Bài học sau lần con 'kẹt' ở đất khách

30/07/2018 - 15:35
Hôm đó, gia đình tôi chuẩn bị ra sân bay đón con gái đi tình nguyện ở nước ngoài về. 9 giờ sáng máy bay hạ cánh thì hơn 6 giờ, tôi nhận được điện thoại của con gọi về qua facebook, nức nở: “Mẹ ơi, con bị thất lạc hộ chiếu, giờ đang bị giữ ở sân bay Hồng Kông. Con không thể lên máy bay về Việt Nam rồi”…
Tôi nghe xong, hoảng quá, gần như khuỵu xuống. Còn bố cháu thì giận dữ, giật máy điện thoại, mắng con xối xả: “Bố đã nhiều lần cảnh báo con phải giữ chặt hộ chiếu. Vậy mà con không nghe. Giờ, con chịu quả báo. Con về đây, bố sẽ không tha”.
 
Cả nhà tôi bỗng trở nên náo loạn. Còn nỗi lo sợ nào hơn khi con gái bị bơ vơ nơi đất khách, trong khi gia đình thì không thể nào bay sang với con được. Con gái tôi khi ở nhà vốn là cô gái cá tính, thích làm theo ý mình, nhưng lại có nhược điểm là nhanh nhảu đoảng, vung quăng bỏ vãi.
240_f_202137334_3lcviemcxrm3ltj2cr31b1q3ii3frfuk.jpg
Ảnh minh họa

 

Vì thế, trước khi lên đường, bố cháu đã dặn dò cẩn thận con phải biết quản lý hành lý, nhất là giấy tờ tùy thân. Anh còn mua cho con hẳn một chiếc túi nhỏ xinh màu đỏ để bỏ hộ chiếu vào đó cất giữ và đeo trước ngực. Nhưng, cháu chê màu chiếc túi không đúng sở thích, đã bóng gió sẽ không dùng.
 
Có lẽ, khi vừa luống cuống xách đồ cá nhân, vừa bận cầm hộ chiếu trên tay, cháu đã làm rơi hộ chiếu lúc nào không biết. Bố cháu giận con không biết nghe lời cũng là vì vậy.
 
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng ấy, tôi nghĩ mắng con chẳng có ích gì. Bây giờ, vợ chồng tôi cần phải bình tĩnh và trấn an cả tinh thần con gái đang ở xa. Tôi vội vàng lên mạng internet, định tìm kiếm điện thoại của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc), để gọi sang nhờ các anh chị bên đó trợ giúp con gái. Mặt khác, tôi nói con thông báo tới nhân viên an ninh của sân bay Hồng Kông để nhờ giúp con tìm lại hộ chiếu.
 
Thật may, chưa cần nhờ tới cán bộ đại sứ quán của ta thì lát sau, con gái tôi vui mừng gọi về nói nhân viên an ninh đã tìm thấy hộ chiếu của con bị thất lạc. Đúng là trong quá trình di chuyển, con đã làm rơi chiếc hộ chiếu xuống gần hàng ghế ngồi dành cho hành khách. Tuy nhiên, do chuyến bay buổi sáng đã cất cánh nên con sẽ phải chuyển sang bay chuyến tối, nghĩa là phải ngồi lại sân bay thêm khoảng hơn 7 tiếng nữa.
solo-travel-asian-woman.jpg
Ảnh minh họa

 

 
Tôi nói với con dù có phải trả tiền mua vé mới hay bồi hoàn cho hãng hàng không bao nhiêu tiền... cũng đồng ý, chỉ cần là con có thể trở về nước an toàn. Tôi cũng dặn con phải bình tĩnh, không được khóc lóc gây sự chú ý của mọi người xung quanh.
 
Con nên tranh thủ ngồi nghỉ ở sân bay, nhưng vẫn phải cảnh giác không được để cho ai động chạm, mở hành lý cá nhân của mình. Đó là bởi tôi đề phòng trường hợp có kẻ xấu biết con chỉ có một mình, lợi dụng bỏ trộm vào hành lý của con đồ cấm thì con sẽ tình ngay lý gian mà phải chịu tội oan.
 
Cả ngày hôm đó, cả nhà tôi lo lắng, hồi hộp đếm từng giờ, từng phút được đón con ở sân bay. Nhưng, thật lạ, dù máy bay đã hạ cánh, nhiều người trong chuyến bay muộn từ Hồng Kông về Việt Nam đã ra khỏi sân bay nhưng chúng tôi vẫn không thấy con đâu.
 
Tôi gọi điện cho con theo số điện thoại di động ở Việt Nam nhưng chỉ có chuông mà con không nghe. Tôi biết, vậy là con đã về tới Việt Nam an toàn. Có lẽ con sợ bị bố mắng nên ngại ngần chưa muốn ra. Tôi đành nhắn tin nói con yên tâm, bố đã bình tĩnh trở lại, bố mẹ sẽ không trách con. Chúng tôi chỉ cần được đón con trở về nhà.
 
Lát sau, tôi thấy con mới chậm chậm kéo va li ra, vừa đi vừa khóc nức nở. Tôi biết con đã đủ sợ hãi, lo lắng rồi nên vội ôm con vào lòng. Tôi ra hiệu để bố cháu không được giận dữ, quát con. Mọi việc sẽ từ từ giải quyết.
 
Ngày hôm sau, sau khi con đã ngủ một giấc thật dài, tôi và bố cháu mới vào phòng thăm con. Bố cháu chỉ nói nhẹ nhàng là lần sau, con hãy cẩn thận hơn. Đây là trải nghiệm xương máu của con chỉ vì chê một cái túi xấu và thiếu cẩn thận, không nghe nhắc nhở của bố mẹ mà suýt nữa mắc kẹt ở xứ người.
 
Thêm nữa, dù bố mẹ có trót giận thì con cũng không được phép bỏ đi, hay chần chừ trở về nhà bởi không đâu an toàn, yêu thương con như gia đình. Con gái tôi im lặng, không nói gì. Tôi biết, trong lòng con đã thấm thía lắm rồi.
 
Ra khỏi phòng con gái, tôi nói với chồng: “Đây cũng là bài học cho anh. Lần sau, anh đừng giận dữ, quát mắng khi con đang hoảng hốt, sợ hãi. Dù thế nào bố mẹ cũng phải bình tĩnh thì mới giúp con tìm ra cách giải quyết”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm