Bà Nancy Pelosi sẽ trở lại làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ

07/11/2018 - 14:37
Đảng Dân chủ lần đầu tiên giành được quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ sau 8 năm và sẽ có sức mạnh mới để thách thức nửa sau nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Bà Nancy Pelosi (78 tuổi) sẽ trở lại làm Chủ tịch Hạ viện. Bà đã là lãnh đạo của phe Dân chủ tại cơ quan lập pháp này trong vòng 16 năm qua.
Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện
 
nancy-pelosi-3.jpg
Bà Nancy Pelosi cùng các lãnh đạo Đảng Dân chủ
Theo CNN, phe Dân chủ được dự đoán đã giành được 182 ghế, trong khi phe Cộng hòa bám đuổi ở vị trí sát sao, 170 ghế. "Ngày mai sẽ là một ngày mới với nước Mỹ, nhờ có các bạn. Hãy nhớ lấy cảm giác này, cũng như sức mạnh của sự chiến thắng", lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu trước những người ủng hộ sau khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
 
Bà Nancy Pelosi đã là lãnh đạo của phe Dân chủ tại cơ quan lập pháp này trong vòng 16 năm qua. Chính bà Pelosi đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch Hạ viện trong nhiệm kỳ 2007-2011.
 
Bà Pelosi là tiếng nói chính trị có khả năng quyên góp tài chính mạnh nhất của đảng Dân chủ. Cho đến nay, bà đã quyên góp được hơn 90 triệu USD cho đảng này trong đợt bầu cử giữa kỳ.
 
nancy-pelosi-2.jpg
Sức hút quyên góp tài chính mạnh nhất của đảng Dân chủ
Bà Pelosi sinh ra trong một gia đình quốc tịch Mỹ gốc Italia. Cha bà là nghị sĩ bang Maryland, từng giữ chức thị trưởng thành phố Pandemot trong 12 năm liền. Anh trai của bà là ông Thomas D’Alesandro cũng đã đảm trách chức thị trưởng thành phố nói trên. Được ảnh hưởng bởi gia đình, ngay từ thời kỳ còn cắp sách tới trường, Nancy đã có chí hướng tham gia chính trường.
 
Ông Thomas D’Alesandro nhớ lại: “Tất cả chúng tôi đều sinh ra và được nuôi dạy trong môi trường chính trị, và chúng tôi đều đi theo con đường này. Cửa nhà chúng tôi luôn luôn rộng mở, mọi người đến để tìm việc làm, xin trợ giúp y tế, trợ giúp về nhà cửa… Và Pelosi đã có cơ hội ngay từ những năm tháng tuổi thơ để được sống trong thế giới chính trị ở ngay cấp địa phương”.
Vào thời điểm đó, chính trị trong thời đại của thân phụ bà là việc lo cho sự tồn tại của con cái của những người Italia nhập cư, là làm sao để có được việc làm, để tồn tại ở một thành phố lớn, làm sao để được hưởng những quyền lợi công bằng. Chính những điều này đã khơi nguồn cho khát vọng được làm một điều gì đó để đem lại sự công bằng, nhất là về mặt kinh tế cho những người dân Mỹ của bà Pelosi.
 
Khi được hỏi môi trường gia đình đã có ảnh hưởng như thế nào đến con đường chính trị, bà Nancy Pelosi nói rằng điều mà bà học hỏi được từ gia đình là sự công bằng về mặt kinh tế và bà luôn tâm niệm về một chương trình nghị sự của một nền kinh tế công bằng, nơi tất cả mọi người dân Mỹ, đều có thể tham gia vào sự thành công của đất nước.
 
nancy-pelosi-4.jpg
Bà Nancy Pelosi gần gũi với trẻ em
Sau khi tốt nghiệp Học viện Washington, Nancy kết hôn cùng Powro Pelosi. Sau đó, hai người chuyển về sinh sống tại thành phố Francisco, quê hương Powro. Powro rất thạo kinh doanh bất động sản và cổ phiếu nên gia đình nhanh chóng trở nên giàu có, sở hữu tài sản trị giá tới 25 triệu USD. Bà Pelosi sinh được 5 người con. Mặc dù thành tích hoạt động chính trị rất nổi bật, nhưng Pelosi cho rằng đối với phụ nữ, vai trò người mẹ trong gia đình là quan trọng hơn cả.
 
