Bác sĩ nói hết hy vọng, bé gái có tim ngoài lồng ngực vẫn sống

13/12/2017 - 14:31
Thách thức tỉ lệ sống 8/1.000.000, cô bé Vanellope Hope sinh ra với trái tim bên ngoài lồng ngực tại Anh đã sống sót một cách kỳ diệu và chứng minh các bác sĩ đã sai khi chẩn đoán cơ hội sống của bé xấp xỉ 0%.

Khi Vanellope mới lớn bằng kích thước của một quả nho trong bụng mẹ, vào tuần thai thứ 9, các bác sĩ đã chẩn đoán bé mắc tình trạng hiếm gặp Ectopia Cordis (hội chứng khiến một phần hoặc toàn bộ trái tim nằm bên ngoài cơ thể) và cơ hội sống gần như bằng 0. Bên cạnh đó, các bác sĩ còn cảnh báo bé có thể sẽ gặp bất thường về nhiễm sắc thể, thậm chí không thể sống sót đến khi được sinh ra.

Nhớ lại khoảnh khắc hay tin dữ, chị Naomi Findlay, 31 tuổi, mẹ của Vanellope kể: “Tôi đã bật khóc. Tình trạng xuất hiện với rất nhiều vấn đề. Các bác sĩ cho biết bé khó có thể vượt qua và lựa chọn duy nhất là phá thai. Nhưng tôi đã nói rằng phá thai không phải là lựa chọn của tôi. Nếu cái chết có thể diễn ra tự nhiên, vậy thì hãy làm như vậy”.

Hình ảnh chụp siêu âm cho thấy trái tim Vanellope nằm ngoài lồng ngực.

Nhưng hy vọng chợt lóe lên khi gia đình Vanellope gặp bác sĩ Frances Bu'Lock, chuyên gia tại khoa tim nhi, Bệnh viện Glenfield, Leicester, Anh. Tại đây, bác sĩ Frances đã tiến hành siêu âm vào tuần thai thứ 13, 16 và phát hiện, ngoài việc trái tim của Vanellope nằm sai vị trí thì bé cơ bản phát triển bình thường.

Không chần chừ, vợ chồng chị Naomi đã tiến hành một xét nghiệm máu đặc biệt để kiểm tra các vấn đề nhiễm sắc thể.

Sau đó, các bác sĩ bắt đầu tiến hành siêu âm, chụp cắt lớp ngực, phổi, não của Vanellope và lập một kế hoạch cực kỳ phức tạp để tiến hành phẫu thuật ngay khi bé ra đời.

Bác sĩ Frances cho biết: “Chúng tôi quy tụ một nhóm gồm bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật tim và bác sĩ tim mạch để xem lại tất cả các thông tin sẵn có, thảo luận cách tốt nhất để lên kế hoạch cho việc sinh nở, phẫu thuật và chăm sóc sau phẫu thuật. Cuối cùng, chúng tôi quyết định sinh mổ là tốt nhất vì nó giảm nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ bị chấn thương trong khi sinh và cần phải che phủ cho tim của bé ngay sau khi sinh”.

Khi mang thai được 35 tuần rưỡi, vào 9 giờ sáng ngày 22/11, chị Naomi đã được đưa vào một phòng phẫu thuật tim ở Bệnh viện Glenfield với đội ngũ 50 bác sĩ, nữ hộ sinh và y tá được chia thành 4 nhóm với nhiệm vụ đỡ đẻ, giữ an toàn tính mạng cho mẹ và thực hiện các cuộc giải phẫu tim phức tạp sau đó.

Đến 9 giờ 50 phút, bé Vanellope chào đời với một trái tim đỏ trước ngực. Ngay lập tức, các y bác sĩ đã bọc ngực bé lại bằng túi nhựa vô trùng, cung cấp ống thờ và thuốc an thần giúp bé hạn chế cử động, rồi đưa bé tới phòng phẫu thuật liền kề.

Ngay sau khi ra đời, Vanellope được bảo vệ bởi lớp túi nhựa vô trùng.

Chị Naomi nhớ lại: “Tôi rất hoảng loạn. Tôi thực sự cảm thấy sợ với suy nghĩ rằng khả năng lớn là tôi sẽ không thể nhìn thấy hay nghe thấy con. Nhưng khi vừa chào đời, con đã khóc, đó là điều thực sự tuyệt vời”.

Khoảng 50 phút sau sinh, xác định Vanellope đã ổn định, các bác sĩ chuyển bé vào phòng phẫu thuật chính - nơi ê kíp phẫu thuật bắt đầu công cuộc đưa trái tim bé về đúng vị trí.

Trong 9 ngày tiếp theo, tim của Vanellope đã dần dần chìm vào trong lồng ngực.

Các bác sĩ phẫu thuật đã dùng một chất vĩnh viễn tạo ra lưới đặc biệt nối các xương sườn của Vanellope lại với nhau, tạo thành một lồng bên trong ngực của bé. Cuối cùng, họ khâu lỗ hổng trước ngực bé lại.

Hiện tại chưa có thống kê về các ca phẫu thuật tương tự đã được thực hiện tại Anh, nhưng đây được cho là một trong những ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra ở Anh.

Vợ chồng chị Naomi hạnh phúc bên con gái.

Chị Naomi chia sẻ: “Tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Đó là cách tôi đối phó với điều này. Tôi đã mang một bộ quần áo đến bệnh viện để con có thể mặc nếu không qua khỏi. Nhưng bây giờ, tôi tự tin rằng bé sẽ không mặc nó, vì vậy tôi tặng nó cho bệnh viện. Tôi thực sự không nghĩ rằng con tôi sẽ sống sót, nhưng nhân viên tại Bệnh viện Glenfield đã làm việc rất tuyệt vời. Họ đã hỗ trợ chúng tôi, giải thích mọi điều có thể xảy ra và tham gia vào kế hoạch cứu sống con tôi. Tôi không biết phải cảm ơn họ bao nhiêu cho đủ. Họ thật tuyệt vời”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm