pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025
Cứu hộ nhân dân vùng lũ lụt. Ảnh minh họa
Kế hoạch xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng, chống thiên tai cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nội dung và biện pháp tổng thể của Kế hoạch gồm: Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai; thông tin truyền thông, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; điều tra cơ bản về phòng, chống thiên tai; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phương án phòng, chống thiên tai; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế; đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai.
Trong đó, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn, phức tạp cho các cấp chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại.
Đưa kiến thức phòng chống thiên tai vào chương trình đào tạo và hoạt động ngoại khóa của một số cấp học, bậc học; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực tại cộng đồng, sự kiện văn hóa cấp thôn, xã.
Xây dựng, rà soát phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai, nhất là lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo thiên tai thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhất là khu vực miền núi, ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro đối với các hiện tượng, thiên tai khí tượng thủy văn.
Tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy hoạch. Tiếp tục trồng rừng phòng hộ ven biển; tu bổ, củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè biển; xây dựng, củng cố nhà kết hợp sơ tán dân khi có bão lũ lớn; xây dựng, củng cố hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu.
Triển khai các dự án tu bổ, nâng cấp hệ thống đê chống lũ, kiểm soát lũ, tăng cường khả năng thoát lũ; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; chống ngập cho các thành phố lớn; xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất; công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Chủ động dời, sắp xếp lại dân cư ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng để di dời dân cư (đối với những khu vực không thể bố trí sắp xếp dân cư theo hình thức xen ghép, phải bố trí sắp xếp dân cư tập trung).
8 nội dung phòng, chống thiên tai cần lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch
Quyết định nêu cụ thể 8 nội dung phòng, chống thiên tai cần lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch gồm:
1- Nội dung liên quan đến đảm bảo không gian thoát lũ qua hệ thống đường bộ, đường sắt cần được lồng ghép vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa và kế hoạch phát triển của ngành giao thông vận tải.
2- Nội dung về bố trí dân cư, di dời những hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập sâu; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng (công sở, trường học, trạm xá, nhà văn hoá,...) kết hợp làm nơi sơ tán phòng, tránh thiên tai cho người dân cần được lồng ghép vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời cần được lồng ghép trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
3- Nội dung liên quan đến phòng chống hạn hán, mặn, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất, sóng thần; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước được lồng ghép vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch lâm nghiệp và kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
4- Nội dung liên quan đến quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai (kể cả hệ thống chuyên dùng) được lồng ghép vào quy hoạch mạng lưới khí tượng thuỷ văn và kế hoạch phát triển ngành khí tượng thuỷ văn, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
5- Nội dung liên quan đến truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai được lồng ghép vào kế hoạch phát triển các ngành thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
6- Nội dung liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, khai thác, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai được lồng ghép vào kế hoạch phát triển của ngành khoa học và công nghệ, kế hoạch phát triển của các ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
7- Nội dung liên quan đến hợp tác quốc tế cần được lồng ghép vào kế hoạch của ngành ngoại giao, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường.
8- Nội dung liên quan đến xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền phổ biến pháp luật; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai được lồng ghép vào nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.