pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ấn tượng những gian hàng của Hội LHPN ở phố đi bộ Ninh Kiều
Vui và yên bình
Trên con đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, hoạt động chợ đêm diễn ra suốt tuần. Đặc biệt, phố đi bộ Ninh Kiều diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần là nét đặc trưng của vùng đất "gạo trắng nước trong" này.
Bắt đầu từ lúc 15h chiều thứ 7, Lê Thanh Ái Nhi, 33 tuổi, cô chủ của "Ngôi nhà đan móc Len Thỏ", cùng gia đình tất bật chuẩn bị đồ để mang ra cửa hàng trên phố đi bộ Ninh Kiều. Các mặt hàng của Nhi là đồ thủ công, bao gồm các đồ len móc, đan, đèn, trang trí chất liệu len, móc khóa, kẹp tóc, giỏ xách, búp bê… Bỏ tất cả các đồ vào túi vải lớn, vợ chồng Nhi và 3 con cùng lên xe tới cửa hàng. Bé lớn năm nay học lớp 4, rất nhanh nhẹn, tháo vát, biết phụ mẹ lau dọn, soạn đồ. Hai bé sau còn nhỏ thì ra ngồi chơi, trong khi ba mẹ tiếp khách, bán hàng.
Vào lúc 17h, cả nhà Nhi có mặt tại cửa hàng, cho kịp lúc 17h30, con đường được rào chắn lại, không cho xe chạy nữa. Trên phố đi bộ Ninh Kiều có 2 cụm sân khấu nhỏ, bao gồm rất nhiều hoạt động văn hóa, thu hút du khách trong và ngoài nước, cả những người dân địa phương. Mọi người được coi ảo thuật, trình diễn thời trang, ca cổ…
"Khách du lịch rất mê các hoạt động văn hóa này, sau đó, họ tản bộ trên đường, mua sắm đồ lưu niệm. Còn người dân địa phương cũng đi bộ dạo chơi, dắt thú cưng đi thư giãn. Rất vui và yên bình", Lê Thanh Ái Nhi cho biết.
Các món đồ làm thủ công từ len của Nhi được rao bán với giá rẻ, từ 25 nghìn đến 100 nghìn đồng, mà lại vô cùng tinh xảo nên nhiều khách du lịch rất thích. Gian hàng của Nhi cũng được du khách tới "check-in", chụp hình và mua đồ. Cửa hàng của Nhi là 1 trong 2 cửa hàng trên phố đi bộ được Hội LHPN quận Ninh Kiều đánh giá có sức hút và ấn tượng đối với du khách.
Cửa hàng còn lại là của Khánh, một bạn trẻ đam mê khắc tên lên hạt gạo, đính vào móc khóa hoặc mặt dây chuyền. Đây là một sản phẩm cũng rất độc đáo, ít người thực hiện, mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam bộ. Hầu như du khách nước ngoài nào tới cũng mong muốn sở hữu sản phẩm này vì tính đặc trưng nổi trội. Cả Nhi và Khánh đều tự tay làm các món đồ này. Nếu có thời gian lưu lại Cần Thơ, du khách còn có thể đặt riêng các món theo yêu cầu.
Tới 22h, phố đi bộ Ninh Kiều vãn dần, sau đó được thông xe. Các gian hàng lại thu dọn đồ đạc, hẹn gặp lại vào thứ 7 tuần sau. Trong khi đó, chợ đêm bao gồm các điểm ẩm thực, khu chợ nhà lồng, các tiệm vàng lâu đời của người Hoa… thì sáng đèn suốt tuần. Cứ 16h30, chợ đêm bắt đầu hoạt động. Bến Ninh Kiều xưa và nay rất nhiều khác biệt, đã mang tới cho du khách những cảm nhận tích cực về vùng đất bình yên, trù phú và vô cùng hào sảng, hiếu khách.
Cần tăng thêm thời gian hoạt động của phố đi bộ
Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN quận Ninh Kiều, cho biết, phố đi bộ Ninh Kiều được địa phương chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 30/4/2022. Tuyến phố có 5 gian hàng, trong đó Hội LHPN quận được giao 2 gian hàng để hỗ trợ kết nối đầu ra sản phẩm cho chị em phụ nữ làm nghề thủ công mỹ nghệ là đan len sợi và điêu khắc. "Các sản phẩm này rất bắt mắt, giới thiệu những địa điểm nổi tiếng của Cần Thơ như bến Ninh Kiều, nhà lồng cổ, cầu đi bộ, chợ nổi Cái Răng… để du khách mua về làm quà cho người thân khi đến tham quan, du lịch", chị Hồng Nga nói.
Theo chị Hồng Nga, hiện nay phố đi bộ Ninh Kiều chỉ hoạt động vào tối thứ 7 hàng tuần, nên có nhiều du khách không được trải nghiệm. Chị rất mong các cơ quan hữu trách tại địa phương xem xét để tăng thời gian hoạt động của phố đi bộ thêm vào ngày chủ nhật, đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Việc này còn giúp quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp địa phương đến với nhiều du khách, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ.
Vào tháng 10/2022, cũng trên phố đi bộ Ninh Kiều, Hội LHPN quận Ninh Kiều đã tổ chức Phiên chợ hàng Việt, trưng bày các mặt hàng truyền thống của phụ nữ khởi nghiệp. 11 gian hàng của 11 Hội LHPN phường tham gia đã mang tới trên 30 mặt hàng phong phú như: giầy dép, chăn ga gối, trà gạo lứt, đông trùng hạ thảo, bột ngũ cốc, các loại bánh dân gian… và có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao, 4 sao được giới thiệu đến người tiêu dùng.
Bến Ninh Kiều là địa danh nổi tiếng và nhất định phải tới mỗi khi du khách đặt chân đến Cần Thơ. Hoạt động của phố đi bộ Ninh Kiều và chợ đêm tại đây đã tạo nên các hoạt động sôi nổi, phù hợp với xu thế phát triển du lịch và kinh tế của địa phương.
Lẩu mắm Cần Thơ, món ăn nổi tiếng
Sẽ là thiếu sót lớn nếu bạn tới Cần Thơ mà chưa tới thưởng thức ít nhất một lần món lẩu mắm. Món ăn này được nấu theo công thức riêng, với nguyên liệu chính là mắm cá linh. Cá linh tươi sống được ủ muối lâu ngày, kết hợp cùng các loại mắm khác như mắm cá lóc, mắm cá sặc. Có nhiều du khách miền Bắc thường nhầm mắm là nước mắm.
Tuy nhiên, mắm cá miền Tây là nói tới cá tươi ướp muối lâu ngày, được ăn sống cùng với các loại rau, hoặc chưng với trứng, hoặc nấu lẩu mắm. Lẩu mắm còn được ăn cùng với thịt heo quay, tôm, mực, bạch tuộc, ăn kèm với rất nhiều loại rau đặc trưng như bông điên điển, bông súng, rau nhút, giá đỗ, hoa chuối.
Có 5 địa chỉ quán lẩu mắm nổi tiếng tại Cần Thơ để bạn có thể tham khảo và lựa chọn:
- Lẩu mắm Cần Thơ số 162/18 đường Trần Ngọc Quế, quận Ninh Kiều, không gian quán thoáng mát, phù hợp cho gia đình đông người hay đoàn du lịch theo tour.
- Lẩu mắm Hương Dừa, đường Mạc Thiên Tích, quận Ninh Kiều, được bày trí đẹp mắt, sang trọng hơn so với mặt bằng chung các quán ở quận Ninh Kiều.
- Lẩu mắm Má Năm, số 98 đường Huỳnh Cương, quận Ninh Kiều, vị của nước lẩu ở đây được chế biến theo công thức riêng nên rất đặc biệt.
- Lẩu mắm Cần Thơ Bờ Hồ, số 47 đường Huỳnh Cương, quận Ninh Kiều, quán nhỏ, bình dân và được nhiều dân du lịch ưa chuộng.
- Lẩu mắm Cần Thơ Dạ Lý, số 89 đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều, nổi tiếng là do phần nước lẩu ngon ngọt ăn kèm với hơn 35 loại rau khác nhau.
Các quán này đều có giá trung bình từ 100 nghìn đến 400 nghìn đồng/nồi lẩu.
Lẩu mắm Cần Thơ, món ăn nổi tiếng
Sẽ là thiếu sót lớn nếu bạn tới Cần Thơ mà chưa tới thưởng thức ít nhất một lần món lẩu mắm. Món ăn này được nấu theo công thức riêng, với nguyên liệu chính là mắm cá linh. Cá linh tươi sống được ủ muối lâu ngày, kết hợp cùng các loại mắm khác như mắm cá lóc, mắm cá sặc. Có nhiều du khách miền Bắc thường nhầm mắm là nước mắm.
Tuy nhiên, mắm cá miền Tây là nói tới cá tươi ướp muối lâu ngày, được ăn sống cùng với các loại rau, hoặc chưng với trứng, hoặc nấu lẩu mắm. Lẩu mắm còn được ăn cùng với thịt heo quay, tôm, mực, bạch tuộc, ăn kèm với rất nhiều loại rau đặc trưng như bông điên điển, bông súng, rau nhút, giá đỗ, hoa chuối.
Có 5 địa chỉ quán lẩu mắm nổi tiếng tại Cần Thơ để bạn có thể tham khảo và lựa chọn:
- Lẩu mắm Cần Thơ số 162/18 đường Trần Ngọc Quế, quận Ninh Kiều, không gian quán thoáng mát, phù hợp cho gia đình đông người hay đoàn du lịch theo tour.
- Lẩu mắm Hương Dừa, đường Mạc Thiên Tích, quận Ninh Kiều, được bày trí đẹp mắt, sang trọng hơn so với mặt bằng chung các quán ở quận Ninh Kiều.
- Lẩu mắm Má Năm, số 98 đường Huỳnh Cương, quận Ninh Kiều, vị của nước lẩu ở đây được chế biến theo công thức riêng nên rất đặc biệt.
- Lẩu mắm Cần Thơ Bờ Hồ, số 47 đường Huỳnh Cương, quận Ninh Kiều, quán nhỏ, bình dân và được nhiều dân du lịch ưa chuộng.
- Lẩu mắm Cần Thơ Dạ Lý, số 89 đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều, nổi tiếng là do phần nước lẩu ngon ngọt ăn kèm với hơn 35 loại rau khác nhau.
Các quán này đều có giá trung bình từ 100 nghìn đến 400 nghìn đồng/nồi lẩu.