pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ấn Độ: Điều tra trang web giả rao bán 100 phụ nữ Hồi giáo
Một phụ nữ Hồi giáo tại nhà thờ Hồi giáo lớn của Srinagar, Kashmir.
Theo CNN, chính phủ Ấn Độ cho biết đang điều tra một trang web có mục đích rao bán phụ nữ Hồi giáo. Điều này đã gây làn sóng phẫn nộ trên cả nước khi đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm xảy ra tình trạng rao bán phụ nữ như thế này.
Trang web rao bán 100 phụ nữ Hồi giáo
Trang web này được tạo trên GitHub, một nền tảng mã hóa của Mỹ mà các nhà phát triển sử dụng để xây dựng và lưu trữ phần mềm. Trang này có tên là "Bulli Bai" - cụm từ kết hợp giữa tiếng lóng thô tục ở miền nam Ấn Độ và một từ phổ biến ở miền bắc Ấn Độ có nghĩa là "người giúp việc", theo Mohammed Zubair, người đồng sáng lập web kiểm tra thông tin thực tế Alt News ở Ấn Độ. Zubair cho biết, Bulli Bai đã đăng ảnh chào bán 100 phụ nữ Hồi giáo và trước khi chúng bị xóa, anh đã chụp ảnh màn hình tất cả hình ảnh.
Bulli Bai hiện đã bị xóa và không có dấu hiệu nào về mục đích sử dụng thực tế ngoài việc giả rao bán để quấy rối và hạ thấp phụ nữ Hồi giáo. GitHub, thuộc sở hữu của Microsoft (MSFT) cho biết họ đã gỡ bỏ tài khoản. "Từ lâu GitHub đã có các chính sách chống lại nội dung và hành vi liên quan đến quấy rối, phân biệt đối xử và kích động bạo lực. Chúng tôi gỡ tài khoản người dùng này vì đã phạm chính sách của chúng tôi", người phát ngôn GitHub nói.
Theo Zubair, người cũng đang phối hợp với cảnh sát để điều tra vụ việc, nạn nhân của trang web bao gồm Malala Yousafzai, người phụ nữ Pakistan đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014; nữ diễn viên nổi tiếng Ấn Độ Shabana Azmi; vợ của một thẩm phán đương nhiệm của Tòa án Tối cao Delhi cùng nhiều nhà báo, nhà hoạt động và chính trị gia khác. Cuối tuần trước, khi phát hiện ra mình là nạn nhân của những bức ảnh được đăng tải trên Bulli Bai, nhiều phụ nữ cho biết cảm thấy "bị tổn thương" và "kinh hoàng".
Phụ nữ Hồi giáo và quấy rối trực tuyến
Bulli Bai đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên Twitter vào cuối tuần qua. Các chính trị gia từ các đảng đối lập kêu gọi Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền có hành động chống lại các vụ quấy rối và nhắm mục tiêu trực tuyến vào phụ nữ Hồi giáo. "Chào bán ai đó trên mạng là một loại tội phạm và tôi kêu gọi cảnh sát hành động ngay lập tức. Những kẻ phạm tội đáng bị trừng phạt để làm gương", lãnh đạo Quốc hội Shashi Tharoor viết trên Twitter.
Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ Ashwini Vaishnaw thông tin rằng, chính phủ "đang làm việc với các tổ chức cảnh sát ở Delhi và Mumbai về vấn đề này", ông tweet vào hôm chủ nhật (2/1). Về phía nạn nhân, nhà báo Ismat Ara, người có hình ảnh xuất hiện trên trang web đã viết trong đơn khiếu nại gửi đến cơ quan an ninh mạng của Cảnh sát Delhi: "Toàn bộ trang web dường như được thiết kế với mục đích làm xấu và xúc phạm phụ nữ Hồi giáo".
Đây không phải là lần đầu tiên phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ phải đối mặt với hình thức quấy rối trực tuyến. Tháng 7 năm ngoái, nhiều bức ảnh của hơn 80 phụ nữ Hồi giáo - bao gồm nhà báo, nhà văn và những người có ảnh hưởng đã được đăng tải trên một ứng dụng giả có tên là "Sulli Deals", cụm từ xúc phạm phụ nữ Hồi giáo thường được đàn ông cánh hữu theo đạo Hindu sử dụng. Theo đó, sau các lần rao bán trên nền tảng, người dùng sẽ có cơ hội mua phụ nữ như những hàng hóa.
Vào thời điểm đó, phụ nữ Hồi giáo cho biết tình trạng lạm dụng trực tuyến họ đang đối mặt là điều người Hồi giáo ở Ấn Độ trải qua kể từ khi đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014. Trong những năm gần đây, các báo cáo về tội ác thù hận chống Hồi giáo đã gia tăng và một số bang do BJP cai trị đã thông qua đạo luật mà các nhà phê bình cho rằng góp phần làm gia tăng phân cực tôn giáo.
Một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Ân xá Quốc tế về quấy rối trực tuyến ở Ấn Độ cho thấy rằng, phụ nữ càng lên tiếng thì càng có nhiều khả năng bị nhắm mục tiêu. Quy mô của tình trạng càng tăng với phụ nữ thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số và các tầng lớp có đẳng cấp bất lợi. "Cuộc tấn công có chủ đích và có kế hoạch này là một nỗ lực nhằm tước bỏ micro của những phụ nữ Hồi giáo có học thức, những người bày tỏ quan điểm và lên tiếng chống lại chứng sợ Hồi giáo (Islamophobia)", Nazia Erum, tác giả và cựu phát ngôn viên của Tổ chức Ân xá Ấn Độ, nói với BBC sau sự việc liên quan đến Sulli Deals hồi tháng 7/2021.