pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Bài toán khó" với các đơn vị tự chủ trong thực hiện chế độ tiền lương mới - Bài 2: Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn
Bệnh viện Da liễu Nghệ An, một đơn vị tự chủ đang gặp muôn vàn khó khăn
Lương chưa tăng đã nợ
Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Yên Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là một trong những đơn vị bệnh viện được giao quyền tự chủ nhóm 2 "Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên".
Ông Luyện Văn Trịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Thành, cho biết: Đơn vị hiện có 248 cán bộ, nhân viên, gồm cả hợp đồng và biên chế. Theo ông Trịnh, bệnh viện phải cố gắng cân đối thu-chi, dù vậy vẫn có giai đoạn "suýt nợ lương". Nguồn thu phụ thuộc vào viện phí nhưng hiện nay, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ.
"Chúng tôi xác định thời gian tới vẫn sẽ khó khăn, đặc biệt đối với bệnh viện ở vùng nông thôn như Yên Thành. Tăng lương nhưng chi phí khám chữa bệnh không tăng hoặc tăng muộn nên sắp tới sẽ là thách thức đối với lãnh đạo bệnh viện", ông Trịnh chia sẻ.
Cũng theo ông Trịnh, để có nguồn thu phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, dù mang tiếng tự chủ nhưng hiện nay chưa có quy định rõ ràng về việc mua sắm trang thiết bị máy móc, thuốc, hóa chất…
Điều này gây khó khăn cho đơn vị trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân. Việc thu hút nhân tài cũng là trở ngại.
Ông Trịnh nói rằng: "Bản thân người lao động ai cũng muốn tăng lương. Điều đó là mong muốn chính đáng nhưng với người đứng đầu một đơn vị tự chủ, câu hỏi đặt ra là tăng lương thì lấy nguồn đâu mà trả? Cá nhân tôi thực sự lo lắng bởi ít nhất cũng đảm bảo về lương mọi người mới yên tâm công tác.
Theo tôi, không chỉ riêng Bộ Y tế mà các bộ, ngành khác cần ban hành các văn bản kịp thời, hướng dẫn cụ thể để các đơn vị tự chủ triển khai được dễ dàng".
Cũng là đơn vị được giao tự chủ từ năm 2020 nhưng Bệnh viện Da liễu Nghệ An đang trải qua thời gian hoạt động bết bát. Dù đã bước sang năm 2024 được 2 tháng nhưng lương và các chế độ của năm 2023 bệnh viện này vẫn chưa trả đủ cho cán bộ, nhân viên.
Điều này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cũng như tinh thần của những người đang công tác ở bệnh viện. Nguyên nhân của những khó khăn là do bệnh nhân quá ít, dẫn đến nguồn thu không có và đến thời điểm này vẫn chưa có phương án nào để giải quyết.
Chủ động vượt khó
Bên cạnh nhiều đơn vị tự chủ tài chính còn đang loay hoay trong việc tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn khi mức lương có sự thay đổi trong thời gian tới thì có một số đơn vị đã lên phương án, chủ động vượt khó.
"Hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong những năm gần đây có những khó khăn nhất định nên đời sống của cán bộ, công nhân viên chưa được cải thiện. Tăng lương chắc chắn sẽ là thách thức cho lãnh đạo nhà trường, buộc chúng tôi phải tính toán để làm sao cân đối được thu-chi", ông Nguyễn Trọng Hoàng, Chủ tịch hội đồng Trường Cao đẳng Kinh tế và công nghệ Hà Nội, chia sẻ.
Trường Cao đẳng Kinh tế và công nghệ Hà Nội trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Là trường nằm trong Doanh nghiệp Nhà nước (Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội - HADICO) nhưng các hoạt động giáo dục nghề nghiệp đều thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
Trường hoàn toàn tự chủ về tài chính cũng như tự chủ trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo, giảng dạy. Với "bài toán" tăng lương sắp tới, theo ông Hoàng, trường xác định sẽ tăng cường tuyển sinh, mở rộng quy mô đào tạo, chuẩn hoá đầu ra, liên kết trong đào tạo, định hướng học sinh, sinh viên có việc làm khi tốt nghiệp, từ đó nâng cao uy tín, chất lượng của trường, có nguồn thu ổn định để thực hiện chính sách tăng lương cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường theo đúng lộ trình của Chính phủ.
Cần tinh giản bộ máy để quỹ lương không "phình" to
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội), cho rằng, việc thực hiện tăng lương sẽ buộc các đơn vị tự chủ tài chính phải "cân đo đong đếm" lại. Các đơn vị phải tinh giản bộ máy, giảm biên chế để làm sao vẫn quỹ tiền lương đó nhưng số người làm việc ít đi.
"Tăng tiền lương phải trên cơ sở giảm chi phí lao động, giảm số người làm việc. Nếu vẫn để bộ máy cồng kềnh thì tiền lương có điều chỉnh nhưng sẽ thay đổi không đáng kể và không tác động sâu sắc nhiều đến cán bộ công nhân viên chức", ông Lợi chia sẻ. Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, các đơn vị sự nghiệp công lập cần chủ động trong điều hành, quản lý nhằm tăng nguồn thu phục vụ cho việc tăng lương.
Chia sẻ câu chuyện ở một số đơn vị bệnh viện được giao quyền tự chủ nêu trên, ông Lợi cho rằng, bệnh viện đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân nên dù có khó khăn thế nào cũng phải có bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc người bệnh. Giờ nếu không có tiền trả lương, ai sẽ làm việc, người dân ốm đau lấy ai chăm sóc?
Trong trường hợp các đơn vị gặp khó khăn, không thể cân đối để tăng lương thì Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ như cho vay để trả lương, hỗ trợ chi phí đầu tư công như: trang thiết bị, máy móc... để đơn vị ổn định hoạt động, tăng doanh thu, từ đó lấy tiền phục vụ cho việc tăng lương.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có giải pháp tích cực trong việc kiểm soát giá, chống việc tăng lương một nhưng giá cả tăng mười lần.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, cả nước hiện có hơn 1,7 triệu viên chức. Việc thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ có tác động lớn đến lực lượng này. Đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính nhưng đang gặp khó khăn trong việc cân đối để tăng lương.
Để tìm câu trả lời cho "bài toán" khó đang đặt ra với các đơn vị này, PV Báo PNVN đã liên hệ với Bộ Nội vụ và sẽ thông tin tới bạn đọc ngay khi có phản hồi.