pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bài 2: Hội LHPN Việt Nam chung tay giúp hội viên dân tộc thiểu số ở Nghệ An giảm nghèo bền vững
Đoàn công tác đã trao tặng con bò lai sinh sản cho hộ gia đình phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp này
Mong một ngày bà con bứt lên, thoát nghèo bền vững
Bà Trần Thị Thu Hà chia sẻ: "Nếu ai mới đến thăm xã Thanh Sơn lần đầu, sẽ có cảm nhận đây là vùng núi rừng khá trù phú, các mái nhà của đồng bào, đường đi lại vào tại các thôn bản có phần khang trang. Song thực tế, Thanh Sơn là xã miền núi giáp biên giới Việt - Lào, mới được thành lập từ năm 2009. Người dân của các thôn bản thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ được Nhà nước di dời đến vùng đất tái định cư, khai hoang thuộc huyện Thanh Chương nhằm thực hiện chiến lược phát triển điện lực Quốc gia, xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ lớn nhất Bắc miền Trung, được xây dựng trên dòng sông Nặm Nơn thuộc địa phận huyện Tương Dương.
Sau hơn 15 năm định cư tại xã Thanh Sơn, được Nhà nước xây nhà mới hoặc hỗ trợ chi phí di dời nhà cũ về dựng lại, cấp thêm diện tích đất trồng keo lai, nhưng cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn vô cùng khó khăn. Thậm chí, do cuộc sống quá khó khăn, nhiều gia đình vẫn muốn trở lại nơi ở cũ để sinh sống".
"Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương Hội đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Nghệ An, UBND huyện Thanh Chương mong muốn mang một nguồn lực mới đến với phụ nữ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo là hội viên của tổ chức Hội. Mong một ngày không xa, bà con bứt lên, thoát nghèo bền vững, yên tâm ổn định cuộc sống, xây dựng kinh tế gia đình và quê hương miền núi Thanh Sơn. Mô hình này có được là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Hội LHPN các cấp và chính quyền đối với các hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo của xã Thanh Sơn" - bà Trần Thị Thu Hà cho biết.
Xây dựng kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo cẩn thận, sát thực tế
Xã Thanh Sơn hiện có 16 bản, 1.249 hộ, với 5.505 nhân khẩu. Những người dân sống tại xã Thanh Sơn chủ yếu là người dân tộc Thái (chiếm 73%), dân tộc Khơ Mú (25%) và số ít là các dân tộc khác.
Chị Dặm Thị Sáu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Sơn cho biết, khi di chuyển từ bản Vẽ ra khu tái định cư ở xã Thanh Sơn, người dân đã được thụ hưởng từ một số chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Bà con có nhà, có tiền đền bù nhưng không có nhiều đất sản xuất, không ít người dân vẫn muốn đi xa làm thuê để kiếm được nhiều tiền hơn cho gia đình.
Hiểu được những khó khăn của người dân địa phương xã Thanh Sơn, để thực hiện thành công "Dự án 2 Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo", Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp cùng tỉnh Hội, huyện Hội và lãnh đạo UBND xã Thanh Sơn xây dựng kế hoạch cẩn thận, sát thực tế.
Trước khi thực hiện, lãnh đạo các thôn đã họp với người dân để lựa chọn đối tượng đủ điều kiện, có cam kết tuân thủ quy định và không bán bò trong thời gian 2 năm thực hiện mô hình. Các cán bộ Hội từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã và cán bộ thôn đi thẩm định điều kiện kinh tế, chuồng trại của 100% thành viên dự kiến tham gia. Trong quá trình thẩm định, Ủy ban nhân dân xã đã phối hợp, điều chỉnh danh sách các đối tượng chưa đủ điều kiện, để đảm bảo đúng đối tượng được hỗ trợ của chương trình giảm nghèo đợt này.
Cùng với tiêu chí lựa chọn đối tượng chặt chẽ, Trung ương Hội đã tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi để lựa chọn đơn vị cung cấp con giống, dịch vụ và các cấp Hội yêu cầu thực hiện các điều khoản bảo hành chất lượng con giống ung ứng 60 con bò lai sinh sản, với tổng trọng lượng tối thiểu 330kg/2 con của 1 thành viên.
Ngoài ra, Trung ương Hội cũng hỗ trợ thức ăn chăn nuôi bò, giống cỏ voi, khoáng đá liếm (thức ăn dinh dưỡng) phục vụ chăm sóc tốt cho đàn bò trong giai đoạn sinh trưởng và thích nghi môi trường thời tiết khí hậu của xã Thanh Sơn. Nhờ đó, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt, sức đề kháng cao, trọng lượng và chất lượng thịt được nâng cao hơn so với cách nuôi truyền thống.
Bên cạnh đó, mô hình đã bố trí cán bộ hướng dẫn kỹ thuật phối trộn, ủ thức ăn giàu dinh dưỡng; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phân, nước thải làm phân bón trồng cỏ, ngô… Những cây trồng này, khi thu hoạch lại được sử dụng làm thức ăn cho bò. Với cách làm này, vừa giúp giảm mùi hôi, thối, bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao như hiện nay.
Mô hình được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12/2024 và sau đó được Trung ương Hội bàn giao về Ủy ban nhân dân xã Thanh Sơn tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả đến năm 2025.
Tại buổi trao tặng bò, các cấp Hội đã chuẩn bị và đánh số thứ tự theo từng cặp bò, gồm 1 con bò to, và 1 con bò nhỏ hơn, hoặc 2 con bò có trọng lượng tương đương nhau, nhưng tổng cộng đều đạt từ 330kg/2con. Một số thành viên nghèo đã may mắn bốc thăm được bò cái đang mang thai, nên chỉ sau ít ngày được nhận bò, mô hình đã có thêm 2 con bê con. Chất lượng từng con bò giao cho bà con được đảm bảo, đánh số theo dõi ở tai bò, có giấy kiểm định, hồ sơ của từng con bò.
Vẫn còn khó khăn trong xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc
Chia sẻ về niềm vui chung sau khi được nhận bò về nhà, chị Dặm Thị Sáu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Sơn cho biết: "Hiện nay, xã Thanh Sơn chúng tôi vẫn còn hơn 32% số hội viên là phụ nữ nghèo làm chủ gia đình. Đây là lần đầu tiên các hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo được Trung ương Hội quan tâm, hỗ trợ, trao tặng một lúc 2 con bò và các thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, nên ai cũng phấn khởi".
Theo chị Sáu, Thanh Sơn cũng đã tuyên truyền, tập huấn nhiều, nhưng việc "thay đổi nếp nghĩ, cách làm" của bà con dân tộc miền núi nhưng "không thể ngày một, ngày hai", nên cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Các hộ gia đình có đất vườn, nhưng lại chưa biết cách trồng rau ăn, trong khi đất vườn để hoang cho cỏ mọc, chỉ dám chăn nuôi nhỏ lẻ lợn, gà. Trình độ nhận thức của người dân tộc miền núi Thanh Sơn còn hạn chế. Đa số, phụ nữ địa phương không dám nghĩ, cũng không dám làm, không dám vượt khó để tìm cơ hội thay đổi cuộc sống gia đình.
Đây cũng là điều khó khăn mà Hội LHPN xã và chính quyền địa phương chưa tìm được câu trả lời. Thông qua mô hình này, Hội LHPN xã chúng tôi sẽ hướng dẫn chị em thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò, từng bước hướng dẫn hội viên các kiến thức mới, chăm sóc gia đình, tổ chức cuộc sống được tốt hơn" - chị Dặm Thị Sáu chia sẻ.
Khó khăn vẫn còn đó, nhưng trên con đường núi rừng quanh co về các bản, từng cặp bò lông vàng óng lững thững theo chủ về nhà mới, mang theo nụ cười hạnh phúc của người dân Thanh Sơn. Hy vọng, khi có sự chung tay chăm lo của các cấp, ngành nói chung, Trung ương Hội LHPN và các cấp Hội LHPN nói riêng, một ngày không xa, các hội viên, phụ nữ miền núi Thanh Sơn sẽ tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống.