pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ cảnh báo 8 món ăn có thể gây ngộ độc nếu để qua đêm
Canh để qua đêm gây ngộ độc thực phẩm, ngay cả khi đóng kín nắp để trong tủ lạnh (Ảnh minh họa)
Mỗi dịp Tết đến, gia đình nào cũng mua sắm đa dạng các loại thực phẩm, nấu nướng “mâm cao cỗ đầy”. Cũng chính vì vậy mà việc lãng phí thức ăn, ngộ độc thực phẩm, xử lý thức ăn thừa cũng khiến không ít người phải đau đầu.
Tết là dịp chúng ta cần nâng cao cảnh giác với ngộ độc thực phẩm (Ảnh minh họa)
Theo TS.BS. Hoàng Minh Đức (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), không phải thực phẩm nào sau khi nấu chín đều có thể để qua đêm. Không chỉ bị thay đổi hương vị, mất chất dinh dưỡng mà còn có thể bị vi khuẩn phát triển, lên men, chuyển hóa thành các chất không tốt cho cơ thể. Từ đó gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.
Vì vậy, ông nhắc nhở có 8 món sau đây nếu ăn không hết thì tốt nhất nên bỏ đi, chớ tiếc rẻ để qua đêm mà rước hại vào thân:
1. Rau xanh
Các loại rau xanh phổ biến vào dịp Tết gồm có súp lơ, rau cần, nhóm rau họ cải… Chúng khiến mâm cơm ngày Tết đa dạng hơn, bớt ngán và tiêu hóa khỏe hơn. Tuy nhiên, nếu ăn không hết mà để qua đêm thì những món từ rau xanh này sẽ trở thành “thuốc độc” cho cơ thể.
Bác sĩ Đức giải thích, đó là vì rau xanh thường có hàm lượng nitrat rất cao. Nếu ăn thừa để thừa qua đêm, chúng sẽ sản sinh ra nitrit, là 1 chất đã được WHO công nhận là có khả năng gây ung thư.
Chưa kể, các vitamin và chất Folate trong rau xanh đậm cũng rất nhạy cảm với nhiệt. Khi bị chế biến với nhiệt lần thứ 2, các chất này sẽ bị phá hủy và tạo thành chất độc cho cơ thể. Nên tốt nhất chỉ ăn rau xanh trong vòng 4 giờ sau khi chế biến và tuyệt đối không giữ lại để qua đêm dù là bọc kín bảo quản trong tủ lạnh.
2. Nấm
Nấm cũng là thực phẩm tốt cho sức khỏe và là nguyên liệu không thể thiếu khi nấu ăn ngày Tết. Theo bác sĩ Đức, nấm nấu chín chứa nitrat tốt cho các tế bào máu đỏ, nhưng sau một đêm, nitrat sẽ thay đổi thành nitrit không tốt cho cơ thể. Khi để qua đêm sẽ sản sinh ra nitrat gây hại cho dạ dày.
Bên cạnh đó, nấm còn có hemoglobin dễ phân hủy thành methemoglobin mất đi chức năng cung cấp oxy trong cơ thể, sẽ gây cảm giác buồn nôn, khó thở và chóng mặt.
3. Đậu phụ
Đậu phụ có rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein thực vật. Tuy nhiên, khi để qua đêm, ngoài protein bị hao hụt thì còn tạo môi trường phát triển cho vi sinh vật.
Đặc biệt, có 1 loại vi khuẩn rất thích đậu phụ là Clostridium botulinum - vi khuẩn có khả năng sinh ra độc tố xyanua. Do đó, chúng ta không nên ăn đậu phụ để qua đêm để tránh bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
4. Trứng
Protein trong trứng luộc khá nhiều nhưng nó cũng là “con dao 2 lưỡi” với sức khỏe. Khi để trong thời gian dài, nhất là để qua đêm thì các chất dinh dưỡng trong trứng lại trở thành môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn.
Chưa kể, trứng rất dễ nhiễm khuẩn Salmonella, E.coli. Trong khi nhiều kiểu chế biến không đủ điều kiện để giết chết các loại vi khuẩn này, nhất là nếu bạn đem chế biến trứng ở dạng lòng đào, chưa chín hẳn.
Ăn trứng luộc để qua đêm có thể dẫn đến tình trạng đầy bụng, tiêu chảy, thậm chí rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng.
5. Cá và hải sản
Giống trứng luộc và đậu phụ, cá và hải sản rất giàu protein. Vì vậy, bác sĩ Đức nhấn mạnh tuyệt đối không nên để qua đêm, để tránh cho vi khuẩn và vi sinh vật phát triển.
Đặc biệt, ít người biết rằng cá và hải sản để lâu, để qua đêm sẽ sinh ra một lượng lớn chất đạm phân hủy, có hại rất lớn cho sức khỏe gan và thận. Chất độc sẽ càng nghiêm trọng do biến chất khi chúng ta tiếp tục hâm nóng lại ở nhiệt độ cao,
Nếu để lâu trong tủ lạnh quá 3 ngày, các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn vì có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc làm ảnh hưởng xấu tới các tế bào, góp phần dẫn tới ung thư.
6. Salad hoặc các món nộm
Ngày nay, rất nhiều người thích ăn salad, nộm vào dịp Tết để bớt ngán sau khi ăn các món thịt cá quá nhiều, nó cũng giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ nên mua hoặc làm vừa đủ lượng ăn một lần, tránh để salad hoặc nộm qua đêm kẻo sẽ tự rước bệnh vào người.
Rất nhiều món ăn khi để qua đêm không chỉ giảm hương vị mà còn có thể gây ngộ độc (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Đức cho biết: “Salad và các món nộm gỏi có giấm chua sẽ dễ thành nấm mốc, vi sinh vật trong rau dễ phát triển. Từ đó có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, rối loạn về men gây ra tình trạng ngộ độc nếu ăn sau khi để qua đêm”.
7. Trà xanh
Thưởng trà ngày Tết là một thú vui tao nhã. Trà cũng là một loại thức uống quen thuộc để tiếp khách hoặc giúp “nhẹ bụng” hơn khi ăn uống quá nhiều thịt cá dịp lễ,Tết. Trà xanh từ lâu còn nổi tiếng với nhiều công dụng cho sức khỏe như tốt tim mạch, não bộ, chống ung thư… Nhưng nếu để qua đêm thì nó sẽ phản tác dụng, gây ngộ độc và nguy hại cho sức khỏe của bạn cũng như người thân.
Nước trà xanh để qua đêm sẽ bị xỉn màu, vị trà bị biến đổi. Bác sĩ Đức nhấn mạnh, các thành phần vitamin B, C trong nước trà xanh sẽ bị phân hủy, còn sản sinh nhiều vi khuẩn, nấm độc hại. Do vậy rất nguy hại cho sức khoẻ nếu bạn uống trà xanh thừa của ngày hôm trước, dù bạn có đậy kín nắp.
8. Các món canh
Canh là món không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết. Tuy nhiên, đây cũng là món ăn dễ bị thừa lại nhiều nhất và hay bị để qua đêm.
Bác sĩ Đức cho biết, đa số mọi người chỉ cho rằng canh để qua đêm giảm dinh dưỡng và hương vị mà không biết rằng nó còn gây hại cho sức khỏe. Nhất là với những món canh nhiều dầu mỡ, chứa nhiều protein hoặc nêm nếm nhiều loại gia vị cùng lúc.
Khi để qua đêm, những chất này gây ra phản ứng hóa học, biến chất khiến cơ thể bị ngộ độc. Ngoài ra, canh để lâu trong nồi nhôm, hoặc nồi sắt còn có thể kết tủa tạo thành các chất có hại cho cơ thể. Nếu ăn thường xuyên trong thời gian dài còn gây hại cho xương, tuần hoàn máu, gan và thận, thậm chí còn có thể tăng nguy cơ gây ung thư.
Biểu hiện và cách xử lý khi ngộ độc thực phẩm
Theo TS.BS. Hoàng Minh Đức, các món ăn để qua đêm có thể gây ngộ độc bởi 3 nguyên nhân chính. Một là nấm mốc hoặc lên men, hai là vi khuẩn hoặc virus, ba là do biến chất, sản sinh ra chất độc. Khi đi vào cơ thể người, chúng sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, nôn, đi ngoài, "miệng nôn trôn tháo", đau quặn bụng...
Trong những trường hợp ngộ độc nặng, chất độc rất dễ vào máu. Qua đường máu, nó được vận chuyển đến tim có thể kích thích vào cơ tim, làm tim đập nhanh, gây trụy mạch, khiến mạch máu giãn nở ra nhiều, làm vã mồ hôi, mệt mỏi, mất nước. Cuối cùng, chất độc lên tới não bộ sẽ kích thích 2 hệ thần kinh chính là hệ cơ gây run cơ, mỏi cơ... kích thích các hệ thống cơ khác như cơ đường ruột (nôn), cơ đường hô hấp (khó thở, thở nhanh, thở nông) và hệ hạch thần kinh xung quanh.
Về cách xử lý khi bị ngộ độc, bác sĩ Đức nhắc nhở rằng với ngộ độc nhẹ thì quan trọng nhất đó là nghỉ ngơi, uống thật nhiều nước để bù lại lượng nước bị mất cho cơ thể. Có thể là nước gạo rang hoặc mua Oresol ngoài hiệu thuốc.
Trong trường hợp ngộ độc nặng hơn, tức đi ngoài phân lỏng nhiều lần, mất nước nặng, các triệu chứng thần kinh khác thì tốt nhất hãy nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất.