Anh: Việc nhà lại về tay phụ nữ sau các đợt phong tỏa do đại dịch

Kim Ngọc
21/12/2021 - 22:32
Anh: Việc nhà lại về tay phụ nữ sau các đợt phong tỏa do đại dịch

Ảnh: Maskot/ Getty Images

Theo một nghiên cứu mới ở Anh, sau đại dịch, những cặp vợ chồng không có con duy trì việc chia đều công việc nhà tốt hơn những cặp đôi có con.

Tác động tức thì do đợt phong tỏa vào tháng 3 năm ngoái ở Anh đã khiến tỷ lệ công việc nhà giữa nam giới và phụ nữ cân bằng trở lại. Điều này khiến nhiều người hy vọng rằng Covid-19 sẽ là động lực thúc đẩy bình đẳng trong gia đình. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây, đàn ông ở các gia đình có con nhỏ sớm đã không còn duy trì việc chia sẻ công việc nhà với phụ nữ khi trường học và nhà trẻ đóng cửa. Trong khi đó, các cặp vợ chồng không có con vẫn chia đều công việc nhà cho nhau.

Các nhà nghiên cứu cho biết sự khác nhau giữa hai nhóm trên có thể một phần do xu hướng cho rằng phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi trường học đóng cửa. Các bà mẹ có nhiều khả năng bị gián đoạn trong lúc công việc vì phải chăm sóc con cái và dạy con học ở nhà.

Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở Bristol và Berlin đã sử dụng dữ liệu khảo sát của hơn 2.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi từ 24 đến 54. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hành vi của những cặp vợ chồng thay đổi như thế nào trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020 và cũng bao gồm đợt phong tỏa đầu tiên. Theo đó, ở tất cả các cặp vợ chồng, ban đầu tỷ lệ phụ nữ làm việc nhà đều giảm, nhưng giảm đáng kể hơn với các cặp đôi có con nhỏ. Tỷ lệ này tăng nhẹ vào tháng 5 và giảm trở lại vào tháng 6. Tuy nhiên, đến tháng 9 năm 2020, tỷ lệ chia sẻ công việc nhà ở những gia đình có con nhỏ, con lớn và chưa có con là tương đối khác nhau.

Susan Harkness, giáo sư về chính sách công tại Đại học Bristol, cho biết nghiên cứu này làm giảm đi hy vọng lúc đầu rằng đại dịch có thể thúc đẩy bình đẳng từ những thay đổi xã hội. Bà nói: "Đã có những nỗ lực nhìn nhận tích cực hơn về tác động của đại dịch với công việc nhà, chằng hạn như Work From Home sẽ thúc đẩy bình đẳng giới. Đàn ông có thể bắt đầu làm việc nhà nếu họ ở nhà nhiều hơn.

Anh: Việc nhà lại về tay phụ nữ hậu phong tỏa do đại dịch - Ảnh 1.

Sau đại dịch, những cặp vợ chồng không có con duy trì việc chia đều công việc nhà tốt hơn những cặp đôi có con. Ảnh: Maskot/ Getty Images

Theo Harkness, đã có sự chuyển đổi trong thời gian ngắn, nhưng những thay đổi đó không tồn tại lâu dài và ảnh hưởng đến các chuẩn mực giới. Chẳng hạn, đàn ông có xu hướng quay lại công việc nhanh hơn phụ nữ, vì vậy phụ nữ có thể "tụt lùi" hơn so với nam giới về thời gian trở lại công việc hậu đại dịch. Khi trường học đóng cửa, gánh nặng cho phụ nữ cũng gia tăng. Đó là một câu chuyện khá rõ ràng về đại dịch, Harkness cho biết.

Dữ liệu chính thức trước đây cho thấy phụ nữ phải chịu gánh nặng giáo dục con cái tại nhà nhiều hơn trong đợt phong tỏa thứ hai. Dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia vào thời điểm đợt phong tỏa thứ hai cho thấy 67% phụ nữ và 52% nam giới chịu trách nhiệm việc học của con cái tại nhà. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ cho biết việc con cái học tại nhà có tác động tiêu cực đến sức khỏe họ, với 53% gặp khó khăn so với 45% nam giới. Một cuộc khảo sát khác từ đầu năm nay cũng cho thấy trẻ em gái và phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 14 đến 24 đảm nhận phần lớn công việc nhà trong đại dịch. Điều đó khiến họ có ít thời gian hơn để tập trung vào chuyện học hành.

Harkness lưu ý nghiên cứu đã chỉ ra tính cố hữu và khó thay đổi của phân biệt giới tính, thể hiện qua sự trái ngược giữa việc làm và thu nhập trong đại dịch. Năm ngoái, Viện Nghiên cứu Tài khóa cho biết, phụ nữ trong độ tuổi lao động trung bình ở Anh kiếm tiền ít hơn 40% so với nam giới vào năm 2019. Viện nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ là khoảng 13 điểm phần trăm, thấp hơn so với giữa những năm 1990; tuy nhiên, hơn ¾ mức giảm có thể được giải thích là do trình độ học vấn của phụ nữ tăng nhanh. Phụ nữ trong độ tuổi lao động có khả năng có bằng đại học đã chuyển từ mức thấp hơn 5 điểm phần trăm lên cao hơn 5 điểm phần trăm so với nam giới.

Nguồn: The Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm