Bánh đa nướng - niềm tự hào hàng Việt

Phương Mai
22/09/2022 - 18:18
Bánh đa nướng - niềm tự hào hàng Việt

Bánh đa nướng, niềm tự hào của người Hà Nam

Với gần 100 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nghề làm bánh đa hiện đang được khôi phục và góp phần không nhỏ phát triển kinh tế địa phương. Sản phẩm cũng là niềm tự hào của người địa phương, của hàng Việt, xứng đáng là tinh hoa hàng Việt Nam.

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm thuôc tỉnh Hà Nam từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm bánh đa nướng. Ông Trương Văn Tính, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nướng Sở Kiện tại thị trấn Kiện Khê dẫn chúng tôi tham quan mô hình sản xuất bánh đa của gia đình ông.

Nơi đây, những người phụ nữ, những người thợ đang miệt mài làm việc. Người thì chuẩn bị nguyên liệu, người đứng dây chuyền sản xuất, người mang bánh thành phẩm đi phơi và đi nướng… Tất cả đều chăm chú và tập trung hết sức để có thể làm ra những chiếc bánh đa thơm ngon mang hương vị đặc trưng của quê hương.

Bánh đa nướng, niềm tự hào hàng Việt - Ảnh 1.

Thị trấn Kiện Khê huyện Thanh Liêm thuôc tỉnh Hà Nam từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm bánh đa nướng

Một phụ nữ đã ở độ tuổi trung niên, vừa tráng bánh, vừa hồ hởi giới thiệu: "Nguyên liệu chính để sản xuất bánh đa gồm gạo, vừng, lạc, bột mỳ, bột lọc cùng một số hương liệu gia vị khác. Người Kiện Khê luôn cẩn thận trong lựa chọn nguyên liệu để đảm bảo chất lượng của bánh. Từng thành phần đều được chọn kĩ và đặc biệt không bị sâu mọt và không bị mốc".

Bánh đa nướng, niềm tự hào hàng Việt - Ảnh 2.

Các nguyên liệu để làm nên món bánh đa mang niềm tự hào hàng Việt

Gạo sau khi được nhặt bỏ hạt kém chất lượng, tạp chất được vo sạch và cho vào nước ngâm ở nhiệt độ thường trong thời gian từ 5 đến 8 tiếng. Sau đó là đến công đoạn trộn và xay. Gạo được trộn đều với các nguyên liệu khác rồi xay hỗn hợp bằng cối xay thủ công hoặc máy xay. Hỗn hợp bột thu được phải không bị đặc quá hoặc loãng quá. Người sản xuất có thể kiểm tra bằng cách dùng tay vớt bột lên, quan sát nếu thấy bột chảy theo dòng nhỏ, tốc độ từ từ thì bột đã đạt tiêu chuẩn. Bột loãng khi đặt vào máy tráng sẽ bị loang ra, không hình thành mép bánh, bánh không đạt tiêu chuẩn.

"Gạo sau khi đã xay được đem đi tráng, đổ bột vào máy tráng hoặc tráng thủ công. Khi tráng bánh, độ dày hay mỏng phụ thuộc vào sự điều chỉnh trên khuôn máy của người thợ. Trong quá trình tráng bánh trước khi bột chín, người thợ sẽ rắc thêm lạc, vừng", bà cho biết thêm.

Quá trình tráng bánh, phơi bánh

Bánh sau khi tráng được xếp lên phên tre nứa để phơi. Phơi bánh ở nhiệt độ từ 35oC trở lên trong khoảng thời gian 5-7 tiếng cho đến khi bánh khô và cứng. Nếu thời tiết nồm, ẩm không phơi được bánh thì sẽ sử dụng lò sấy dể sấy bánh.

Chủ cơ sở sản xuất bánh đa nướng Sở Kiện chia sẻ: "Quá trình làm bánh phụ thuộc cả vào thời tiết. Nếu trời nắng thì phơi được bánh còn nếu trời mưa thì chúng tôi dùng lò sấy bánh. Nói chung, người Kiện Khê có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên luôn thành công và bánh không bị hỏng".

Sau khi sấy, bánh được đưa đi nướng. Bánh nướng đạt tiêu chuẩn phải chín, phồng nở đều 2 mặt, màu hanh vàng hoặc vàng đậm, có mùi thơm đặc trưng của bánh đa nướng. Độ dày khoảng 3-4 mm, đường kính 38-42 cm, ít cong vênh. Khi ăn xốp giòn, không bị chai cứng, lạc vừng thơm, không bị cháy. Trọng lượng khoảng 200g/ chiếc, độ dày khoảng 2 mm.

Sức sống nghề truyền thống

Nghề làm bánh đa tại Kiện Khê đã có từ hàng trăm năm qua. Tuy có những giai đoạn thăng trầm xong nghề truyền thống vẫn được duy trì và phát triển. Hiện tại, Kiện Khê có khoảng 30 hộ gia đình đang làm bánh, tập trung chủ yếu ở tiểu khu Ninh Phú và tiểu khu Kiện. Sản phẩm làm ra mỗi ngày lên đến 2 vạn chiếc góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế người làm nghề vẫn gặp rất nhiều khó khăn như sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tiêu thụ tại địa phương và các vùng lân cận hoặc phụ thuộc thương lái, giá cả không ổn định, chất lượng bánh khó cạnh tranh trên thị trường…

Bánh đa nướng, niềm tự hào hàng Việt - Ảnh 4.

Bánh đa Sở Kiện, tự hào hàng Việt, tinh hoa hàng Việt

Để tiếp tục duy trì phát triển nghề truyền thống và tạo thương hiệu riêng cho bánh đa nướng, năm 2019, HTX bánh đa nướng Sở Kiện đã được thành lập với sự tham gia của đại diện 33 hộ gia đình sản xuất bánh tại địa phương. Việc thành lập HTX nằm trong chương trình mỗi làng nghề một sản phẩm OCOP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có nhãn hiệu tập thể, được tập huấn các quy trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bánh đa Sở Kiện giúp những người dân nơi đây bảo vệ được nghề truyền thống, có công ăn việc làm ổn định cho bà con. Bánh đa nướng của thị trấn Kiện Khê hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, trở thành niềm tự hào của người Hà Nam, của người Việt Nam.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm