Con sốt 39,5 độ, tôi run rẩy pha thuốc hạ sốt trong khi bé Na vẫn gào khóc dù đã được bố bế nựng. Trên bàn, điện thoại rung liên tục - cuộc gọi của bà ngoại Na.
Chuyện là bé Na hôm nay đột nhiên bị sốt, không phải do mọc răng, cũng không đau bụng. Uống hạ sốt, bé lại ăn ngoan và chơi vui. Thế nhưng 9h tối, con lại lên cơn sốt và quấy khóc. Chồng tôi cuống quá gọi cho bà ngoại là bác sĩ đang ở quê để hỏi. Bà quyết: “Cho con uống thuốc hạ sốt và kháng sinh ngay”. Tôi đáp lời: “Mẹ ơi, đã biết bé bị sao đâu mà uống kháng sinh ạ?”.
Tôi biết, để con sốt cao là cực kỳ nguy hiểm nhưng cũng không thể tùy tiện cho uống kháng sinh được. Bé Na ngoài biểu hiện sốt cao thì chẳng có dấu hiệu viêm họng hay chảy nước mũi gì, sao tôi có thể vội vàng cho con dùng thuốc. May mắn là sau khi uống thuốc hạ sốt, bé Na chìm vào giấc ngủ. Cả đêm tôi không chợp mắt, ngồi trực lau mát hạ sốt cho con và chờ trời sáng. Rạng sáng, 2 vợ chồng vội đưa con đi khám và xét nghiệm. Bác sĩ chẩn đoán: “Con sốt virus, không phải dùng thuốc, chịu khó giữ con sạch sẽ, lau mát hạ sốt, bổ sung nhiều nước và hoa quả. Sau 3 ngày nếu không cắt sốt thì đến khám lại”.
Tôi xin nghỉ làm để chăm con tốt hơn. May mắn là chỉ sau 2 ngày, Na đã cắt sốt. Tôi nghĩ rằng không ai hiểu con bằng mẹ và bản năng của người mẹ là thứ mà chỉ mẹ mới có. Sao không lắng nghe theo nó?
Người làm mẹ hãy nghe theo bản năng của mình mách bảo (Ảnh minh họa)
Khi nào nên nghe theo bản năng?
Khi những lời khuyên không căn cứ thực tế tình trạng của bé: Mỗi người có một kinh nghiệm riêng trong việc chăm con, một phương pháp cho ăn dặm riêng, một cách luyện ngủ khác biệt. Đó có thể là những phương pháp rất hay nhưng chỉ bạn mới biết phương pháp đó có phù hợp với con mình hay không. Đối với việc chăm con, không có điều gì là hoàn toàn đúng và buộc phải làm.
Khi bạn có những nhận định và lo lắng quan trọng dựa trên quan sát, hiểu biết về con: Bác sĩ cũng có thể có sai và họ chỉ đánh giá sức khỏe của con bạn tại duy nhất thời điểm bạn đưa con đến. Nhưng bạn ở bên con từng ngày, nhận biết từng thay đổi nhỏ của bé. Vì thế đừng ngần ngại nói ra những lo lắng của bạn để bác sĩ có kết luận đúng nhất.
Lúc nào cần lắng nghe lời khuyên của người khác?
Khi đó là một ý kiến chuyên môn chắc chắn: khi bác sĩ đã đưa ra lời khuyên, đặc biệt khi vị bác sĩ đó đã biết đến những nhận định và lo lắng của riêng bạn, dù chẩn đoán của bác sĩ không trùng khớp với ý nghĩ của bạn thì cũng đừng cố chấp, hãy lắng nghe họ.
Khi cách của bạn không có tác dụng trong việc giúp con có giấc ngủ sâu hơn, bữa ăn tốt hơn, giúp con cắt sốt và khỏe mạnh… Hãy hít một hơi thật sâu và thử một cách khác. Đôi khi những điều phổ thông có thể phù hợp với mọi bé. Hãy chấp nhận rằng cách của bạn chưa ổn, đừng cố chấp khiến tình trạng của bé trở nên trầm trọng hơn.
Khi chứng kiến những thành quả của người khác: Thông thường, khi bạn gặp một gia đình với những đứa trẻ bụ bẫm, ngoan ngoãn và thông minh, bạn sẽ vội tìm hiểu cách thức mà ông bố, bà mẹ đó làm cho con. Tất nhiên, cách của họ không hoàn toàn phù hợp với gia đình bạn, nhưng chắc chắn bạn sẽ học được điều gì đó để điều chỉnh cho phù hợp với bé yêu của mình.