pnvnonline@phunuvietnam.vn
9 đồ dùng trong nhà cần được thay đổi thường xuyên để bảo vệ sức khỏe
Các đồ dùng trong gia đình như gối, đệm, thớt, bông tắm,... bạn đã sử dụng trong bao lâu? Việc không thay thế những vật dụng này sẽ khiến chúng ta có nguy cơ bị nhiễm trùng, các vấn đề về sức khỏe hô hấp và da.
Dưới đây là những món đồ mà các chuyên gia khuyên các gia đình nên thay thế thường xuyên cũng như cách nhận biết khi nào nên vứt bỏ đồ dùng đó.
1. Gối
Nhiều người cho rằng gối chỉ sử dụng khi ngủ và hầu như chúng được đặt ở giường hoặc ghế sofa nên không cần vệ sinh hay thay đổi thường xuyên. Tuy nhiên, gối tích tụ rất nhiều da chết và vi khuẩn, nếu sử dụng gối lâu ngày không thay thế hoặc vệ sinh có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng dị ứng và nổi mụn. Gối cũng có thể chứa mạt bụi và gây ra các triệu chứng dị ứng quanh năm.
Do đó, các gia đình nên thay gối 1 đến 2 năm một lần, nếu gối của bạn được làm bằng chất liệu sợi polyester tổng hợp, bạn nên thay chúng hàng năm. Ngoài việc thay gối, bạn cũng nên giặt ga gối 1 lần/tuần hoặc 2 tuần/lần, cho gối vào máy sấy ở nhiệt độ cao trong khoảng 10 đến 15 phút sau 1 đến 2 tháng để giúp khử trùng và loại bỏ mạt bụi.
2. Đệm
Cũng giống như gối, đệm là nơi tích tụ da chết, vi khuẩn, mạt bụi và nấm. Những thứ này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn, đặc biệt nếu bạn có làn da nhạy cảm, bị dị ứng da hoặc hen suyễn. Chẳng hạn như khi tiếp xúc với các tác nhân này, bạn có thể bị viêm da tiếp xúc, kích ứng da, nổi mề đay hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng hen suyễn hiện có.
Nếu bạn thường xuyên hút bụi đệm và sử dụng chất bảo vệ đệm không gây dị ứng để ngăn chặn mạt bụi và tế bào da chết, bạn có thể thay thế đệm sau khoảng 5 đến 7 năm.
Bên cạnh việc hút bụi đệm và sử dụng vỏ bảo vệ, bạn cũng nên giặt ga trải giường mỗi tuần, loại bỏ những vật dụng dư thừa trên giường (như thú nhồi bông, gối trang trí) và không cho vật nuôi vào phòng ngủ để giúp tránh mạt bụi.
3. Bông tắm
Bông tắm chứa rất nhiều vi khuẩn, nấm mốc vì chúng thường được để trong nhà tắm - nơi môi trường thường xuyên ẩm ướt. Sử dụng bông tắm chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc có thể là tác nhân gây dị ứng, hen suyễn, nhiễm trùng da hoặc nổi mụn theo thời gian.
Ngoài ra, nếu bạn sử dụng bông tắm chứa vi khuẩn để chà vào những vết thương hở hoặc da bị trầy xước, thì có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Nếu có thói quen sử dụng bông tắm, bạn nên thay một cái mới sau 2 đến 4 tuần sử dụng. Nếu bông tắm có mùi khó chịu trước thời điểm này, đó có thể là dấu hiệu bạn nên vứt ngay.
4. Chảo chống dính
Rất nhiều gia đình sử dụng chảo chống dính trong thời gian dài, mặc dù đã hết lớp chống dính nhưng vẫn tận dụng để xào hoặc nấu. Tuy nhiên, lớp phủ trên chảo chống dính có chứa PFAS, còn được gọi là hóa chất vĩnh viễn vì hoá chất này có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và trong cơ thể chúng ta. PFAS có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe. Nếu lớp phủ bị bong ra, chúng ta có nhiều khả năng nuốt phải những hóa chất này.
Theo Webmd, một số nghiên cứu cho thấy mức PFAS cao có thể gây ra một số tình trạng sức khoẻ, bao gồm cả những vấn đề nghiêm trọng:
- Mức cholesterol cao hơn
- Ảnh hưởng hoặc chậm phát triển ở trẻ em
- Ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch
- Các vấn đề về tuyến giáp
- Nguy cơ mắc ung thư thận, tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn cao hơn
- Huyết áp cao khi mang thai
- Tổn thương gan
Tần suất bạn thay chảo chống dính sẽ phụ thuộc vào tần suất bạn sử dụng chúng. Nếu lớp phủ bị trầy xước, bong ra thì bạn nên thay thế chúng ngay lập tức.
5. Thớt
Thớt có rãnh sâu nên khó có thể làm sạch đúng cách và tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc và virus phát triển. Điều này sẽ làm cho thực phẩm bị nhiễm khuẩn, khi chúng ta ăn phải sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Thông thường các chuyên gia thường khuyến khích thay thế thớt nhựa 1 năm/lần, nếu là thớt gỗ có thể sử dụng 2 đến 5 năm. Tuy nhiên, nếu nhận thấy thớt có rãnh sâu thì bạn nên thay thế luôn bằng thớt mới.
Trong quá trình sử dụng thớt, mọi người nên rửa thớt trong nước xà phòng nóng, tránh cắt thịt và rau trên cùng một thớt, trong căn bếp của mỗi gia đình nên có 2 cái thớt trở lên. Nếu thớt có mùi tanh, hôi hãy chuẩn bị chanh và muối cùng baking soda. Bạn cho hỗn hợp này vào bề mặt thớt, chà nhẹ rồi rửa bằng nước ấm, lau khô thớt và dựng đứng cho đến khi thớt hoàn toàn khô ráo các bề mặt.
6. Giẻ rửa bát
Giẻ rửa bát là đồ dùng chứa rất nhiều vi khuẩn và nấm mốc. Một nghiên cứu năm 2017 đã tìm thấy 362 loài vi khuẩn khác nhau sống trong giẻ rửa bát đã qua sử dụng. Mật độ vi khuẩn lên tới 45 tỷ trên mỗi cm vuông. Về cơ bản, điều này có nghĩa là giẻ rửa bát có thể chứa nồng độ vi khuẩn cao tương đương với bồn cầu.
Để đảm bảo sức khoẻ cho cả gia đình, bạn nên thay giẻ rửa bát khoảng 2 tuần/lần hoặc khi thấy giẻ bị nấm mốc, hôi tanh. Để giảm thiểu sự lây lan của vi khuẩn và giảm nguy cơ giẻ bị nhiễm nấm mốc, sau khi sử dụng xong bạn nên giặt sạch sau đó phơi ra ngoài ánh nắng mặt trời, nếu gia đình có máy rửa chén bạn cũng có thể cho vào trong máy để vệ sinh.
7. Hộp nhựa đựng thức ăn
Theo thời gian, hộp nhựa sử dụng đựng thức ăn có thể bị trầy xước, hư hỏng hoặc ố màu. Điều này cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn cư trú bên trong chúng gây ra rủi ro về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, một số loại nhựa có chứa các chất như BPA và các hợp chất liên quan có thể gây rối loạn hormone và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Thông thường, hộp đựng thức ăn bằng nhựa nên được thay thế sau khoảng 6 tháng đến 1 năm, nhưng nếu chúng bị trầy xước thì bạn nên thay thế ngay. Thay vì sử dụng hộp nhựa, bạn có thể chuyển sang sử dụng đồ thuỷ tinh.
8. Máy tạo độ ẩm
Máy tạo độ ẩm thường được sử dụng trong việc điều trị khô mũi, họng và môi, ngăn ngừa mất nước qua da khi ngủ, nhưng hầu hết mọi người không nhận ra rằng chúng là nơi sinh sản của vi khuẩn và nấm mốc có hại.
Mặc dù hầu hết mọi người đều biết cách vệ sinh máy tạo độ ẩm ít nhất một lần một tuần, nhưng bộ lọc hoặc tấm nước cần được thay thế theo thời gian.
Nếu máy tạo độ ẩm không được thay thế, khi sử dụng bạn có thể tiếp xúc với vi khuẩn và nấm mốc phát triển trong bộ lọc máy tạo độ ẩm. Do đó, bạn nên thay bộ lọc hoặc tấm nước của máy tạo độ ẩm ít nhất 1 đến 2 tháng một lần.
9. Bộ lọc của điều hòa
Bộ lọc của máy điều hòa là nơi tích tụ rất nhiều bụi, nấm mốc và các hạt khác trong không khí, như phấn hoa. Khi bạn bật điều hòa, những chất gây dị ứng từ bộ lọc có thể đi vào không khí, gây ho, hắt hơi và nghẹt mũi.
Để tốt cho sức khoẻ bạn nên thay bộ lọc trên máy 3 đến 6 tháng một lần. Không chỉ tốt cho sức khoẻ, việc thay bộ lọc định kỳ còn có thể khiến hệ thống điều hòa không khí của bạn bền hơn.