Bắc Kạn: Đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số

Trường Sa
06/05/2025 - 22:31
Bắc Kạn: Đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số

Hội LHPN xã Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông) phối hợp tổ chức đào tạo nghề về nuôi gà cho hội viên phụ nữ

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài được đẩy mạnh.

Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 150 hội nghị tư vấn, tuyên truyền cho 6.000 người lao động là người dân tộc thiểu số về chính sách và hoạt động đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho 399 người lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, giúp người lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Các địa phương huyện, thành phố, đã tổ chức hơn 350 lớp đào tạo nghề cho hơn 12.000 học viên. Công tác đào tạo nghề (sơ cấp và dưới 3 tháng) tập trung vào các nghề là thế mạnh của địa phương như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm (gà thả đồi, vỗ béo bò, nuôi trâu sinh sản, nuôi dê, lợn, nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm); trồng các loại rau, củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả (cam, quýt, hồng không hạt, mơ, dong riềng, bí xanh thơm, rau bồ khai, chuối,...); trồng chè và sản phẩm chế biến từ cây chè; trồng cây dược liệu và sản phẩm từ cây dược liệu (nghệ, gừng, cà gai leo, mướp đắng, giảo cổ lam, sả, trà hoa vàng, gừng đá...). 

Người lao động sau khi được đào tạo nghề đã chủ động mở rộng quy mô sản xuất, tăng tổng đàn chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản tăng thu nhập và ổn định kinh tế gia đình; các mô hình, hợp tác xã làm kinh tế phát triển bền vững hơn với những sản phẩm nông sản được công nhận đạt chuẩn VietGap, sản phẩm OCOP.

Bắc Kạn: Đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Đào tạo nghề sửa chữa ô tô

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án còn gặp một số khó khăn như: Số lao động sau khi được đào tạo tìm được việc làm và đi làm việc ở nước ngoài chưa cao; số lượng ngành, nghề tổ chức đào tạo cho người lao động tại các địa phương chưa nhiều; chưa chú trọng đào tạo các nhóm nghề chất lượng cao để giúp người lao động có cơ hội tìm việc làm tại các doanh nghiệp sản xuất trong nước và có khả năng tham gia vào thị trường làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, đơn vị đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu đào tạo đến việc tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thống kê tỉnh Bắc Kạn, tính đến thời điểm tháng 2/2025, dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn toàn tỉnh là 262.135 người (khu vực thành thị 57.943 người, khu vực nông thôn 204.192 người); số người có việc làm là 209.029 người (thành thị 41.367 người, nông thôn 167.662 người); số lao động chưa qua đào tạo 91.355 người; số người thất nghiệp 990 người; số người không tham gia hoạt động kinh tế 52.434 người.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường tổ chức tư vấn về chính sách việc làm, nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu tuyển dụng cho người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng việc làm; hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số.

Chú trọng tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại, cập nhật, nâng cao kiến thức kỹ năng; đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho người lao động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; đào tạo nhằm chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động; đào tạo để đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài; đào tạo nghề nghiệp tại doanh nghiệp; đào tạo nhằm phát triển các lợi thế đặc thù từng địa phương (theo tiêu chuẩn OCOP) như phát triển thị trường dược liệu quý, du lịch cộng đồng, nông sản chất lượng cao.

Đồng thời tăng cường gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; hợp tác đào tạo, thực tập nâng cao tay nghề trực tiếp tại xưởng, cơ sở sản xuất; hợp tác tuyển dụng lao động sau khi học sinh, sinh viên hoàn thành khóa học; doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp đào tạo và sử dụng lao động. Thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp giúp giáo viên và học sinh được tiếp cận, trực tiếp tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp, bổ sung nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên trong và sau khi hoàn thành khóa học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm