Australia phá đường dây trộm sữa bột triệu đô bán sang Trung Quốc

25/01/2019 - 22:18
Australia vừa phá đường dây chuyên đánh cắp sữa công thức dành cho trẻ em, vitamin tổng hợp và mật ong trị giá hàng triệu USD để tuồn về bán ở Trung Quốc. Cảnh sát ở New South Wales cho biết đã bắt giữ 6 người, gồm 4 người cùng 1 gia đình và 2 người đàn ông. Tất cả bị cáo buộc “tội phạm nhóm có tổ chức”.
Phá những “chân rết” buôn bán sữa chợ đen
 
Trong năm 2017 và 2018, cảnh sát ở Victoria và Sydney (Australia) đã bắt giữ một số đối tượng ăn cắp các sản phẩm sữa bột trẻ em để đem bán trên thị trường chợ đen tuồn về Trung Quốc, thu giữ hàng trăm hộp sữa, các sản phẩm vitamin cùng hàng trăm nghìn đô la tiền mặt. Sữa công thức của Australia được gọi là "vàng trắng" ở Trung Quốc vì sữa Australia an toàn hơn và có chất lượng tốt hơn các sản phẩm được sản xuất tại nội địa Trung Quốc.
 
sua-cong-thuc-australia-5.jpg
Cảnh sát phá vỡ một đường dây tuồn sữa về Trung Quốc

  

Ngày 30/11/2017, cảnh sát đã bố ráp một số ngôi nhà ở khu vực Richmond, Sunshine và Braybrook ở Melbourne, thu giữ rất nhiều hộp sữa bột cho trẻ em và các sản phẩm làm đẹp với giá trị lên tới hơn 300.000 đô la cùng 500.000 đô la tiền mặt. Một người đàn ông 34 tuổi ở Footscray đã bị cáo buộc tội trao đổi các sản phẩm ăn cắp, 6 người khác trong độ tuổi từ 31 đến 77 tuổi bị thẩm vấn.
 
Riêng trong năm 2018, cảnh sát cho hay số sữa bị trộm đã lên đến 1 triệu đô la Australia (tương đương 715.000 USD). Sĩ quan Danny Doherty của Sở cảnh sát New South Wales (NSW) cho biết các điều tra viên của Australia vẫn đang tiếp tục điều tra những sản phẩm bị đánh cắp được bán ở đâu nhưng thông tin ban đầu cho thấy hàng nghìn kiện hàng sữa công thức cho trẻ em đã được gửi về Trung Quốc.
 
sua-cong-thuc-australia-3.jpg
Sữa ở các siêu thị Australia bị vơ vét hết sạch

  

Các cuộc điều tra đã được tiến hành từ tháng 2/2018 sau khi cảnh sát nhận được thông tin về các vụ đánh cắp tại các cửa hàng bán lẻ ở Sydney. Các nhà điều tra cho biết đã lục soát 2 ngôi nhà ở Sydney trong tháng 8/2018 và thu giữ 4.000 hộp sữa công thức, một lượng lớn hộp kẹo vitamin các loại, mật ong Manuka và hơn 215.000 AUD (154.000 USD) tiền mặt. Đối tượng bị bắt giữ gần đây nhất là vào hôm 19/1/2019, một người đàn ông 31 tuổi tại sân bay Sydney khi người này vừa đáp chuyến bay từ Trung Quốc đến. Cảnh sát Doherty dự kiến sẽ có thêm các vụ bắt giữ nữa.
 
“Đây là một cuộc điều tra kỹ lưỡng và chúng tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ. Cảnh sát sẽ tiếp tục truy bắt những kẻ cắp bởi chúng không chỉ kiếm chác vì tham lam và gây thiệt hại cho các ông bố, bà mẹ Australia mà chúng còn giật sữa khỏi miệng những đứa trẻ, theo đúng nghĩa đen”, sĩ quan Doherty tuyên bố.
 
sua-cong-thuc-australia-4.jpg
Các daigou đi thu gom sữa đưa về Trung Quốc

  

Ở Australia cũng tồn tại thị trường “chợ xám” nơi hàng nghìn người được gọi là daigou giúp khách hàng ở Trung Quốc mua hàng hóa tại Australia và gửi về đại lục để kiếm lời. Mỗi daigou này có thể kiếm đến hơn 100.000 đô la Australia mỗi năm. Truyền thông Australia cho biết, 1 lon sữa giá 30 đô la Australia có thể được bán lại với giá đến 80-100 đô la tại Trung Quốc.
 
Nguyên nhân sữa Australia được ưa chuộng ở Trung Quốc
 
Một phóng sự cho thấy hàng trăm daigou chuyên đi săn các sản phẩm của Australia từ sữa bột cho đến các sản phẩm vitamin để bán về cho thị trường nội địa Trung Quốc. Họ đã dọn sạch những quầy hàng sữa bột ở Coles và Woolworths. Chính vì nhu cầu quá lớn ở cả Australia và Trung Quốc, các nhà bán lẻ đã hạn chế số lượng hộp sữa người mua có thể mua mỗi lần. Thế nhưng, những người đi săn hàng không hề nao núng. Họ thường đi cùng một nhóm để mỗi người mua vài hộp hoặc quay lại siêu thị nhiều lần. Đã có rất nhiều đoạn phim được chính người dân ghi hình và đã khiến người dân Australia rất tức giận vì điều này.
 
sua-cong-thuc-australia-1.jpg
Sữa công thức Australia chất lượng được các bậc phụ huynh Trung Quốc săn lùng

  

Charlotte Wang, một phụ nữ trẻ sống ở Newcastle, quyết định nghỉ học để làm daigou. Mỗi ngày, công việc chính của cô là đi mua sắm cho hơn 100 khách hàng thường xuyên đang ở Trung Quốc. Dùng app WeChat trên điện thoại, Charlotte Wang sẽ dẫn những khách hàng mới đang ở Trung Quốc cùng đi mua sắm và nhìn thấy món hàng khi còn nằm trên kệ ở Australia qua màn hình video chat. “Khách hàng của tôi muốn cùng đi mua sắm ở Australia để chắc chắn rằng tôi mua đúng những sản phẩm chính hiệu cho họ. Chúng tôi cho khách hàng biết chính xác địa điểm mình mua sắm dù khách hàng đang ở Trung Quốc”, cô Wang nói trong chương trình ABC Lateline.
 
Hơn 53.000 trẻ sơ sinh ở Trung Quốc bị một trong các loại bệnh thận nghiêm trọng, 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và 30.000 em khác bị suy thận và sỏi thận vì uống phải sữa bột nhiễm độc melamine năm 2008. Các bậc phụ huynh Trung Quốc hiểu rõ những nguy hiểm rình rập con cái họ khi mua sữa bột do các công ty quốc nội sản xuất và không còn niềm tin. “Nhu cầu đối với sữa bột cho trẻ sơ sinh là khổng lồ, nhất là khi chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách một con năm 2015, nhiều phụ nữ Trung Quốc quyết định sinh đứa con thứ 2. Họ không tin sữa bột trẻ sơ sinh và cả thuốc bổ như dầu cá sản xuất ở Trung Quốc. Khách hàng chỉ muốn mua từ ngoại quốc, nước nào cũng được”, cô Wang chia sẻ.
 
Hơn 1 thập niên sau bê bối sữa bột nhiễm độc khiến 6 trẻ tử vong, các bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn không tin tưởng hàng nội địa. Bê bối thúc đẩy một kỷ nguyên mới của ngành sữa Trung Quốc khi mà người tiêu dùng luôn nghi ngờ hàng nội địa. Ngành công nghiệp sữa bột trẻ em trị giá 27 tỷ USD của Trung Quốc bị định hình lại. Dù chính phủ đã đổi mới quy định về sản xuất sữa bột phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, song những người tiêu dùng rất ngại. Sữa nước ngoài được người tiêu dùng cho rằng an toàn hơn, chất lượng cao hơn, đồng thời là dấu hiệu của sự khá giả. Trong lúc đó, các nhà cung cấp sữa nội địa đang cố giành lại thị phần với giá rẻ hơn, nguồn cung khác. Cuộc chiến giành thị phần sẽ khốc liệt hơn khi nhu cầu sữa ngoại tăng 21% lên 32 tỷ USD vào năm 2023.
 
sua-cong-thuc-australia-2.jpg
Ảnh minh họa

 

Sữa bột trẻ em của Australia từ lâu đã là sản phẩm được ưa chuộng và ngày càng trở nên khan hiếm khi nhiều gia đình tìm cách mua sạch hàng trên các quầy siêu thị để dự trữ. Một người mẹ ở Sydney có tên là Jyoti đã chia sẻ với báo giới rằng việc mua sữa bột cho cặp song sinh của cô đã trở thành "một cơn ác mộng toàn tập". "Có những lần tôi phải đi đến năm hoặc sáu cửa hàng để tìm mua, bởi những gì tôi tìm thấy là chiếc kệ trống hoặc chỉ là sữa những lon sữa bột không phù hợp còn lại ở trên đó. Thật khó khăn cho các bà mẹ Australia không thể mua được sữa cho con mình khi nhiều người gom hàng đưa về Trung Quốc bán”, cô chia sẻ.
 
Trước tình hình đó, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất của Úc đang phải giới hạn số lượng sữa công thức cho trẻ em mà khách hàng được mua nhằm đề phòng nạn gom hàng tuồn về Trung Quốc. “Để chắc chắn rằng luôn có hàng cho khách, tại một số siêu thị chúng tôi sẽ trữ hàng nơi thanh toán, hoặc sử dụng thiết bị điện tử giám sát lắp trên hộp sữa, chỉ có thể tháo được tại quầy”, Coles - 1 trong 2 chuỗi siêu thị lớn nhất Australia cho biết. Chuỗi siêu thị này đang giới hạn số lượng sữa bột bán ra ở mức tối đa 2 hộp cho mỗi khách hàng, trong khi làm việc với nhà cung cấp để cải thiện nguồn hàng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm