Bắc Ninh: Nhiều bất cập trong thực hiện Luật An toàn thực phẩm

16/08/2019 - 20:51
“Có những văn bản, chính sách nhà nước hỗ trợ nông dân về sản xuất, chế biến thực phẩm sạch nhưng người dân chưa nắm được hoặc không hiểu để vận dụng. Vì vậy, Bắc Ninh cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân vận dụng chính sách ưu đãi của nhà nước”, ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm đề nghị.

Nằm trong hoạt động giám sát thực hiện Luật An toàn thực phẩm của Hội LHPN Việt Nam, chiều ngày 16/8, Đoàn Giám sát đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết, hiện Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung, 29 cụm công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6.556 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, cung cấp khoảng 250.000 suất ăn/ngày.

Ông Phong cũng cho biết, Bắc Ninh xác định đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Ví như, thành lập Ban quản lý ATTP tỉnh; kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phân công, phân cấp rõ ràng giữa Ban Quản lý ATTP với các ngành, UBND các cấp; Triển khai đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”; Công tác thông tin truyền thông về ATTP được đẩy mạnh, từ đó giúp người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thay đổi hành vi.

 

_mg_0739.JPG
Toàn cảnh Hội nghị chiều ngày 16/8

Dù vậy, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện Luật cũng còn nhiều hạn chế. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình; trình độ canh tác, công nghệ chế biến lạc hậu; việc đầu tư trang thiết bị còn hạn chế, khó kiểm soát; việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các quy định hiện hành trong công tác quản lý ATTP còn chưa có sự thống nhất giữa các Bộ, ngành; Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP còn thiếu về số lượng, đặc biệt tại tuyến huyện, xã; thẩm quyền xử lý, xử phạt của Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh không được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thành viên Đoàn giám sát cho rằng, hiện Bắc Ninh có 3 phòng xét nghiệm thực phẩm là không cần thiết. Vì vậy, tỉnh cần dồn các phòng xét nghiệm lại bởi để các nhiều càng tốn kém, trong khi năng lực sử dụng quá thấp.  Hơn nữa, qua giám sát, Đoàn thấy chính quyền chỉ hỗ trợ đầu vào, còn đầu ra thì dân tự lo.

Để hỗ trợ nông dân, ông Giang đề xuất Bắc Ninh cần chia thị trường làm 2 nhánh. Một nhánh thực phẩm mua bán tự do như hiện nay, một nhánh cần mua bán có sự kiểm soát. Ví như, tại các bếp ăn lớn, tỉnh có văn bản yêu cầu đơn vị phải mua thực phẩm sạch, có nguồn gốc thì họ sẽ lấy hàng ở những cơ sở đảm bảo. Các cơ sở sản xuất cũng phải đảm bảo chất lượng để giữ thương hiệu, từ đó đầu ra sẽ đảm bảo.

 

_mg_0752.JPG
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

 

Ông Giang cũng cho rằng, có những văn bản nhà nước đã ban hành để hỗ trợ người sản xuất thực phẩm sạch, nhưng người dân chưa nắm hết được hoặc không hiểu để vận dụng. Vì vậy, tỉnh Bắc Ninh cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân vận dụng chính sách ưu đãi của nhà nước.

Đại diện Bộ NN&PTNT tham gia Đoàn giám sát cho rằng, hàng năm Bộ đều có đánh giá, xếp hạng về Nông nghiệp nông thôn. Khoảng 2 năm gần đây, Bắc Ninh không được đánh giá cao và do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, qua đi thực tế tại địa phương cho thấy tỉnh có một số chính sách tương đối tốt với nông nghiệp nhưng người dân không tiếp cận được. Hơn nữa, qua kiểm tra cho thấy, Bắc Ninh hiện mới có 3 sản phẩm liên kết chuỗi. Trong khi cả nước, có 1.331 chuỗi. Như thế, tỷ lệ của Bắc Ninh là quá thấp so với cả nước.

 

_mg_0510.JPG
Người bán hàng chế biến sẵn ở chợ Phố Mới, huyện Tiên Du, Bắc Ninh

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá cao những kết quả mà Bắc Ninh đã đạt được trong việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Ví như Bắc Ninh đã ban hành hệ thống văn bản đầy đủ từ cấp tỉnh xuống đến xã. Bắc Ninh cũng là một trong 3 tỉnh thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các vấn đề về ATTP; Hệ thống cơ quan quản lý ATTP được phân công, phân cấp rõ ràng từ cấp tỉnh đến cơ sở; thống kê, số liệu về các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn tương đối đầy đủ, phục vụ công tác quản lý trên địa bàn; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP được triển khai quyết liệt và kịp thời; Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP từ tuyến tỉnh, huyện, xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp tuyên truyền, vận động, giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP; Hội LHPN tỉnh tích cực, chủ động trong việc tổ chức triển khải thực hiện các hoạt động thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” hay đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”,…

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cũng cho rằng, việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm của Bắc Ninh cũng còn nhiều hạn chế. Đó là khó khăn trong công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, nhà hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; sự bất cập trong quy định pháp luật. Đặc biệt, chưa có quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền xử lý, xử phạt của Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh.

 

_mg_0731.JPG
Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa, thời gian tới, Bắc Ninh cần thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực ATTP thường xuyên và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực ATTP; tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước và vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, phổ biến, giám sát về ATTP; chú trọng các mô hình sản xuất theo chuỗi an toàn thông qua thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết, các mô hình của các tổ chức chính trị - xã hội; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ATTP; nghiên cứu và có giải pháp đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ,...

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh làm 4 việc gồm: Mở rộng, tăng cường công tác tuyên tuyền về ATTP; Hội Phụ nữ đăng ký với Ban quản lý An toàn thực phẩm vận động hội viên, người sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; Hội phụ nữ tích cực xây dựng, hỗ trợ hội viên các mô hình khởi nghiệp; Hội đăng ký với Ban quản lý làm các phần việc, giám sát về ATTP.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm