87% phụ nữ và trẻ em gái được khảo sát tại Việt Nam từng bị quấy rối tình dục

25/09/2018 - 14:41
"87% phụ nữ và trẻ em gái được khảo sát tại Việt Nam cho biết từng bị quấy rối tình dục nhưng hầu hết họ chọn cách im lặng". Đó là thông tin vừa được đưa ra tại Tọa đàm về “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: Khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ”.

Hoạt động tọa đàm trên là một trong chuỗi các hoạt động hướng tới Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”.

Cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng trải qua bạo lực thân thể hoặc tình dục

Trong buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà, cho biết: Trong thời gian qua, Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới. Điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Bên cạnh việc ban hành pháp luật và chỉ đạo thường xuyên về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em với khoảng 18.000 đại biểu tại gần 700 điểm cầu tham dự. Hàng năm, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội có các phiên làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới...

3.jpg
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà trong buổi tọa đàm ngày 24/9 tại TPHCM

Tuy nhiên, theo báo cáo về phụ nữ thế giới năm 2015 của Liên hợp quốc, trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng trải qua bạo lực thân thể hoặc tình dục trong cuộc đời; ở một số quốc gia, con số này là 70%. Vấn đề bạo lực sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho phụ nữ và các trẻ em gái như bị tổn thương cơ thể, trầm cảm, mang thai ngoài ý muốn, bị mua bán, thậm chí là tử vong...

metoo.jpg
Vẫn còn nhiều phụ nữ im lặng, chưa dám lên tiếng tố cáo thủ phạm xâm hại, quấy rối tình dục (Ảnh minh họa)

Còn tại Việt Nam, ước tính khoảng trên 50% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần trong đời. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em diễn ra dưới nhiều hình thức và ở nhiều môi trường khác nhau, từ trong gia đình tới cộng đồng và xã hội. Tình trạng bạo lực gây nên những trở ngại cho nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững, gìn giữ hòa bình và bình đẳng trong mọi xã hội.

Thu hẹp khoảng trống chính sách và dịch vụ hỗ trợ

Để giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực như hoàn thiện thể chế chính sách, phê duyệt các chương trình, đề án như Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, một số mô hình như Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, Trường học an toàn, thân thiện không bạo lực, Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái… đã được triển khai thực hiện góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.

Tác động của các chương trình, mô hình có thể thấy được qua việc một số phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tình dục thay vì cam chịu như trước đây đã dám lên tiếng tố cáo để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý; cộng đồng cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ người bị bạo lực và yêu cầu xử lý thích đáng người có hành vi bạo lực tình dục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình các cơ quan chức năng, các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện điều tra, xử lý và hỗ trợ nạn nhân.

1.jpg
Tọa đàm do Bộ LĐTBXH và Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc phối hợp tổ chức

Tọa đàm được đánh giá là cơ hội để các nhà quản lý, cán bộ làm chính sách, cơ quan thực hiện chính sách ở địa phương cùng nhìn lại những khoảng trống trong hệ thống pháp luật và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực (và cả người gây bạo lực) để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách thiết thực, xây dựng các dịch vụ hỗ trợ đáp ứng đúng nhu cầu của người bị bạo lực, người gây bạo lực nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững. Những khuyến nghị, bài học kinh nghiệm từ quốc tế sẽ là những gợi ý hữu ích cho Việt Nam trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án liên quan trong thời gian tới...

Theo báo cáo  ngày 24/9 của Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH, có đến nhưng hầu hết họ chọn cách im lặng. Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, khuyến nghị rằng: Cần thúc đẩy các mô hình hoạt động bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em có sự tham gia của đàn ông; Khi đó họ sẽ phát huy vai trò của mình để bảo vệ phụ nữ và trẻ em tốt hơn. 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm