9 tác hại khi trẻ nghiện máy tính, điện thoại

12/06/2017 - 15:47
Điện thoại thông minh, máy tính bảng khiến trẻ chậm giao tiếp, vận động, dễ bị béo phì và ảnh hưởng lớn đến sự thành công sau này. Sau đây là những lý do các bậc phụ huynh cần lưu ý.
1. Bức tường ngăn cách

Trong độ tuổi từ 0 đến 2, não của trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần về kích thước. Lời nói, sự tiếp xúc giữa cha mẹ với con cái, thậm chí là quá trình chơi với con, không chỉ giúp não bé phát triển mà còn tăng cường sự gắn kết tình cảm. Việc tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, máy tính bảng sẽ khiến trẻ mất tập trung và đặc biệt là tạo ra bức tường ngăn cách giữa cha mẹ và con cái.
tre.gif
Việc tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, máy tính bảng sẽ khiến trẻ mất tập trung và đặc biệt là tạo ra bức tường ngăn cách giữa cha mẹ với con cái (Ảnh minh họa: Internet)
2. Gây nghiện

Điện thoại và máy tính bảng cho phép đứa trẻ có thể làm được bất cứ điều gì mà chúng muốn chỉ bằng những cái chạm tay, lướt nhẹ. Quá nhiều trò chơi, thông tin hấp dẫn và mới lạ xuất hiện - điều này khiến cho trẻ dễ dàng bị “nghiện”.

3. Dễ nổi quạu, hung hăng

Khi trẻ có triệu chứng nghiện điện thoại, máy tính bảng, chúng sẽ dễ dàng nổi quạu nếu bị ai đó lấy mất thiết bị ấy. Vì thế, khi trẻ đang giận dỗi, đừng bao giờ dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng để làm chúng “hạ hỏa”. Xoa dịu bằng cách này chỉ khiến trẻ trở nên “cứng đầu” hơn. Bên cạnh đó, những trò chơi, thông tin bạo lực sẽ ảnh hưởng không tốt tới trẻ, khiến chúng trở nên hung hăng và có thể dùng bạo lực để giải quyết những xung đột trong cuộc sống.
tre-em-khong-nen-dung-ipad-va-dien-thoai-thong-minh-1.jpg
4. Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ sẽ khiến chúng rất khó ngủ bởi ánh sáng phát ra từ màn hình. Thiếu ngủ sẽ gây nên những hậu quả khó lường, ảnh hưởng tới sức khỏe và kết quả học tập của trẻ.

5. Không tập trung

Điện thoại thông minh gây hại cho khả năng học hỏi của trẻ vì nó làm trẻ sao nhãng sự chú ý, làm chậm các giác quan vận động, thị giác và khiến trẻ lười suy nghĩ. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc học của trẻ.

6. Hạn chế khả năng giao tiếp

Khi nói chuyện với một người, bạn có thể thấy những biểu hiện trên khuôn mặt họ như nỗi đau, niềm vui, sự trăn trở… Trẻ em đang dành quá nhiều thời gian giao tiếp thông qua công nghệ, chúng không phát triển kỹ năng giao tiếp cơ bản nên sẽ rất khó để hòa nhập với bạn bè, mọi người…
tre123.jpg
Điện thoại thông minh gây hại cho khả năng học hỏi của trẻ vì nó làm trẻ sao nhãng sự chú ý, làm chậm các giác quan vận động, thị giác và khiến trẻ lười suy nghĩ (Ảnh minh họa: Internet)
7. Trầm cảm và rối loạn tâm thần

Dành quá nhiều thời gian bên điện thoại hoặc máy tính bảng là một yếu tố làm tăng trầm cảm, lo âu, rối loạn phản ứng gắn bó, rối loạn thiếu tập trung, rối loạn tâm thần và khiến hành vi của trẻ có vấn đề.

8. Có thể dẫn tới béo phì

Nếu nghiện điện thoại, máy tính bảng, đứa trẻ sẽ ngồi im một chỗ trong thời gian dài, không vận động. Điều này sẽ khiến chúng dễ bị béo phì, tiểu đường, thậm chí có nguy cơ đột quị và đau tim.

9. Làm tăng lo lắng về mặt xã hội

Trau dồi kỹ năng xã hội là bắt buộc cho sự thành công chung của một đứa trẻ. Lo lắng trong việc tương tác với người khác có thể làm giảm năng lực và sự thành công của trẻ trong tương lai. Vì thế, cha mẹ hãy tranh thủ thời gian trò chuyện cùng con, khuyến khích con giao tiếp với bạn bè, mọi người để có cuộc sống phong phú, sôi động hơn. Đặc biệt, quá trình giao tiếp sẽ giúp trẻ hiểu được cảm xúc, tâm tư, biết cách cảm thông với mọi người hơn.

Theo thống kê hiện nay, ở Mỹ, cứ 10 vị phụ huynh thì 7 người cho con dùng máy tính bảng hoặc các thiết bị công nghệ. Một nghiên cứu của Đại học Iowa (Mỹ) đã phát hiện: có 90% trẻ mới 2 tuổi đã biết dùng máy tính bảng. "Chúng tôi thấy nhiều trẻ mới 2 tuổi đã chơi máy tính bảng, trong khi nhiều trẻ 3-4 tuổi mà đã nghiện", Tiến sĩ Fran Walfish, chuyên gia trị liệu tâm lý trẻ em và gia đình ở Los Angeles (Mỹ), cho biết. Theo các chuyên gia, có rất nhiều tác động xấu từ thực trạng này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm