ nói điều gì thì trẻ sẽ hình thành tính cách, thói quen đó. Nếu muốn con mình trở nên tốt hơn, cha mẹ hãy chú ý nhiều hơn đến điều tốt để khích lện trẻ. Như vậy, trẻ sẽ rất phấn khởi và nỗ lực cố gắng.
5. Hãy thay đổi trẻ từ từ, đừng nóng vội
Để trẻ trở nên tự giác, có thói quen tốt không phải là việc "một sớm một chiều". Nếu muốn giúp con, cha mẹ cần thực kiên nhẫn thực hiện từng bước một.
Cha mẹ không thể thay lập tức rèn luyện cho trẻ tính tự giác, kỷ luật được. Vì vậy, trước tiên hãy hạ thấp yêu cầu đối với trẻ. Cha mẹ nên đưa ra những yêu cầu nhỏ để trẻ dễ dàng thực hiện. Sau khi trẻ làm xong, cha mẹ hãy kịp thời khen ngợi và tăng dần yêu cầu. Dần dần trẻ sẽ có kỷ luật với bản thân hơn, tự thực hiện những việc trong khả năng mà không cần cha mẹ nhắc nhở.
6. Hiểu nhu cầu tâm lý của trẻ trước để giải quyết vấn đề
Chị Tiểu Yến (Trung Quốc) ngồi bên cạnh thúc giục con viết một bài văn. Nhưng đứa trẻ ngâm nga cả tiếng đồng hồ mà chỉ viết được 2 câu, mặt cúi gằm nghịch bút. Thấy con như vậy, Tiểu Yến nổi cáu: "Sao con lười biếng vậy, không tự giác gì cả?".
Vừa dứt lời, đứa trẻ bật khóc, mếu máo nói: "Mẹ! Không phải con không muốn viết mà là con không biết nên viết gì tiếp theo". Nghe xong, Tiểu Yến khá bất ngờ. Hóa ra, đôi khi trẻ làm không tốt không phải do thiếu tính tự giác mà do cần nhận sự giúp đỡ.
Khi trẻ có hành vi không tốt, điều đầu tiên cha mẹ cần làm không phải là chỉ trích, trách móc, trừng phạt mà hãy chấp nhận khuyết điểm của trẻ. Sau đó, hãy tìm hiểu nhu cầu tâm lý, nguyên nhân dẫn đến hành vi đó.
Trẻ thiếu tính tự giác là do nguyên nhân gì? Do trẻ không có hứng thú học tập, ghét sự áp đặt của cha mẹ, tự ti với bạn học hay đang gặp khó khăn không thể vượt qua? Chỉ bằng cách tìm ra nguyên nhân, cha mẹ mới giúp trẻ giải quyết vấn đề và rèn luyện sự tự giác cho trẻ.
Động lực để trẻ hình thành tính tự giác, kỷ luật là tình yêu thương của cha mẹ. Cơ sở của tính kỷ luật là việc đưa mọi người xung quanh thừa nhận giá trị bản thân. Khi một người cảm thấy mình xứng đáng, được ghi nhận, họ sẽ làm tất cả những điều tốt nhất. Cha mẹ sẽ không bao giờ có thể dạy trẻ tính tự giác nếu trẻ luôn trong tâm trạng tồi tệ. Vì thế, hãy trao cho trẻ sự tôn trọng, tin tưởng, tình yêu thương.