pnvnonline@phunuvietnam.vn
Áp lực sinh con trai đè nặng lên phụ nữ Kyrgyzstan
Phụ nữ tuần hành ở Bishkek, Kyrgyzstan
Nỗi buồn mang tên "sinh con gái"
Ở Kyrgyzstan, nhiều gia đình mong muốn có con trai. Khi có con gái đầu lòng, nhiều gia đình hy vọng đứa trẻ thứ hai sẽ là con trai. Thế nhưng, khi đứa con thứ hai cũng là con gái, họ bắt đầu cầu nguyện.
Nhiều gia đình có thể hiến tế một con cừu đực, nghiên cứu lịch phương Đông để tìm ra ngày nào tốt cho việc thụ thai sinh bé trai. Nếu đứa trẻ thứ 3 sinh ra cũng là con gái thì bắt đầu trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Phụ nữ Kyrgyzstan phải đối mặt với nhiều áp lực: Xã hội, nhà chồng và cả chồng họ thường đổ lỗi cho việc không thể sinh con trai là do người phụ nữ. Điều này có thể dẫn đến bạo lực gia đình và ly hôn.
Khi Zhyldyz có con gái đầu lòng, ai cũng vui mừng nhưng khi tiếp tục sinh hai cô con gái, Zhyldyz bắt đầu lo lắng. Cô thử các loại thuốc cổ truyền với hy vọng sinh một bé trai. Cuối cùng, vợ chồng cô đã chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở nước ngoài để có thể lựa chọn giới tính.
Trong lúc chờ đợi con trai ra đời, chồng của Zhyldyz đã xây dựng một sân chơi lớn để sau này cùng con trai chơi thể thao. Thế nhưng, Zhyldyz lại sinh tiếp một bé gái. "Hằng ngày, tôi nhìn sân chơi mà thấy buồn và tuyệt vọng. Tôi không biết phải làm gì", Zhyldyz đau khổ nói.
Còn Asylkan phải trải qua 14 năm bị bạo hành chỉ vì không sinh được con trai. Trong một lần Asylkan mang thai, chồng cô đánh vợ khiến Asylkan suýt mất con. Thật may mắn, bé gái chào đời khỏe mạnh.
Sau khi sinh 6 con gái, đến đứa con thứ 7, Asylkan mới sinh được con trai. Lúc này, mọi người trong gia đình mới vui vẻ. Người chồng đã tổ chức tiệc mời tất cả họ hàng và bạn bè đến chung vui. Nhưng đứa bé ấy bây giờ là một thanh niên vô trách nhiệm và là gánh nặng của gia đình.
Trong khi đó, những cô con gái của Asylkan đều thành đạt và lo cho gia đình chu toàn. Khi Asylkan nhắc chồng về quá khứ, ông ta luôn né tránh. Ông cảm thấy xấu hổ và hối hận.
Aminat Baitikova, bác sĩ trưởng tại Bệnh viện phụ sản ở Thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan, cho biết, trong nhiều năm, bà đã giải thích với các cặp vợ chồng rằng giới tính của đứa trẻ phụ thuộc vào tinh trùng mang nhiễm sắc thể X hoặc Y. Đáng tiếc, điều này thường bị những người chồng phớt lờ.
Những hình mẫu truyền cảm hứng
Dù bị xem nhẹ, nhiều trẻ em gái ở Kyrgyzstan đã vượt qua những định kiến để có được một nền giáo dục tốt và thành công. Điển hình là bà Roza Otunbayeva cựu Tổng thống Kyrgyzstan.
Ngày 3/9/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã quyết định bổ nhiệm bà Roza Otunbayeva đảm nhận vai trò phụ trách Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan. Bà Roza Otunbayeva là người sáng lập phong trào phụ nữ Kyrgyzstan.
Bà lưu ý rằng, ngày nay nhiều người phụ nữ Kyrgyzstan đã tự tin nói về vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Các tổ chức xã hội ở Kyrgyzstan thu hút một lượng đông đảo phụ nữ tham gia. Họ tích cực thúc đẩy các giá trị dân chủ, bảo vệ quyền con người, giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp khẩn cấp và làm cầu nối giữa người dân và chính quyền.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn phải chịu những ràng buộc truyền thống, đặc biệt là phụ nữ từ các vùng quê nghèo - nơi có ít cơ hội học tập hoặc tìm việc làm.
Gulbarchyn Toialieva, người đã làm việc 15 năm trong lĩnh vực xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột, đã sáng lập tổ chức phi chính phủ Zhalyn. Cũng như nhiều phụ nữ khác ở Kyrgyzstan, Toialieva từng bị cha xem nhẹ.
"Tôi từng là nỗi thất vọng đối với cha. Tôi nghe mẹ kể, khi mẹ sinh ra tôi, cha đã không đến bệnh viện để nhìn mặt. Vì vậy, chú tôi đã đặt tên cho tôi. Nhưng sau đó, cha tôi đã thay đổi quan điểm của mình. Tôi đã buồn khi nghe kể lại nhưng không oán giận ông ấy", cô kể.
Trong khi đó, Altyn Kapalova, một nhà hoạt động vì nữ quyền, đã thành công khi đấu tranh trong hơn 2 năm để giành quyền giữ tên đệm mà cô đã đặt cho 3 đứa con của mình. Câu chuyện bắt đầu vào tháng 12/2020 khi Kapalova được cấp lại giấy khai sinh của các con với việc lấy tên của cô làm tên đệm.
Kapalova đã nộp đơn xin giấy khai sinh mới cho các con sau cuộc chiến pháp lý kéo dài nhằm tước quyền làm cha của những đứa trẻ với lý do anh ta hoàn toàn không có mặt trong cuộc sống của bọn trẻ, thiếu sự hỗ trợ về tài chính.
Kapalova coi phán quyết của Tòa án Hiến pháp là một chiến thắng cho nhiều gia đình đơn thân, chủ yếu do phụ nữ làm chủ ở Kyrgyzstan.