pnvnonline@phunuvietnam.vn
90% trẻ em muốn người lớn lắng nghe trẻ em nói
Ảnh minh họa
Từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020, MSD đã triển khai Khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam – Young Voices in Vietnam với gần 1700 trẻ em tại 7 tỉnh, thành phố nhằm mục tiêu thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi Quyền Trẻ em dưới góc nhìn của trẻ.
Báo cáo khảo sát "Tiếng nói Trẻ em Việt Nam" có 7 phần với các nội dung: Hiểu biết của trẻ em về Quyền trẻ em và Công ước của LHQ về Quyền Trẻ em; Tôn trọng các ý kiến của trẻ; Trẻ em lớn lên trong các hoàn cảnh khác nhau; Trường học và giáo dục; Sống an toàn và khỏe mạnh; Biến đổi khí hậu và Tương lai.
Theo đó, Tiếng nói trẻ em được thể hiện dưới những con số sau:
95% trẻ trong nhà trường được học hoặc nghe nói đến vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại. Trong đó, 24% trẻ em không biết tìm đến đâu để nhận được sự trợ giúp khi gặp phải các vấn đề trong gia đình.
80% trẻ trực tiếp chứng kiến các bạn và/hoặc anh, chị, em của mình bị người lớn xử phạt khi mắc lỗi. Trong đó, 74% trẻ chứng kiến điều này xảy ra tại gia đình của mình.
Vấn đề mà trẻ muốn bày tỏ ý kiến: 61,3% về học tập và trường học; 44,3% về quyền bình đẳng giới, 43,4% về an toàn của trẻ tại không gian trẻ sinh sống, học tập, 43,2% về các hoạt động vui chơi cho trẻ.
Cứ 3 trẻ em thì có 2 em có ít nhất một nỗi lo lắng. Cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ không đủ điều kiện tài chính để tham gia các hoạt động ngoại khóa và vui chơi, giải trí nơi trẻ sinh sống. Cứ 10 trẻ em thì có 4 trẻ thỉnh thoảng cảm thấy buồn bã, căng thẳng vì không có cơ hội tham gia vào hoạt động vui chơi, giải trí. Trên 50% trẻ em ngoài nhà trường đang phải lao động. Những em này thường phải lao động 8-10 tiếng/ngày để phụ giúp gia đình.
80% trẻ em cảm thấy "lo lắng" về biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường.
3 vấn đề ưu tiên trẻ em muốn Việt Nam hành động nhiều hơn để giải quyết và cải thiện là: Xâm hại trẻ em, Bắt nạt qua mạng, Trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em.
Cứ 10 trẻ em thì có 9 trẻ cho rằng mình không có hoặc có ít cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với người có thẩm quyền ra quyết định. Trong khi đó, gần 90% trẻ em nói rằng việc người lớn lắng nghe tiếng nói trẻ em là rất quan trọng…
"Việc người lớn - những người đưa ra quyết định về cuộc sống của trẻ em- ở trường, ở nhà và ở cộng đồng, trong các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức như Tổ chức Cứu trợ Trẻ em là lắng nghe ý kiến của trẻ em, biết trẻ em đang nghĩ gì và đang cần gì là rất quan trọng."
Bà Dragana Strinic - Giám đốc Quốc gia - Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam
Môi trường, an ninh mạng, bạo lực học đường,.. những vấn đề tưởng chừng như xa lạ với trẻ em lại chính là những điều mà các em quan tâm. Chia sẻ tại buổi công bố trực tuyến, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, cho biết: "Đây là lúc mà chúng ta cần phải thay đổi bởi trẻ em có quyền suy nghĩ độc lập, có quyền đưa ra tiếng nói và nhiệm vụ của chúng ta là tôn trọng và thực hiện quyền của các em".
Không phủ nhận tiếng nói trẻ em vẫn chưa được coi trọng, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Luật Trẻ em 2016 có chương quy định trẻ em được tham gia các vấn đề của trẻ em, các em được tham gia ý kiến của mình vào quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách, đề án về trẻ em. Bộ Lao động, thương binh & xã hội đã triển khai mô hình thúc đẩy quyền tham gia trẻ em ở nhiều địa phương để trẻ em được thể hiện tiếng nói của mình. Tuy nhiên, chúng ta chưa đáp ứng được nhiều mong đợi của các em. Các em mong muốn được tham gia vào các hoạt động ngay từ nhà trường, ngay ở địa phương. Kết quả của cuộc khảo sát này sẽ là thông tin quan trọng khi Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đang tiến hành chương trình, kế hoạch trong thời gian tới".
Khảo sát Tiếng nói Trẻ em do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) phát triển và thực hiện lần đầu tiên tại Thụy Điển vào năm 2014, và tiếp tục được thực hiện tại nhiều quốc gia trên Thế giới