pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giáo dục
Bà giáo "mượn" TikTok để dạy Văn miễn phí cho học sinh vùng sâu, vùng xa
Tiết kiệm lương hưu, "lên đời" điện thoại làm cô giáo online
Tiếp chúng tôi là nhà giáo Ngô Thúy Trình, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Căn nhà giản dị toát lên sự gần gũi. Giữa căn phòng chính là chiếc bảng đen cũ chi chít những câu văn, lời bình. Theo lời cô, chiếc bảng này không chỉ là công cụ giảng dạy mà còn là "người bạn" chứng kiến biết bao thế hệ học trò.
Chúng tôi để ý thấy bên cạnh tấm bảng có một cái giá đỡ điện thoại và chiếc micro ghi âm. Đây là những sản phẩm công nghệ được bà trang bị 1 năm trước để phục vụ cho việc dạy môn Ngữ văn phát trên mạng xã hội TikTok.
Rót chén trà còn ấm nóng, cô Trình tâm sự: "Nếu cô chỉ dạy trực tuyến qua các lớp học online hay dạy trực tiếp tại nhà, có lẽ chỉ những học sinh đến từ các gia đình có điều kiện mới có thể tham gia.
Nhưng cô mong muốn, ngay cả các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn cũng có thể tiếp cận và học tập một cách dễ dàng. Vì vậy, TikTok là lựa chọn phù hợp để có thể mang kiến thức đến với mọi người, không phân biệt khoảng cách địa lý hay điều kiện kinh tế".
Với kinh nghiệm mấy chục năm dạy học, phong cách gần gũi, lời giảng đi vào lòng người, các buổi giảng văn của cô giáo Trình đã nhanh chóng thu hút đông đảo học sinh trên mạng. Kênh TikTok của cô Trình hiện có hơn 500 nghìn lượt theo dõi (một kênh có 10 ngàn người theo dõi được xem là cao) và hơn 4 triệu lượt thả tim (biểu tượng yêu thích like). Điều đó minh chứng cho sức hút của những bài giảng Văn hay.
Tuy nhiên, với một bà giáo đã ngoài 70 tuổi, việc sử dụng công nghệ không hề dễ chút nào. "Ở tuổi này, việc tiếp cận công nghệ thật sự rất khó khăn đối với cô. Lúc đầu, chỉ cần đọc tin nhắn thôi đã là một thách thức lớn, chưa kể đến việc sử dụng một nền tảng phức tạp như TikTok.
Ban đầu, cô phải học từng chút một, hôm nay một ít, ngày mai thêm một ít. Thú thật, cô thường xuyên quên trước, quên sau, khiến mọi thứ trở nên rối ren. Nhưng nhờ vào sự kiên trì thực hành hằng ngày và niềm đam mê không ngừng với việc giảng dạy, dần dần cô đã quen và thành thạo hơn với những công cụ này".
Đặt chén trà xuống, cô Trình kể lại lời của con trai mình: "Con cô bảo: "Trời ạ, mẹ đã cầm phấn, cầm bút cả đời rồi, giờ sao vẫn còn muốn làm nữa?". Nhưng đối với cô, việc giảng dạy không chỉ là một công việc mà là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Cô hài hước chia sẻ: "Nếu không cầm phấn, cầm bút thì cô sẽ ốm".
Mặc dù các con đã nhiều lần ngăn cản nhưng cô Trình vẫn kiên định với con đường của mình. Cô quyết định nâng cấp điện thoại để có thể quay video chất lượng tốt hơn. Chiếc điện thoại mới có giá hơn chục triệu đồng, vượt xa mức lương hưu 3 triệu đồng/tháng, cô Trình tìm cách tiết kiệm để mua máy mới.
"Cô âm thầm tích lũy để đổi điện thoại. Với các chân máy quay, trong khi người khác mua loại tốt, cô chỉ có thể mua loại rẻ tiền. Nếu nó rơi xuống thì cô lại chằng buộc lại", cô chia sẻ.
"Bài độc tấu" không có tiếng vỗ tay
Dù mắt đã có phần mờ đi, mái tóc đã bạc, làn da hằn vết thời gian nhưng nhà giáo Ngô Thúy Trình vẫn đau đáu hướng về bục giảng, mày mò sử dụng công nghệ, cống hiến vì học sinh thân yêu. Tuy nhiên, mạng xã hội là một nền tảng đa chiều. Đã có không ít lần cô Trình nhận được những bình luận khiếm nhã, chỉ trích thậm tệ.
Dù vậy, cô không nản mà vẫn kiên trì với mục tiêu ban đầu của mình. "Là một người giáo viên "lội ngược dòng", cô đã đối mặt với nhiều thử thách. Tuy nhiên, những điều này không làm cô nản chí, vì như cô từng bình giảng tác phẩm Văn học Nga có đoạn: "Thép đã tôi trong lửa đỏ, nước lạnh, thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ". Những phản hồi tiêu cực lại là động lực để cô phát sóng nhiều hơn", cô Trình nghẹn ngào chia sẻ.
450 ngày, cô Trình liên tục đăng tải hơn 200 video về các bài giảng Văn. Trong các bài giảng ấy, có thể đôi khi âm thanh có vấn đề, hình ảnh không được sắc nét nhưng người xem cảm nhận được tâm huyết của cô qua những dòng phấn trên bảng, qua nét mặt và qua cả những bộ trang phục chỉnh chu mỗi khi đứng lớp.
Cô Trình chia sẻ, việc học sinh đi mò đề và đoán đề trước các kỳ thi là một lao động thừa. Các em phải có một "công thức" học văn riêng, ôn luyện có lộ trình rõ ràng.
Chị Nguyễn Thị Hương, năm nay có con đang theo học lớp 10 tại huyện Yên Khánh, đã gửi gắm con gái cho cô Trình dạy Văn từ những năm cuối cấp 2. Chị cũng là học sinh cũ của cô. Chị Hương xúc động cho biết: "Khi cháu được tiếp cận với cô, kiến thức của cháu bắt đầu bật lên một cách rõ rệt. Phần học Văn của cháu đỡ vất vả hơn ngày trước nhiều. Lớp 9 cháu đã được giải Nhì cấp tỉnh trong kì thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn".
Để hỗ trợ các sĩ tử lớp 12 ôn thi tốt nghiệp, cô Trình đã tăng cường việc ra mắt các video dạy Văn. Mỗi video của cô không chỉ là bài giảng tâm huyết mà còn chứa đựng niềm đam mê, sự tận tâm và mong muốn giúp các em vượt qua kì thi một cách tốt nhất.
Những lời giảng của cô Trình như dòng suối mát giữa cái nắng nóng gay gắt, giúp làm dịu đi sự căng thẳng của học sinh. Cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn mang đến sự động viên, cổ vũ, giúp các em tự tin hơn trong hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức.
Những thăng hoa về trí tuệ, tử tế về đạo đức, phát triển về con người, mãi luôn in đậm dấu ấn những cống hiến miệt mài của thầy cô, trong đó có bà giáo U80 Ngô Thuý Trình.
Những công việc khác có thể tính theo giờ, theo ngày, theo tháng, theo năm để hoàn thiện nhưng việc "trồng người" là sự nghiệp cần tới trăm năm, cả đời người để nhận về "trái ngọt" ở cuối con đường.
"Dù bài độc tấu không có tiếng vỗ tay
Dù sân khấu không có hoa, có đèn,
Nhưng khi viên phấn trên tay,
Vẫn có thể khiến mọi âm sắc,
Chạm đến cảm xúc
Khai mở tri thức".
Nhà giáo Ngô Thúy Trình (thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, Ninh Bình)