Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe do lạm dụng túi nilon, nhiều nước trên thế giới đã cấm, phạt hoặc đánh thuế cao vào các nhà bán lẻ sử dụng túi nilon. Còn theo các chuyên gia, người dân cần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Những giải pháp trên thế giới
Tại Đan Mạch, từ năm 2003, các nhà chức trách đã đưa ra một loại thuế mới đánh vào các nhà bán lẻ sử dụng túi nilon. Điều đó được cho là đã giúp hạn chế tới 66% túi nilon sử dụng trong các giao dịch mua bán tại đây.
Còn ở Ireland, từ năm 2002, người tiêu dùng phải chi thêm 0,15 euro (0,158 USD)/túi nilon nếu dùng sản phẩm này. Mức tiền tăng đến 0,22 euro (0,233 USD)/túi nilon trong năm 2007. Số tiền phí trên được chuyển vào quỹ môi trường của Ireland.
Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng áp dụng lệnh cấm hoặc tính phí đối với việc sử dụng và cung cấp túi nilon được kể đến như Anh (năm 2015), Mexico (năm 2010), Australia (năm 2008), Trung Quốc (năm 2008), Pháp (năm 2007), Bỉ (năm 2007). Tại Mỹ, từ tháng 7/2014, 20 bang và 132 thành phố trở thành đối tượng áp dụng 1 trong 2 lệnh cấm trên.
Các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm từ 60-80% lượng túi nilon được sử dụng có thể hạn chế sản sinh ra khoảng 100.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với việc giảm tới 35.000 chiếc xe hơi trên đường phố sẽ góp phần cải thiện môi trường hiện nay.
Tại Việt Nam, tháng 4/2013, Chính phủ đã ban hành quyết định 582/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.
Theo đó, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng; thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp kinh tế là trọng tâm kết hợp với giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giải pháp khoa học công nghệ. Mục tiêu gần nhất đến năm 2015 là, giảm 40% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 20% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải là túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, bên cạnh những biện pháp về tăng thuế, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức người dân trong việc hạn chế sử dụng túi nilon; khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh,…
Về phía người dân, nếu mỗi người có ý thức hạn chế tối đa việc dùng túi nilon mỗi lần đi chợ cũng đủ tạo nên sự thay đổi lớn đối với môi trường. Theo đó, các bà nội trợ chỉ cần thay đổi nhỏ như lên thực đơn trước và sắp xếp một buổi đi chợ mua thức ăn cho cả tuần, còn hằng ngày chỉ phải mua rau, trái cây, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc vừa hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon.
Người nội trợ khi đi chợ nên mang giỏ, còn người bán thay vì dùng túi nilon thì dùng lá chuối, lá sen khô bọc thức ăn. Các loại lá này được bán với giá khá rẻ ở chợ, chỉ cần mua về rửa sạch, phơi khô để dùng dần. Trường hợp không thể không dùng túi nilông thì để chung các thực phẩm cùng loại trong một túi. Hoặc nếu sử dụng túi nilông thì nên dùng nhiều lần thay vì chỉ một lần rồi vứt đi.