Alice Sumo - nữ hộ sinh 'bận rộn nhất thế giới'

28/05/2018 - 17:15
Trải qua 2 cuộc nội chiến và sự càn quét của dịch bệnh Ebola, cô Alice Sumo (48 tuổi, ở Liberia) đã đỡ đầu cho hàng nghìn trẻ em và có tới 1.000 bé đã được đặt tên theo tên của cô.

Gần 30 năm đỡ đẻ và 1.000 “người con”

Khi chỉ mới 20 tuổi và đang được đào tạo để trở thành nữ hộ sinh, giữa lúc cuộc nội chiến Liberia đang rất căng thẳng, cô Alice đã thực hiện ca đỡ đẻ đầu tiên ngay trên hè phố đầy bom đạn.

Alice nhớ lại: “Sản phụ chỉ biết la hét và la hét. Một người đàn ông được trang bị vũ trang xuất hiện và quát lớn: “Có ai giúp đỡ không? Nếu không chúng tôi sẽ giết người phụ nữ này vì chúng tôi không muốn cô ta la hét nữa”.

Khi đó, bất chấp sự phản đối của cha cô, Alice đã bước đến mặc cho bị quân lính đe dọa để giúp đỡ sản phụ kia. Vì không có dụng cụ y tế, Alice buộc phải đỡ đẻ bằng tay không, sau đó đập vỡ một chai thủy tinh, sử dụng mép chai lởm chởm đó để cắt dây rốn cho em bé mới chào đời.

Suốt 28 năm sau đó, hàng ngàn đứa trẻ đã được Alice đón tay. Hơn 1.000 em bé ra đời tại Trung tâm y tế White Plains, cách 24km về phía bắc thủ đô Monrovia, Liberia, đã được đặt tên là Alex hoặc Ellis theo tên của cô. Có những đứa trẻ được Alice đỡ đầu nay đã gần 30 tuổi, có bé vừa mới vài ngày tuổi.

su-menh-tuyet-voi-cua-nu-ho-sinh-ban-ron-nhat-the-gioi.jpg
Alice Sumo bế bé Alex (2 ngày tuổi) tại phòng khám White Plains gần thủ đô Monrovia, Liberia (Ben White / Save the Children)

Những đứa trẻ là một minh chứng sống động cho những việc mà Alice đã thực hiện tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nơi mà 1/3 phụ nữ sinh con mà không có nữ hộ sinh bên cạnh.

Tại thời điểm Alice bắt đầu sự nghiệp, phụ nữ mang thai tại đất nước của cô thường phải đi bộ đến 8 tiếng đồng hồ từ làng của họ, đến một phòng khám tạm bợ để sinh con.

“Tôi thường đi từ làng này sang làng khác để tìm phụ nữ chuyển dạ bởi vì để họ đi bộ từ nơi ở của họ đến trung tâm y tế… không phải là một điều dễ dàng”, Alice nói.

Bị xa lánh vì vẫn làm việc giữa “tâm bão” Ebola

Trong sự nghiệp kéo dài 3 thập niên của mình, Alice đã trải qua 2 cuộc nội chiến và sự bùng nổ tồi tệ nhất của dịch bệnh Ebola. Cô đã không ngừng làm việc ngay cả trong thời gian dịch bệnh hoành hành, cướp đi gần 5.000 sinh mạng tại đất nước của cô trong năm 2004-2005, đồng thời phá hủy hệ thống y tế của Liberia, một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ-bệnh nhân tồi tệ nhất trên thế giới.

“Khi cuộc khủng hoảng Ebola tràn đến Liberia, nó rất khủng khiếp. Tôi đã làm việc hàng giờ liền. Nhiều người sợ hãi, một số y tá bắt đầu từ chối bệnh nhân, nhưng tôi vẫn làm việc”, Alice nhớ lại.

Mặc dù, Alice đã mặc một bộ đồ bảo hộ dành riêng cho nhân viên y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng cô vẫn bị cộng đồng tẩy chay. “Hàng xóm sợ tôi. Họ không cho phép con cái của họ đến gần tôi”, Alice chia sẻ.

Nữ hộ sinh bận rộn nhất thế giới

Hiện tại, Alice đang điều hành một trung tâm sức khỏe bà mẹ được tổ chức Save the Children đầu tư. Đây là 1 trong 5 cơ sở được tổ chức từ thiện này xây dựng vào năm 2013, được trang bị tủ lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời, một máy bơm nước sạch và có tình nguyện viên chạy xe máy có đến các vùng sâu vùng xa và vận chuyển bệnh nhân.

su-menh-tuyet-voi-cua-nu-ho-sinh-ban-ron-nhat-the-gioi-1.jpg
Alice Sumo được bao quanh bởi các cô bé được đặt tên theo cô tại phòng khám White Plains. (Hannah Adcock / Save the Children)

Simon Wright, Giám đốc Tổ chức Save the Children, chia sẻ: “Với số lượng những đứa trẻ được đặt tên theo Alice thì chắc chắn cô ấy là một trong những nữ hộ sinh bận rộn nhất thế giới. Không có cô ấy, nhiều đứa trẻ đã không thể ra đời. Câu chuyện đáng kinh ngạc của Alice là một ví dụ về những nữ hộ sinh đã làm việc không mệt mỏi để đỡ đẻ và cứu sống bệnh nhân trong những điều kiện khó khăn nhất trên thế giới”.

Tổ chức Save the Children cũng cho biết, theo thống kê tại Liberia vào năm 2016, cứ 15 trẻ thì có 1 trẻ tử vong trước ngày sinh nhật thứ 5 của em. “Đây là một thống kê đau lòng khi mà chúng ta có thể thấy, tỷ lệ tử vong ở trẻ em tại đây cũng như trên toàn thế giới có thể giảm đáng kể chỉ bằng cách đơn giản là cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí”, ông Wright bày tỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm