1. Ngày trước khi tôi ra Hà Nội học, mẹ tôi nói với cha tôi: “Không hiểu con mình ở tập thể thì như thế nào anh nhỉ?”. Cha tôi cười: “Nó sẽ không giữ nổi cái quần đùi đâu mà, để mà xem…”.
Sau vài ngày nhập học, một anh lớp trên đến gặp tôi khóc như mưa: “Mẹ anh ở Long Biên ốm nặng lắm. Cho anh mượn xe đạp và ít tiền, anh gửi lại ngay…”. Tôi đưa hết. Có chỉ vàng mẹ đeo cho vào tay, lỡ đói quá bán mà ăn cơm, cũng đưa nốt. Mấy ngày sau không thấy anh này mang xe trả, hỏi mới biết, anh này nghiện xì ke. Đi học ở ký túc xá là chuỗi ngày lúc thì như vua (nhận tiền mẹ gửi là tiêu như vũ bão) lúc như ăn xin (hết tiền, cuối tháng thất thểu vay, nợ, ăn chịu). “Không giữ nổi cái quần đùi”, lời cha mẹ đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
2. Cách đây 6 năm, em út cưới chồng. Tôi muốn mẹ gặp một người mà tôi cực kỳ tin tưởng. Gặp xong mẹ chỉ hỏi: “Anh ấy quý con thật à?”. Mẹ lại nói: “Con là mắc bệnh tin người…”. Từ trước tới giờ đó là điều mẹ lo lắng nhất ở tôi. 6 năm sau, mẹ nhắc: “Người đó không yêu quý con đâu. Mẹ không muốn nói sớm sợ con buồn, ảnh hưởng tình cảm anh em”. Tôi hỏi vì sao, mẹ chỉ nói “mẹ biết”. 6 năm sau, lời mẹ đúng đến thấm thía.
3. Nghe tin tôi in sách, mẹ chỉ bảo gửi về cho mẹ đọc. Một hôm, mẹ gọi: “Mẹ đọc hết rồi. Có một chi tiết mẹ không vui. Con không nên phán xét như thế. Sửa đi con…”. Đến đây tôi sợ mẹ luôn. Đọc một phát, điểm ra nỗi băn khoăn lớn nhất của tôi. Đó là chi tiết viết về một nhân vật trong giải phóng mặt bằng một dự án. Ông ấy bị tù và có người cho rằng do phá đền, chùa trong giải phóng mặt bằng mới ra nông nỗi ấy... Mẹ tôi phản đối chi tiết này. Ít khi thấy mẹ quyết liệt. Tôi nói với mẹ, con sẽ sửa khi tái bản. Để dịp nào đó, con xin lỗi nhân vật về chi tiết ấy.
Mẹ tôi là người bình thường. Tôi là thằng con bình thường. Trải qua bao nông nổi, sai lầm và nhận ra cần phải nghe lời. Vì sao? Phải hiếu thảo? Nghe cho mẹ vui? Không phải ở khía cạnh đó. Nghe để thoát hiểm, thậm chí thoát chết. Nếu không thấy nguy hiểm, mẹ tôi sẽ chiều theo ý tôi. Mỗi khi thấy điều đó bất lợi, mẹ sẽ can. Vậy, là vì mẹ giỏi, mẹ sắc sảo? Không phải! Đó là bản năng, là linh cảm, là khả năng bảo vệ con (của tất cả các mẹ, của tất cả giống cái). Nó giống như mẹ bảo vệ con trước sự tấn công của kẻ ác, của kẻ săn mồi. Linh cảm ấy của mẹ không một trí tuệ nào sánh bằng, nó chỉ có ở mẹ, chỉ có ở người phụ nữ sẵn sàng chết, sẵn sàng chìm xuống gian nan cho con được cất tiếng hát với đời.
Bản năng kỳ diệu ấy có ở các người mẹ, kể cả mẹ dưới đáy xã hội bị khinh bỉ, chà đạp, kể cả người mẹ điên… Vấn đề ta có thành tâm nhìn ra không thôi.
Trải qua không ít mất mát, tôi thấy cần phải nghe mẹ nhiều hơn. Tôi thường vẫn hỏi mẹ mỗi khi quyết định một việc lớn nào đó. Tôi tin có một sự phân tích kỳ lạ, sự linh cảm kỳ lạ để mẹ cho ra lời khuyên răn chính xác. Càng lớn tôi càng tin mình bé nhỏ trong tình thương và sự bao bọc của mẹ.
“Khi trái tim không hướng đến, mắt không nhìn thấy”- câu này quá đúng. Trái tim mẹ hướng về chúng ta một cách cao độ, mắt mẹ nhìn thấy mọi thứ xung quanh ta. Khi trái tim chúng ta hướng về mẹ, mắt chúng ta sẽ nhìn thấy sự đúng đắn từ lời khuyên của mẹ. Và, chúng ta sẽ thoát hiểm giữa những lừa lọc, dối trá, nguy hiểm của cuộc sống. Phải nghe bằng trái tim.
Sợ nhất ta nghe lời mẹ một cách miễn cưỡng, nghe cho mẹ vui… rồi làm qua loa, đại khái cho có. Ngạo mạn cho rằng “mẹ thì biết gì”.
Làm như vậy sẽ có thể khiến chúng ta gặp nguy hiểm không trước mắt thì lâu dài.
Mẹ của tôi, mẹ của các bạn thân mến của tôi vĩ đại hơn bất cứ ai.
Nhân ngày 8/3, tôi bày tỏ cảm phục, biết ơn, tri ân những người mẹ đã sinh ra chúng ta để được đoàn tụ, gặp nhau ở cuộc đời này. Cảm ơn những người phụ nữ đã cho chúng tôi yêu, được yêu trong cuộc sống vẫn còn khổ đau và lừa dối.