Năm 1987, bà được bầu vào Quốc hội. Bà công khai tham dự vào các hoạt động của tổ chức đồng tính luyến ái, phản đối dự thảo luật “Cấm phá thai”. Bà cũng luôn kiên định ủng hộ lập trường của các nghiệp đoàn, tổ chức bảo vệ môi trường và tổ chức người tiêu dùng.
 
Ở vị trí chủ tịch Hạ viện, bà Nancy là người luôn ủng hộ các chính sách đối với phụ nữ. Bà luôn luôn bảo vệ các quyền của người phụ nữ, đặc biệt là việc chấp thuận ngân sách liên bang đối với các cơ sở nạo thai và hỗ trợ tài chính cho những tổ chức này, mặc dù vấn đề nạo thai là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Hoa Kỳ do những giáo lý của Công giáo.
 
nancy-pelosi-5.jpg
Bà Nancy Pelosi cầm chiếc gậy điều hành của Chủ tịch Hạ viện Mỹ
Bà cũng đã ủng hộ nhiều đạo luật về tăng cường hỗ trợ cho người nghèo và người khuyết tật, trong khi tăng thuế đối với tầng lớp thượng lưu ở Mỹ. Bà cũng là người ủng hộ các quyền của người nhập cư, trong đó có việc bỏ phiếu chống lại Đạo luật Xây dựng Hàng rào biên giới.
 
Điều ngạc nhiên hơn là mặc dù đã cao tuổi nhưng sức khỏe bà còn dồi dào, tối nào cũng xem các chương trình MTV tới khuya. Tháng 2/2018, bà Pelosi đã có bài phát biểu trước Hạ viện liên tục trong 8 giờ 7 phút về những người nhập cư bất hợp pháp.
 
Mối đe dọa với Tổng thống Donald Trump
 
Với đa số ghế tại Hạ viện, đảng Dân chủ sẽ nắm trong tay quyền điều tra thuế của Tổng thống Donald Trump và những xung đột lợi ích tiềm tàng, đồng thời thách thức các chính sách mà ông Trump theo đuổi trong mối quan hệ với Triều Tiên, Nga hay Saudi Arabia.
 
Nghị sĩ Elijah Cummings, người sắp trở thành chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách chính phủ thuộc hạ viện Mỹ, tuyên bố sẽ thúc đẩy cơ quan này giải quyết hàng loạt vấn đề từng bị đảng Cộng hòa phớt lờ. "Chúng ta đang có một vị tổng thống không phải chịu trách nhiệm với ai. Kế hoạch của tôi sẽ bao gồm cả đưa trát hầu tòa", nghị sĩ Cummings tuyên bố.
 
elijah-cummings.jpg
Nghị sĩ Elijah Cummings sẽ quyết tâm điều tra đến cùng các vấn đề liên quan đến Tổng thống Donald Trump
Ông Cummings muốn điều tra thuế của Tổng thống Trump để đánh giá liệu có dấu hiệu vi phạm điều khoản hiến pháp, trong đó cấm quan chức liên bang nhận quà từ nước ngoài mà không được quốc hội phê chuẩn hay không. Phe Dân chủ cũng có thể buộc Tổng thống Trump phải thu hẹp lại các tham vọng lập pháp, chẳng hạn như lời hứa xây tường biên giới với Mexico, việc thông qua gói cắt giảm thuế thứ hai hay việc thực hiện các chính sách cứng rắn về thương mại.
 
Khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát hạ viện, ông Trump cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ bị luận tội nếu có đủ bằng chứng cho thấy chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông thông đồng với Nga. Tuy nhiên, Quốc hội không thể phế truất Trump nếu 2/3 thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát không đồng tình. Đảng Cộng hòa hiện tiếp tục kiểm soát Thượng viện, có nghĩa rằng nước Mỹ sẽ chứng kiến cảnh Quốc hội lưỡng viện chia rẽ ít nhất cho đến năm 2020.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm