Ba nhóm vấn đề lớn trên bàn nghị trường Quốc hội kỳ họp thứ 8

21/10/2019 - 10:15
Phát biểu khai mạc sáng 21/10 kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ có 3 nhóm vấn đề lớn được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp này. Cũng theo bà, đây là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội do Quốc hội giao.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đối với trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đặc biệt tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta.

Toàn cảnh nghị trường Quốc hội vào sáng khai mạc 21/10 

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

“Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong bối cảnh trên, kỳ họp lần này sẽ có ba nhóm vấn đề chủ chốt:

Thứ nhất, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; đồng thời, xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 04 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 09 dự án luật khác. Đặc biệt là việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…

Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, tạo khung pháp lý quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu nhân dân giữa các tỉnh biên giới; đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri;

Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019…

Trước đó, vào đầu giờ sáng, theo thông lệ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các vị đại biểu Quốc hội tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước kỳ họp. Ảnh: H.Hà 

Theo dự kiến chương trình, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 27/11. Là kỳ họp cuối năm, kỳ họp này Quốc hội tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, cùng với đó là công tác giám sát tối cáo, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật khoảng 17 ngày, chiếm 60% tổng thời gian kì họp. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 03 ngày, tăng 0,5 ngày so với Kỳ họp thứ 7. Thời gian dành cho hoạt động giám sát chuyên đề, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác khoảng 08 ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm