Bắc Ninh: HTX bán đất cho dân, 30 năm sau xã ‘vu’ cho dân lấn chiếm?

03/07/2019 - 13:31
Mua đất của Hợp tác xã giáp với hành lang bảo vệ đê, quá trình sinh sống, vì lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, người dân đã bị xử phạt. Nhưng điều kỳ lạ là, chính quyền hiện tại lại cho rằng, đất của người dân mua “phải nằm gần trọn” trong hành lang bảo vệ đê, còn phần nằm ngoài là lấn chiếm đất công.

Theo khiếu nại của vợ chồng ông Ngô Văn Sâm, bà Trần Thị Hòa, ở thôn Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, ông Sâm là chủ sử dụng diện tích gần 290m2 đất ở tại thửa 81, tờ bản đồ số 23, thôn Như Nguyệt. Nguồn gốc diện tích đất trên do bố ông Sâm là ông Ngô Văn Hà nhận chuyển nhượng của Hợp tác xã 10m chiều rộng bám theo đường hành lang bảo vệ đê Hữu Cầu (thuộc diện đê cấp II) từ tháng 6/1991, chiều dài 24m.

77.jpg
Cổng vào nhà ông Sâm hiện nay chỉ cách chân đê khoảng 5m, đã từng bị Hạt quản lý đê điều lập biên bản vì vi phạm hành lang bảo vệ đê

Năm 2008, bố ông Sâm tặng cho ông phần diện tích đất nói trên. Từ đó đến nay ông đã thực hiện tôn tạo đất, xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc trên đất.

Ông Sâm cho biết, ngày đó bố ông cùng một số người khác mua đất ngoài đê của hợp tác xã (HTX), sau khi nộp đủ tiền, bố ông đã được cán bộ của HTX dẫn ra mảnh đất và giao đất trên thực địa. Ranh giới mảnh đất nhà ông lúc được bàn giao cách xa hàng chục mét tính từ chân đê.

Thửa đất của gia đình ông có chiều ngang 10m, chiều dài 24m, quá trình ở đây, gia đình ông đã tôn tạo thêm một số diện tích khác là đầm lầy, ao hồ từ trước năm 2001, nên diện tích hiện nay lớn hơn so với thửa đất mua của HTX năm 1991.

Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 2, Nghị định số 429/HĐBT ngày 15/12/1990, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về đê điều về Phạm vi bảo vệ đê, thì: Phạm vi bảo vệ đê điều gồm thân đê, kè, cống và vùng phụ cận.

Vùng phụ cận quy định cụ thể như sau:

Đối với đê sông: kể từ chân đê trở ra 20m về phía sông, 25m về phía đồng.

Đê Hữu Cầu là đê sông, thuộc diện đê cấp II, khoảng cách 25m từ chân đê thuộc diện bảo vệ, cấm lấn chiếm và xây dựng các công trình trên đất. Như vậy, việc bán đất cho người dân sử dụng của HTX ngày đó không thể vi phạm pháp lệnh bảo vệ đê điều và các văn bản pháp luật liên quan, vì nếu vi phạm thì UBND xã, UBND huyện đã không chấp thuận chủ trương. Người dân có thể không biết rõ, nhưng cán bộ địa phương bắt buộc phải biết.

Vì vậy, theo quy định nêu trên của Nghị định số 429/HĐBT, mốc giới thửa đất mà bố ông Sâm mua phải cách chân đê tối thiểu 25m về phía cánh đồng.

Quá trình sinh sống ở mảnh đất này, ngoài việc tôn tạo đầm lầy, ao hồ về phía cánh đồng, gia đình ông Sâm có xây dựng các công trình kiến trúc và lấn ra phía chân đê (phạm vi 25m tính từ chân đê) và đã bị Hạt quản lý đê điều đến lập biên bản, xác định phần diện tích lấn chiếm là 25m dài (tổng diện tích là 250m2). Năm 2014, Chủ tịch UBND xã Tam Giang đã thực hiện cưỡng chế 40m2 đất (tương đương 04m về phía đồng).

22.jpg
Một phần diện tích mà gia đình ông Sâm đã san lấp, tôn tạo về phía cánh đồng trước năm 2001 và phía bên có các đường ống kia là khu đất đấu giá mới

Nay thực tế, phần diện tích gia đình ông Sâm đang quản lý sử dụng, đã xây dựng tường bao kiên cố khoảng 500m2 bao gồm 210m2 hành lang bảo vệ an toàn đê chưa bị cưỡng chế (phía Bắc thửa đất) và phần còn lại là diện tích đất ở (phía Nam thửa đất). 

Như vậy có nghĩa là, diện tích đất của nhà ông Sâm hiện nay nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ đê 25m còn khoảng 290m2, trong đó gồm 240m2 mua của HTX năm 1991 và phần còn lại là gia đình tôn tạo, lấn chiếm về phía cánh đồng trong quá trình sử dụng.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là hiện nay, UBND xã Tam Giang cho rằng diện tích đất trước đây bố ông Sâm mua có ranh giới chỉ cách chân đê Hữu Cầu 5m – điều này đồng nghĩa với việc HTX trước đây đã bán cho bố ông Sâm 20m chiều sâu “ăn” vào hành lang bảo vệ đê.

33.jpg
Khu vực đất này mới là đất nằm ngoài hành lang bảo vệ đê có khoảng cách 25m tính từ chân đê, nhưng lại đang bị chính quyền địa phương nói rằng gia đình ông Sâm lấn chiếm

Được biết, năm 1991 khi HTX bán đất ngoài đê cho bố ông Sâm và một số hộ dân khác là để lấy tiền xây dựng một số công trình của địa phương và chủ trương này được chính quyền địa phương ngày đó chấp thuận. Vì vậy, việc chính quyền địa phương hiện nay nói ranh giới thửa đất của gia đình ông Sâm và các hộ khác mua vào năm 1991 chỉ cách chân đê 5m là vô lý, vì nó vi phạm Pháp lệnh bảo vệ đê điều.

Còn đối với hộ gia đình ông Sâm, ông nói rằng UBND xã làm thế nào cũng được, miễn là cắm mốc giới và trả đủ diện tích 240m2 mà bố ông đã mua của HTX năm 1991 và khoảng 50m2 gia đình ông đã san lấp đầm, ao và tôn tạo trước năm 2001. Tuy nhiên, chính quyền địa phương nói ranh giới thửa đất của gia đình ông cách chân đê 5m, nhưng lại không chịu xác nhận mốc giới đó cho ông để ông làm hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ.

Và kỳ cục hơn, trong lúc chưa xác định rõ mốc giới thửa đất cho người dân thì lãnh đạo UBND xã Tam Giang đã chỉ đạo các bộ phận chức năng đến đo đạc và lập biên bản cho rằng gia đình ông Sâm đã lấn chiếm đất công và ra quyết định buộc ông Sâm phải trả lại nguyên trạng.

Nếu làm đúng với yêu cầu của Chủ tịch UBND xã Tam Giang trong quyết định cưỡng chế, thửa đất của gia đình ông Sâm mua năm 1991 sẽ không còn và thay vào đó, số đất còn lại nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ đê. Nhưng đáng tiếc, UBND xã không thể xác nhận phần đất này cho gia đình ông Sâm để làm hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ.

Được biết, hiện gia đình ông Sâm đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền xã Tam Giang, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của gia đình ông và các cơ quan này cũng đang thụ lý giải quyết. Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm