pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 triệu chứng thể chất cảnh báo sức khỏe của trẻ đang có vấn đề cha mẹ không nên bỏ qua
Theo Healthline, dưới đây là những thay đổi thể chất ở trẻ mà cha mẹ cần chú ý bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn cần được thăm khám bác sĩ sớm:
1. Sốt cao và đau đầu dữ dội
Trẻ thường bị sốt cao do các bệnh như virus dạ dày hay các nhiễm trùng nhẹ như cảm lạnh,...
Nhưng nếu trẻ bị sốt cao kèm theo đau đầu dữ dội nghiêm trọng tới mức trẻ gặp khó khăn trong việc mở mắt thì điều này có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe lớn hơn, chẳng hạn như viêm màng não. Viêm màng não nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, tổn thương hệ thần kinh và não bộ vĩnh viễn, suy thận, điếc thậm chí là mất mạng.
Dấu hiệu nhận biết viêm màng não ở trẻ ngoài sốt và đau đầu dữ dội, trẻ có thể bị cứng cổ, mê sảng, lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, buồn nôn và nôn mửa, quấy khóc với trẻ sơ sinh, co giật, thóp phình to bất thường, chán ăn, mất tập trung,...
Lưu ý, trẻ bị sốt cao từ 38,5 độ C nhưng không đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm theo mệt mỏi, ngủ li bì, bỏ ăn, bị đau đầu nghiêm trọng cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
2. Đau bụng
Đau bụng rất phổ biến ở trẻ. Thỉnh thoảng bị đau bụng có thể do trẻ ăn quá nhiều đồ ăn vặt, trẻ bị táo bón dẫn tới đầy hơi và đau bụng.
Tuy nhiên nếu trẻ bị đau bụng vùng hố chậu phải, cơn đau bắt đầu ở vị trí trên rốn rồi lan ra quanh rốn tới hố chậu phải, cơn đau bụng tăng nặng hơn khi chạm vào kèm theo nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, sốt từ 37 - 39 độ C (một vài trường hợp trẻ có thể sốt cao tới 40 độ C), chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, mệt mỏi, rối loạn đi tiểu,.. có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn đau do viêm ruột thừa, cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Đặc biệt, nếu cơn đau bụng đã kéo dài quá 24 giờ hay mức độ đau trở nên trầm trọng hơn.
Một số trường hợp đau bụng ở trẻ cần can thiệp gấp bao gồm:
- Lồng ruột cấp tính: Phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi. Dấu hiệu bao gồm đau bụng ngắt quãng, đau quặn từng cơn khiến trẻ đau đớn và khó chịu vô cùng, nôn mửa hoặc đi ngoài có chất nhầy lẫn máu.
- Giun chui ống mật: Thường gặp ở trẻ từ 3 - 7 tuổi. Trẻ bị đau bụng dữ dội và đột ngột kèm theo nôn mửa nghiêm trọng, một vài trường hợp trẻ có thể nôn ra cả giun.
3. Mệt mỏi nghiêm trọng
Trẻ nhỏ luôn tràn đầy năng lượng và dường như có thể hoạt động cả ngày mà không cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu trẻ bị mệt mỏi và không muốn vui chơi, dù là trò chơi yêu thích của trẻ, như thường lệ trong một thời gian dài, hãy nói chuyện sớm với bác sĩ nhi khoa.
Mệt mỏi quá mức ở trẻ có nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu chỉ do trẻ thức quá khuya vào đêm hôm trước - cha mẹ chỉ cần giúp trẻ quay lại nhịp sinh học bình thường nhưng mệt mỏi sẽ nghiêm trọng hơn nếu trẻ bị thiếu máu.
Thiếu máu khiến quá trình vận chuyển oxy tới các bộ phận khác trong cơ thể bị cản trở khiến trẻ mệt mỏi, đuối sức và luôn trong tình trạng thiếu năng lượng. Trẻ bị thiếu máu cũng có làn da xanh xao hơn trẻ khác; thường xuyên thiếu tập trung; chán ăn, ngừng tăng cân/giảm cân hoặc ngừng phát triển chiều cao; gan và lá lách to; sức đề kháng kém dẫn tới trẻ dễ bị nhiễm vi khuẩn, ốm vặt hay rối loạn tiêu hóa; trẻ đại tiện phân đen kéo dài do xuất huyết tiêu hóa,..
Ngoài thiếu máu, mệt mỏi nghiêm trọng ở trẻ kéo dài cũng có thể là biểu hiện của hội chứng kém hấp thu và trầm cảm.
4. Ho đờm kéo dài
Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm tống thải các tác nhân như bụi bẩn ra khỏi đường thở. Tuy nhiên, ho có đờm kéo dài có thể khiến trẻ mệt mỏi và khó chịu. Trong đó, ho có đờm kéo dài có thể là dấu hiệu của giãn phế quản. Một bệnh lý nguy hiểm khiến việc đưa chất tiết như đờm và chất nhầy từ đường hô hấp dưới lên trên gặp khó khăn.
Trẻ bị giãn phế quản có thể bị sốt cao trên 38 độ C; ho có đờm kéo dài, đờm có mùi hôi, lẫn mủ; khó thở, thở gấp; đau tức ngực; biếng ăn. Nếu không được chữa trị, ổ giãn phế quản lan rộng có thể dẫn tới áp xe phổi, mủ màng phổi, xơ phổi, khí phế thũng, mủ phế quản, nhiễm mủ phổi gây khó thở, suy hô hấp trầm trọng, thậm chí ảnh hưởng chức năng tim, gây suy tim.
Ở trẻ, các bệnh bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn ở phổi và phế quản (cúm, sởi, adenovirus, ho gà) gây ho và tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài, lúc đầu, giãn phế quản chỉ là tạm thời nhưng nếu điều trị không đúng hoặc không dứt điểm để bệnh trở thành mãn tính dẫn tới bệnh giãn phế quản.
Lưu ý, nếu trẻ bị ho đờm kéo dài trên ba tuần hoặc cơn ho tăng nặng nghiêm trọng không có dấu hiệu giảm nhẹ hay đáp ứng với các điều trị tại nhà hay kèm theo các triệu chứng như sốt cao, thở khò khè, thở rút lõm lồng ngực,.. cha mẹ cần nhanh chóng cho trẻ khám bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp sớm.
5. Giảm cân không rõ nguyên nhân
Dựa trên sự tăng trưởng của trẻ, mặc dù sự biến động nhẹ về cân nặng là bình thường nhưng nếu trẻ giảm cân bất thường không rõ nguyên nhân - đây có thể là một triệu chứng đáng lo ngại.
Các bệnh mãn tính như bệnh tim, bệnh hô hấp hay các rối loạn tự miễn có thể khiến trẻ bị sụt cân và ảnh hưởng tới nhu cầu năng lượng của cơ thể. Ngoài các tình trạng này thì trẻ giảm cân đột ngột cũng có thể do suy dinh dưỡng, căng thẳng về tâm lý, các rối loạn nội tiết tố và chuyển hóa hay các rối loạn đường tiêu hóa gây tiêu chảy, viêm nhiễm và nôn mửa thường xuyên.
6. Nôn mửa kèm mật xanh vàng
Buồn nôn và nôn mửa có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn lạ gây ngộ độc thực phẩm hay do trẻ ăn quá no và chạy nhảy ngay sau khi ăn. Nhưng nếu trẻ bị nôn mửa kèm mật xanh vàng với những cơn đau dữ dội nghiêm trọng kéo dài từ 2 - 3 phút sau đó giảm dần rồi lại quay lại với mức độ mạnh hơn, đổ mồ hôi, da nhợt nhạt, chướng bụng, táo bón có thể cảnh báo tình trạng tắc ruột - cần xử lý cấp cứu khẩn cấp.
Tắc ruột ở trẻ tuy ít phổ biến nhưng lại rất nguy hiểm và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tắc ruột xảy ra khi các chất trong lòng ruột (bao gồm đại tràng và ruột non) bị tắc nghẽn khiến các chất ứ đọng trong ruột bị tắc lâu dài, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển và gây viêm nhiễm, nghiêm trọng hơn là hoại tử ruột. Nếu chậm trễ, không cấp cứu kịp có thể gây biến chứng mất nước, mất điện giải, hạ huyết áp, trụy mạch sớm rất nguy hiểm.
7. Khát nước quá mức
Trẻ hoạt động thể chất nhiều hơn sẽ có nhu cầu uống nước cao nhưng nếu cha mẹ nhận thấy trẻ khát nước quá mức và dường như uống bao nhiêu nước cũng không thỏa mãn cơn khát của trẻ thì cần cẩn trọng và cho trẻ thăm khám bác sĩ nhi khoa sớm.
Khát nước quá mức có thể cảnh báo bệnh tiểu đường ở trẻ em, phổ biến thường là tiểu đường type 1. Tiểu đường ở trẻ em có thể dẫn tới tiểu nhiều hơn, đói quá mức, sụt cân, mệt mỏi, mắt mờ, buồn nôn, nôn mửa và khát nước quá mức. Tiểu đường không được kiểm soát có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm bao gồm: Biến chứng nhiễm toan ceton, biến chứng mạch máu, các vấn đề sức khỏe tâm thần, biến chứng thần kinh,...
Nhìn chung, khi trẻ có những biểu hiện bất thường cha mẹ cần chú ý quát sát và theo dõi trẻ để thăm khám bác sĩ sớm. Việc kiểm tra sớm sẽ giúp việc chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ cũng như giúp quá trình phục hồi nhanh hơn.