pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 vitamin có tác dụng giảm viêm cho cơ thể
Một chế ăn hợp lý có thể giúp cải thiện tình trạng viêm cấp - mãn tính. Các nghiên cứu đã chỉ ra một số loại vitamin chứa hợp chất chống viêm có thể dễ dàng tiếp nhận thông qua chế độ ăn một cách tự nhiên hoặc thực phẩm bổ sung (theo chỉ định bác sĩ).
Viêm mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như tiểu đường type 2 và bệnh tim. Ngoài ra còn có các tình trạng khác như ung thư, các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp,...
6 vitamin có tác dụng giảm viêm cho cơ thể
Dưới đây là danh sách 6 loại vitamin có đặc tính chống viêm (possess anti-inflammatory properties) và có nhiều trong các loại thực phẩm đa dạng. Việc bổ sung vitamin thông qua thực phẩm luôn là đề nghị đầu tiên của các bác sĩ liên quan tới phòng chống chứng viêm, đặc biệt là khi bạn đang có tình trạng thừa cân.
1. Vitamin A
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin A có thể giữ cho hệ miễn dịch không phản ứng thái quá và gây viêm.
Vitamin A có sẵn ở hai dạng: Beta-caroten là tiền vitamin được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể và vitamin A là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do. Việc không nhận đủ vitamin A có thể làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer.
Nguồn vitamin A trong thực phẩm:
Vitamin A có sẵn trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật bao gồm sữa, gan. Beta-caroten là loại tiền vitamin A phổ biến nhất - cũng là thứ khiến thực phẩm có màu cam, bao gồm khoai lang, cà rốt, dưa hấu, đu đủ. Một số loại rau có lá màu xanh đậm cũng giàu vitamin A.
Lưu ý:
- Bổ sung quá nhiều vitamin A có thể gây tổn thương gan và dị tật bẩm sinh. Các chất bổ sung beta-carotene có liên quan đến nguy cơ ung thư phổi cao hơn ở người hút thuốc, kể cả khi đã bỏ thuốc lá.
- Một số loại thuốc giảm cân orlistat có thể khiến cơ thể bạn khó hấp thụ vitamin A khơn, ngay cả khi bạn có chế độ ăn uống đầy đủ.
- Các loại thuốc điều trị các vấn đề về da như acitretin cho bệnh vẩy nến, isotretinoin cho điều trị mụn trứng cá,.. là một dạng vitamin A nhân tạo nên bạn không sử dụng các chất bổ sung vitamin A thêm nếu đang sử dụng những thuốc này.
2. Vitamin nhóm B
Những người có lượng vitamin B6 thấp thường sẽ có hàm lượng protein phản ứng C cao, một hợp chất khác gây viêm nhiễm, đặc biệt là trong các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu cho thấy việc bổ sung axit folic (còn được gọi là folate, một loại vitamin B khác) liều thấp hàng ngày và trong thời gian ngắn có thể làm giảm viêm.
Nguồn vitamin B trong thực phẩm:
Để giảm viêm và tăng vitamin B6, hãy thử tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin B bao gồm đậu đen, các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, măng tây, ớt chuông, nấm, cá ngừ và thịt gia cầm. Trứng cũng rất giàu vitamin B12 và folate, còn các loại sữa sẽ cung cấp cho cơ thể B6. Vì thế bạn có thể tham khảo việc bổ sung các loại hạt với sữa vào chế độ ăn sáng.
Lưu ý:
- Bổ sung B6 quá mức có thể khiến da bị lở loét, nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời, buồn nôn và ợ chua, thậm chí là kích động thần kinh. Nhưng không đủ B12 cũng có thể gây tổn thương thần kinh.
- Nồng độ axit folic cao cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư trong một số trường hợp
- Các loại thuốc có thể khiến nồng độ vitamin B hấp thụ bị ảnh hưởng và ngược lại, baon gồm: metformin đối với bệnh tiểu đường, methotrexate trong ung thư, viêm khớp dạng thấp và vảy nến. Ngoài ra, cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu bạn đang điều trị hen suyễn, phổi, trào ngược axit hay loét dạ dày.
3. Vitamin C
Vitamin C từ lâu đã được biết đến là hợp chất giúp giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn chống lại nhiễm trùng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vitamin C có thể hỗ trợ loại bỏ các gốc tự do gây viêm nhiễm.
Cũng giống như vitamin B, vitamin C giúp giảm protein phản ứng C. Mặc dù các chất bổ sung vitamin C cũng tiện lợi nhưng bạn vẫn nên cố gắng bổ sung vitamin C từ chế độ ăn của mình.
Nguồn vitamin C trong thực phẩm:
Các loại trái cây họ cam quýt, bưởi, ớt chuông, bông cải xanh, bắp cải tí hon đều có hàm lượng vitamin C cao. Một vài loại rau lá xanh, quả mọng cũng được xem là nguồn vitamin C tốt cho sức khỏe.
Lưu ý:
- Cơ thể của bạn chỉ có thể xử lý một lượng vitamin C nhất định trong ngày vì thế mà việc bổ sung vitamin C liều cao có thể gây ra bất lợi về dạ dày. Vì thế mà điều quan trọng là bạn cần có chế độ ăn cân bằng.
- Nếu bạn đang điều trị ung thư hoặc dùng thuốc statin để giảm cholesterol thì không nên sử dụng các thực phẩm bổ sung như vitamin C nói riêng và các loại khác nói chung trước khi có chỉ định từ bác sĩ.
4. Vitamin D
Các nghiên cứu từ lâu đã xác định mối liên hệ giữa lượng vitamin D thấp và nguy cơ mắc nhieuefb bệnh viêm nhiễm. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu biết rằng việc cải thiện vitamin D có thể giúp giảm viêm trong cơ thể. Xu hướng này cũng phổ biến hơn khi COVID-19 xảy ra.
Một báo cáo khác được công bố trên Tạp chí Miễn dịch học cũng cho thấy khả năng ức chế viêm của vitamin D và những lợi ích mà người có nồng độ vitamin D thấp có thể hưởng khi bổ sung.
Nguồn vitamin D trong thực phẩm:
Vitamin D được cơ thể sản xuất tự nhiên sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhưng không phải ai cũng có thể nhận được tất cả vitamin D theo cách này. Các thực phẩm giúp bổ sung vitamin D hiệu quả bao gồm cá, lòng đỏ trứng, gan, thịt bò và vitamin D cũng có thể được thêm vào một số thực phẩm như sữa.
Lưu ý:
- Nếu bạn đang sử dụng steroid theo đơn bác sĩ để chống viêm thì bạn có thể khó hấp thụ vitamin D hơn. Các loại thuốc khác cũng có thể giảm hấp thụ bao gồm thuốc giảm cân orlistat, huốc trị cholesterol cholestyramine, phenobarbital hoặc phenytoin trong điều trị co giật.
- Quá nhiều vitamin D cũng không tốt cho sức khỏe, chúng gây đảo lộn sự cân bằng canxi trong cơ thể và ảnh hưởng tới tác dụng của một số thuốc điều trị bệnh tim hoặc huyết áp.
5. Vitamin E
Vitamin E là một loại vitamin chống oxy hóa khác - có nghĩa là nó cũng có tác dụng giảm viêm. Kết quả từ một phân tích tổng hợp năm 2015 được báo cáo trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Châu Âu xác nhận vitamin E có đặc tính chống viêm và việc bổ sung có thể hữu ích cho những người mắc bệnh viêm nhiễm.
Nguồn vitamin E trong thực phẩm:
Vitamin E được tìm thấy nhiều trong các loại hạt bao gồm hạt hạnh nhân, hạt hướng dương. Các loại trái cây và rau củ cũng giàu vitamin E phổ biến khác như bơ và rau bina (các loại rau lá xanh).
Lưu ý:
- Bạn có thể bị tăng nguy cơ chảy máu nên như đang sử dụng thuốc làm loãng máu như warfarin (Coumadin) hoặc thuốc bổ sung aspirin và vitamin E hàng ngày.
- Nhiều bác sĩ cũng không khuyên bạn bổ sung vitamin E nếu bạn đang thực hiện hóa trị hoặc xạ trị trong ung thư.
6. Vitamin K
Một báo cáo trên Tạp chí Metabolism cho thấy vitamin K có thể làm giảm các dấu hiệu viêm, giúp đông máu và bảo vệ sức khỏe của xương. Và mặc dù vitamin K cần thiết cho sức khỏe của xương, nhưng hầu hết mọi người không bổ sung đủ vitamin K trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Nguồn vitamin K trong thực phẩm:
Có hai loại vitamin K: Vitamin K1 và K2. Vitamin K1 được tìm thấy trong các loại rau lá, bao gồm cải xoăn, rau bina, bông cải xanh và bắp cải tí hon; trong khi vitamin K2 được tìm thấy trong thịt gà, gan và trứng.
Lưu ý:
Nếu bạn đang sử dụng warfarin làm loãng máu cần bổ sung một lượng vitamin K ổn định để đảm bảo thuốc của bạn vẫn có tác dụng bình thường.
Tóm lại, việc bổ sung các vitamin giúp giảm viêm từ chế độ ăn uống là một lựa chọn khôn ngoan và an toàn cho cơ thể. Nếu có ý định sử dụng thêm các thực phẩm bổ sung, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.