Áo dài nam đang xung đột giữa cách tân và truyền thống

28/11/2017 - 17:26
“Áo dài cách tân dành cho đàn ông hiện nay đang đánh mất chất nam tính” - đó là khẳng định của nhà nghiên cứu Trịnh Bách tại tọa đàm “Áo dài Việt - Từ lịch sử đến đương đại”.
a.jpgNhóm "Đình làng Việt" với những chiếc áo dài nam truyền thống 

Ngày 27/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC (Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã diễn ra tọa đàm Áo dài Việt – Từ lịch sử đến đương đại với sự tham gia của nhiều diễn giả như nhà nghiên cứu Trịnh Bách, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, nhà văn Trương Quý, nhà báo Nguyễn Kiều Trinh… Tọa đàm đã đặt ra nhiều vấn đề quanh chiếc áo dài từ xưa đến nay, trong đó chuyện áo dài nam cách tân được đặc biệt quan tâm.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm Đình làng Việt nhận xét, không chỉ áo dài nữ cách tân mà áo dài nam còn bị phá cách hơn nhiều. Trước đây, áo dài nam chủ yếu là các màu trầm, không thêu thùa lòe loẹt chim bay, phượng múa như bây giờ. “Ngày xưa, các cụ không bao giờ mặc áo dài nam với các màu sắc quá sặc sỡ. Điều đó thể hiện tính cách của người đàn ông Việt luôn khoan thai, chững chạc, đĩnh đạc…”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nói.
Cũng theo họa sĩ, yếu tố rồng phượng trên tà áo dài nam không thể gọi là truyền thống được, đấy là còn chưa nói hình ảnh rồng đó có được vẽ theo đúng cách của ông cha ta hay không.

Một thành viên khác của nhóm Đình làng Việt là anh Nguyễn Đức Lộc cũng cho rằng, áo dài nam cách tân hiện nay quá khác xa với truyền thống. Không chỉ ở màu sắc quá sặc sỡ, mà ở chính kiểu dáng. Nếu các cụ ngày xưa thường mặc áo dài dáng suông lịch lãm, không phô trương hay khoe mẽ thì áo dài nam bây giờ có xu hướng bó sát, lộ rõ các đường nét cơ thể. “Có những chiếc áo dài gọi là cách tân, nếu bỏ đi phần thêu thùa thì chẳng khác gì áo dài nữ”, anh Đức Lộc nói.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng nhiều thợ may áo dài hiện nay không hiểu gì về áo dài: Nguyên tắc áo dài nam không chiết eo, may thẳng xuống rõ chất nam tính. “Áo dài hiện nay đánh mất chất nam tính”, ông khẳng định.

1.jpg
Các diễn giả tham gia tọa đàm "Áo dài Việt - Từ lịch sử đến đương đại"  

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình bày tỏ, anh phản đối chuyện mọi người cho rằng áo dài cách tân để cho nhanh, gọn, tiện lợi, có thể mặc sơ mi bên trong cũng được. “Như vậy là không đúng! Bởi bộ trang phục truyền thống của bất kỳ quốc gia nào cũng có sự cầu kỳ, phức tạp. Chính sự cầu kỳ mới chứa đựng những tinh hoa dân tộc.

Thực chất, chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt đã vô cùng tối giản. Nó mang tính giáo dục rất cao, khi ta mặc bộ trang phục lên người buộc chúng ta phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc, lịch sự… Ngay lập tức, bộ áo dài biến ta thành một con người hoàn toàn khác”, hoạ sĩ Đức Bình nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà văn Trương Quý lại phản biện quan điểm của hầu hết các diễn giả tham dự tọa đàm Áo dài Việt – Từ lịch sử đến đương đại. Anh cho rằng, sự biến tấu của áo dài nam trong giới trẻ là điều chúng ta phải chấp nhận. “Chúng ta cũng không nên chăm chăm cho rằng chỉ nên có một kiểu loại áo dài. Giống như phong trào hippi trước đây, người ta có thể phá cách với áo vest đính kim sa lộng lẫy hoặc diện quần ống loe… và được đón nhận”, nhà văn Trương Quý nói.

Có thể nói sự va chạm giữa cách tân và truyền thống để chọn ra cái đẹp cho mỗi người là điều khó. Không phải ai cũng ủng hộ việc thay đổi, làm mới truyền thống. Tuy nhiên, qua thời gian, thời trang cũng dần thay đổi để phù hợp với xã hội phát triển. Vì thế, theo nhà văn Trương Quý, thay vì cứ mãi bàn luận về việc ủng hộ truyền thống hay cách tân, anh đề xuất xây dựng cuốn sách về áo dài Việt. “Khi ấy không chỉ các nhà nghiên cứu, người làm thời trang mà mỗi người đều có thêm nhiều thông tin hơn để có những lựa chọn phù hợp”, anh nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm