7 Luật quan trọng vừa được Lệnh của Chủ tịch nước công bố

28/06/2018 - 15:15
Sáng 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 Luật vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Đó là các văn bản luật: Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng; Luật Tố cáo; Luật Cạnh tranh; Luật sửa đổi, bổ sung 11 điều luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước

 

Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật An ninh mạng, thể hiện đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này.

Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.

Để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Luật An ninh mạng được thông qua tại Kỳ thọp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

 

Tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc

Luật Quốc phòng năm 2018 có 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương và 11 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005. Luật quy định đầy đủ, toàn diện chính sách nhà nước về quốc phòng nhằm bảo đảm công khai, minh bạch về tính chất, mục đích quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, Luật bổ sung quy định chính sách của nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Luật quy định cụ thể 11 nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đây là nội dung cơ bản có tính xuyên suốt của hoạt động quốc phòng.

Luật cũng bổ sung quy định về phòng thủ quân khu để phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Quy định đối ngoại là một trong những tiềm lực trong khu vực phòng thủ - đây là sự phát triển mới, nhằm thể chế quan điểm của Đảng bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và thân nhân

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, Luật Tố cáo gồm 9 chương, 67 điều, kế thừa quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Luật quy định cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo, bảo đảm cho việc xử lý được thực hiện một cách chặt chẽ.

Nếu Luật Tố cáo năm 2011 quy định trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bắt đầu từ khâu tiếp nhận tố cáo, Luật Tố cáo mới lại quy định trình tự, thủ tục này bắt đầu từ khâu thụ lý tố cáo. Đây cũng là thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết tố cáo.

Luật quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp, có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Luật bổ sung quy định về rút tố cáo: Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

Cấm cơ quan Nhà nước cản trở cạnh tranh trên thị trường

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, Luật Cạnh tranh quy định điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, cho dù hành vi được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Luật tiếp tục quy định đồng thời có sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước. Theo đó, cơ quan nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện một số hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Quy định này rất cần thiết bởi quyền lực Nhà nước được trao, cơ quan nhà nước có khả năng lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. Cơ quan Nhà nước là chủ thể đặc thù của Luật nên có quy định riêng để điều chỉnh.

Ngoài ra, Luật hoàn thiện các quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bổ sung quy định về chính sách khoan hồng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi; bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể làm cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền; thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế...

Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh

Luật sửa đổi, bổ sung 11 điều của Luật có liên quan đến quy hoạch bao gồm 12 điều, trong đó có 11 điều quy định việc sửa đổi 11 luật, bao gồm Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Nội dung của Luật có quy định liên quan đến quy hoạch là bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm (như quy hoạch công nghiệp hóa chất, quy hoạch công nghiệp dược, quy hoạch kinh doanh thuốc lá, quy hoạch tổng thể các tổ chức hành nghề công chứng) đang tồn tại là hành lang pháp lý quan trọng để loại bỏ các giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường và là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát tổng thể các Luật thuộc lĩnh vực quản lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật còn lại có quy định về quy hoạch, dự kiến trình Chính phủ xem xét, thông qua tại Phiên họp Chính phủ tháng Bảy tới và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội (Khóa XIV) theo thủ tục rút gọn.

Thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ phát triển

Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 61 điều được thể hiện trong 9 chương, với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Luật tăng cường phân cấp trách nhiệm tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, tạo tính chủ động, phát huy nguồn lực của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực của xã hội tham gia vào hoạt động đo đạc, bản đồ; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý.

Luật cũng xác lập tính hợp pháp của các cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ, đảm bảo quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày một số nội dung nổi bật của Luật Đo đạc và Bản đồ.

 

Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao trực tiếp sửa đổi, bổ sung 27 điều, bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động thể dục thể thao để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Luật bổ sung quy định về chính sách ưu đãi khi các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; chính sách miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Luật cũng tập trung sửa đổi, bổ sung quyền, nghĩa vụ của vận động viên thành tích cao theo hướng phân định rõ quyền, nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên trong trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm