Ấn Độ: Phía sau bạo lực gia đình là tư tưởng gia trưởng ăn sâu

Kim Ngọc
04/05/2022 - 06:37
Ấn Độ: Phía sau bạo lực gia đình là tư tưởng gia trưởng ăn sâu

Ảnh minh họa

Trong nhiều năm, bạo lực gia đình luôn là loại tội phạm bạo lực được báo cáo nhiều nhất đối với phụ nữ ở Ấn Độ

Tháng trước, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ một người đàn ông 46 tuổi với cáo buộc sát hại vợ vì nấu bữa sáng quá mặn. "Trong cơn thịnh nộ, Nikesh Ghag, một nhân viên ngân hàng ở Thane, gần thành phố phía tây Mumbai, đã bóp cổ người vợ 40 tuổi vì nấu món sabudana khichdi quá mặn", quan chức cảnh sát Milind Desai nói với BBC.

Con trai 12 tuổi của cặp vợ chồng, người chứng kiến sự việc, nói với cảnh sát rằng Ghag đã đi theo người vợ là cô Nirmala vào phòng ngủ, phàn nàn về bữa sáng và bắt đầu đánh đập cô. Cậu bé liên tục khóc và cầu xin cha dừng lại, nhưng người đàn ông vẫn tiếp tục đánh và dùng dây thừng siết cổ vợ. Sau khi Ghag ra khỏi nhà, cậu bé báo cho bà ngoại và bác. Ông Desai nói: "Vào thời điểm chúng tôi đến hiện trường, gia đình đã đưa người phụ nữ đến bệnh viện, nhưng lúc đó cô ấy đã chết".

Ghag sau đó đã đến đồn cảnh sát tự thú và khai rằng bản thân bị huyết áp cao.

Việc một người phụ nữ bị chồng sát hại bởi các vấn đề về thức ăn thường xuyên gây xôn xao dư luận ở Ấn Độ. Vào tháng Giêng năm nay, một người đàn ông ở Noida, ngoại ô thủ đô Delhi đã bị bắt do bị cáo buộc giết vợ vì từ chối nấu bữa tối. Vào tháng Sáu năm 2021, một người đàn ông bị bắt ở Uttar Pradesh sau khi bị cáo buộc giết vợ vì không chuẩn bị món salad trong bữa ăn. Bốn tháng sau, một người đàn ông ở Bangalore bị cáo buộc đánh vợ đến chết vì không làm gà rán đúng cách. Vào năm 2017, BBC đưa tin về trường hợp một người đàn ông 60 tuổi bắn chết vợ mình vì phục vụ bữa tối chậm trễ.

Bạo lực giới bị "vô hình hóa"

Theo nhà hoạt động về giới Madhavi Kuckreja, đây là "những cái chết mang đến nhận thức" nhưng đều là những trường hợp bạo lực trên cơ sở giới bị "vô hình hóa".

Trong nhiều năm, bạo lực gia đình luôn là loại tội phạm bạo lực được báo cáo nhiều nhất đối với phụ nữ ở Ấn Độ. Vào năm 2020, cảnh sát đã nhận được đơn kiện từ 112.292 phụ nữ - con số này tương đương việc cứ 5 phút lại có một phụ nữ nộp đơn vì bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bạo lực gia đình không phải chỉ có ở Ấn Độ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ ba phụ nữ trên toàn cầu thì có một người phải đối mặt với bạo lực trên cơ sở giới, phần lớn là do bạn tình gây ra. Các con số đối với Ấn Độ cũng tương tự.

Các nhà hoạt động ở Ấn Độ phải chiến đấu với văn hóa im lặng quanh vấn đề bạo lực gia đình. Số liệu mới nhất từ Cuộc khảo sát Sức khỏe Gia đình Quốc gia (NFHS5), cuộc khảo sát hộ gia đình toàn diện nhất về xã hội Ấn Độ do chính phủ thực hiện, tiết lộ hơn 40% phụ nữ và 38% đàn ông nói rằng đàn ông được phép đánh vợ nếu người vợ không tôn trọng cha mẹ chồng, bỏ bê nhà cửa hoặc con cái, ra ngoài mà không nói với chồng, từ chối quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục cũng như nấu ăn không đúng cách.

Ấn Độ: Phía sau bạo lực gia đình là tư tưởng gia trưởng ăn sâu - Ảnh 1.

Các nhà hoạt động ở Ấn Độ phải chiến đấu với văn hóa im lặng quanh vấn đề bạo lực gia đình

Ở 4 bang, hơn 77% phụ nữ biện minh cho vấn đề đánh vợ. Ở hầu hết các bang, nhiều phụ nữ biện minh cho hành động đánh vợ hơn nam giới. Và ở mọi bang, ngoại trừ bang Karnataka, nhiều phụ nữ hơn nam giới cho rằng đàn ông được phép đánh vợ nếu người vợ không nấu ăn đúng cách.

Số liệu giảm so với cuộc khảo sát 5 năm trước, khi có 52% phụ nữ và 42% đàn ông biện minh cho việc đánh vợ, Amita Pitre, người đứng đầu chương trình công bằng giới của Oxfam Ấn Độ cho biết: "Bạo lực đối với phụ nữ và việc biện minh cho nó bắt nguồn từ chế độ gia trưởng. Người ta chấp nhận bạo lực trên cơ sở giới vì ở Ấn Độ, phụ nữ được coi là người ở cấp bậc dưới".

Định kiến giới trong xã hội Ấn Độ

Có những quan niệm xã hội cố định về cách cư xử của phụ nữ: luôn phải phục tùng đàn ông, luôn trì hoãn trong việc đưa ra quyết định, nên phục vụ đàn ông, kiếm tiền ít hơn đàn ông và nhiều điều khác. Theo bà, lý do khiến nhiều phụ nữ biện minh cho hành động đánh vợ là vì "chế độ gia trưởng củng cố các chuẩn mực giới tính và nhiều phụ nữ đã ngấm vào đầu những tư tưởng này, niềm tin của họ được tạo nên bởi gia đình và xã hội".

Kuckreja, người thành lập Vanangana, một tổ chức từ thiện đã làm việc với những phụ nữ bị tàn tật ở Bundelkhand, miền bắc Ấn Độ - một trong những vùng nghèo nhất của đất nước, cho biết một lời khuyên phổ biến dành cho các cô dâu mới ở Ấn Độ là "bạn bước vào gia đình chồng bằng kiệu cưới và phải rời khỏi nhà chồng trên chiếc kiệu đám tang của mình". Vì vậy, hầu hết phụ nữ, ngay cả những người thường xuyên bị đánh đập, chấp nhận bạo lực như số phận của mình mà không trình báo.

Mặc dù có nhiều báo cáo hơn trong thập kỷ qua, nhưng vấn đề đánh đập vợ vẫn được báo cáo rất ít ở Ấn Độ vì những trường hợp như vậy rất khó để trình báo và ghi nhận. Hầu hết mọi người vẫn cho rằng chuyện xảy ra ở nhà thì nên giải quyết ở nhà. Vì vậy, phụ nữ không được khuyến khích đến gặp cảnh sát. Ngoài ra, nếu rời khỏi nhà chồng, phụ nữ thường không có nơi nào để đi.

"Cha mẹ thường không muốn đón những phụ nữ này vì kỳ thị của xã hội và trong nhiều trường hợp, vì nghèo khó và không thể lo thêm một miệng ăn. Không có hệ thống hỗ trợ, ít nhà tạm lánh và khoản tiền bồi thường dành cho những phụ nữ bị bỏ rơi là rất ít - thường trong khoảng 500 đến 1500 rupee (150 nghìn đến 450 nghìn đồng), không đủ cho một người phụ nữ sống, huống chi là nuôi con cái.

Pushpa Sharma, người đứng đầu Vanangana, cho biết một phụ nữ có thể bị đánh vì sinh con gái chứ, vì da con ngăm đen hoặc không xinh đẹp, hoặc không mang đủ của hồi môn, do chồng say xỉn, không phục vụ thức ăn hoặc nước uống đủ nhanh khi chồng trở về nhà cũng như cho nhiều muối hoặc quên thêm muối vào thức ăn.

Nguồn: BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm