Bác sĩ lý giải vì sao truyền dịch để bồi bổ có thể gây tử vong

18/10/2018 - 19:23
2 ngày gần đây có 2 trẻ, một bé 22 tháng tuổi tại Hà Nội, một bé gái 6 tuổi tại Hải Phòng tử vong sau truyền dịch. Các chuyên gia y tế cảnh báo, không phải cứ ốm là truyền dịch và không phải ai cũng có thể truyền dịch.

Cụ thể, ngày 17/10, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Việt Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân (TP Hải Phòng), cho biết, một bé gái 6 tuổi vừa tử vong tại bệnh viện trong quá trình cấp cứu. Trước đó, khoảng 4h50 sáng 16/10, kíp trực cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận cháu Nguyễn Ngọc H. (ở Hải Phòng).

Bác sĩ trực của bệnh viện chỉ định cho H. thở oxy, truyền nước điện giải... Sau khoảng 40 phút truyền dịch, cháu H. có biểu hiện co giật nên êkip trực đã tiến hành các biện pháp chống sốc, đồng thời gọi cấp cứu 115 để phối hợp cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.

anh-truyen-dich1.jpg
Không phải cứ truyền dịch là tốt cho sức khỏe

 

Ngày 16/10, cháu N.G.B (22 tháng tuổi, ở thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã tử vong sau khi truyền dịch điều trị tiêu chảy tại phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Kim C. (địa chỉ tại 392 Ngô Gia Tự, Q.Long Biên, Hà Nội).

Thực tế, hiện có không ít người dù chỉ hơi mệt mỏi cũng đi truyền dịch, vì nghĩ dịch truyền bổ. Theo nhiều chuyên gia y tế, đây là thói quen sai lầm, vì không phải trường hợp nào cũng truyền được, thậm chí truyền vô tội vạ còn dễ dẫn đến tử vong.

anh-truyen-dich.jpg
Bé 22 tháng tuổi tại Hà Nội vừa tử vong sau truyền dịch

 

Không phải cứ truyền dịch là tốt cho sức khỏe

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết, tốt nhất để bổ sung dinh dưỡng thiếu hụt là qua đường ăn uống. Chỉ khi nào ăn uống không thể hấp thụ được hoặc ăn uống không đủ nhu cầu thì mới nên dùng biện pháp “cưỡng bức” để đưa chất bổ vào cơ thể. Truyền dịch là biện pháp cưỡng bức ấy và tuy theo cơ thể thiếu chất gì thì sẽ truyền chất đó vào.

Nhiều người dân quan niệm dịch truyền là bổ là hiểu sai. Bổ ở đây phải hiểu là bổ sung cái thiếu. Đông y quan niệm, âm dương phải cân bằng nhau. Bên nào khuyết thì bổ sung thêm thì gọi là bổ. Còn nếu đã cân bằng mà bổ sung thêm thì sẽ thừa, mất cân bằng. 

“Bất cứ cái gì trái tự nhiên gây mất cân bằng đều không tốt cho cơ thể. Các chất dịch cũng vậy, nếu cơ thể thiếu dịch mà bù bằng đường uống không đủ thì bù đường truyền sẽ rất tốt. Tuy nhiên, nếu cơ thể đủ rồi mà bù sẽ gây thừa, khi thừa sẽ gây các rối loạn, thậm chí phù phổi cấp, gây suy tim, dễ tử vong”, bác sĩ Cấp cho biết thêm.

Trao đổi về trường hợp cháu bé 22 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong sau truyền dịch, bác sĩ Cấp cho rằng, với 1 cháu bé 3-4kg, ví dụ cần 1 lượng dịch trong cơ thể khoảng 2 lít. Nếu cơ thể thiếu mà bổ sung sẽ tốt. Còn nếu cơ thể cháu đó đã có 2 lít dịch mà bổ sung thì sẽ thừa và rất nguy hiểm.

Tự ý truyền dịch dễ gây tử vong

Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), việc truyền dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí là sốc phản vệ. Vì thế, nếu bệnh nhân sốt, tiêu chảy có thể bù nước, dịch… bằng đường uống thì nên bù bằng đường uống, chứ không nên lạm dụng truyền dịch.

Thực tế, vì những rủi ro có nguy cơ gặp phải khi truyền dịch nên bác sĩ chỉ ra chỉ định truyền trong trường hợp người bệnh không thể bù nước, đạm, dinh dưỡng bằng đường ăn uống. Như bệnh nhân sốt quá cao, nôn trớ nhiều, mệt mỏi không thể ăn, uống…

Việc tự ý truyền dịch khi thấy sốt cao, mệt mỏi là rất nguy hiểm, bởi nguy cơ sốc là có thể xảy ra. Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh nên nếu truyền dịch dễ bị sốc. Vì thế, việc tính toán tốc độ truyền, dịch truyền là do bác sĩ chỉ định trên từng bệnh nhân, chứ không nên tùy tiện muốn là truyền sẽ rất nguy hiểm.

anh-truyen-dich2.jpg
Cần truyền dịch tại cơ sở y tế có đủ năng lực, khả năng theo dõi và xử lý các vấn đề về truyền dịch. Ảnh minh họa

 

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, truyền dịch là truyền dung dịch có chất hòa tan như đường, chất đạm, chất béo, một số dung dịch chứa chất điện giải như natri clorua, kali clorua, bicabonat... vào cơ thể. Bất cứ người bệnh nào khi truyền dịch đều có thể bị tai biến và biến chứng như phù tại chỗ, gây viêm tĩnh mạch, không tuân thủ vô trùng thì sẽ gây nhiễm trùng.

Đặc biệt khi truyền dịch nhanh, đối với người bệnh bị tăng huyết áp, suy tim và người lớn tuổi thì có thể bị phù phổi cấp, có thể gây tử vong. Bất cứ người bệnh nào cũng đều có thể bị sốc và với bất kỳ loại dịch truyền gì. Do đó, người bệnh cần cân nhắc khi truyền dịch, nếu truyền thì cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và tốt nhất là tại cơ sở y tế uy tín.

Tuy nhiên, thực tế trường hợp ở Hải Phòng tử vong sau truyền dịch tại bệnh viện quận. Bác sĩ Cấp cho rằng, trong dịch truyền có một số chất, nếu trường hợp được truyền phản vệ với chất đó, có thể gây sốc phản vệ, không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

“Nói đơn giản như con tôm, con nhộng rất bổ dưỡng và ngon nhưng người này ăn được, người khác có cơ địa dị ứng, ăn vào có thể bị dị ứng nặng và tử vong”, bác sĩ Cấp nói.

Tất cả trường hợp không có chỉ định truyền dịch mà truyền là sai lầm và có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì thế để an toàn khi truyền dịch, cần truyền tại cơ sở y tế có đủ năng lực, khả năng theo dõi và xử lý các vấn đề về truyền dịch, đặc biệt là vấn đề cấp cứu hồi sức sốc phản vệ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm