Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái

PV
16/06/2022 - 14:04
Báo chí vì  bức tranh tương lai có trẻ em gái

Cô bé Mua 9 tuổi bị liệt có mơ ước được đến trường mà nhà báo Nguyễn Bông Mai gặp trên hành trình 99 ngày xuyên Việt đến với các cộng đồng dân tộc thiểu số

Sáng nay (16/6), tại Toà nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Tạp chí Ngày Nay đã tổ chức tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”.

Chương trình nhằm thúc đẩy sự tham gia của báo chí trong giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19. Tham dự toạ đàm có Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, nhà báo Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO - Tổng Biên tập tạp chí Ngày Nay cùng hơn 50 nhà báo, chuyên gia truyền thông và nhà hoạt động xã hội vì cộng đồng dân tộc thiểu số đã tham dự tọa đàm.

Báo chí vì  bức tranh tương lai có trẻ em gái - Ảnh 1.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại toạ đàm

Trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã khiến các trường học phải đóng cửa trên diện rộng lớn nhất trong lịch sử. Chỉ riêng tại Việt Nam, đại dịch đã khiến khoảng 21 triệu trẻ em bị gián đoạn học tập. Trong đó, UNESCO nhấn mạnh rằng trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số, phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức khi việc học là chìa khóa mở cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn cho các em.

Phát biểu tại toạ đàm, Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: "Trong công cuộc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, chúng tôi ghi nhận sức mạnh không thể chối từ của báo chí trong việc tạo ra ảnh hưởng tới công chúng và kêu gọi hành động cần thiết. UNESCO tin tưởng báo chí trong việc khắc họa những hình ảnh đa chiều tích cực về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, cũng như kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nền giáo dục công bằng, an toàn và không phân biệt đối xử cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái."

Báo chí vì  bức tranh tương lai có trẻ em gái - Ảnh 2.

Nhà báo Đinh Đức Hoàng: Trách nhiệm của báo chí, có lẽ là xoá đi những sự cá biệt hoá và thực sự nêu ra các vấn đề có thể can thiệp một cách có hệ thống

Diễn giả Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO - Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cũng mang đến tọa đàm góc nhìn về vai trò can thiệp của báo chí trong vấn đề giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số. "Trách nhiệm của báo chí, có lẽ là xoá đi những sự cá biệt hoá và thực sự nêu ra các vấn đề có thể can thiệp một cách có hệ thống. Báo chí không nhất thiết phải là người đưa ra lời giải trực tiếp. Nhưng ngay trong cách phản ánh khách quan cũng có thể có những thứ trở thành đề bài- mà nếu được giải quyết sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực lên xã hội. Vấn đề, là việc đưa ra đề bài là một nhiệm vụ khó khăn ngang với lời giải, và nó sẽ cần đến nhiều công sức hơn là công việc đòi hỏi", nhà báo Đinh Đức Hoàng cho biết.

Báo chí vì  bức tranh tương lai có trẻ em gái - Ảnh 3.

Nhà báo Nguyễn Bông Mai: Tôi mong muốn thấy những bài viết, tác phẩm báo chí social truyền đi thông điệp tích cực vào nỗ lực xây dựng cuộc sống tương lai cho các em nhỏ ngay từ lúc này

Vừa trở về từ Hành trình 99 ngày xuyên Việt đến với các cộng đồng dân tộc thiểu số, nhà báo Nguyễn Bông Mai (Tạp chí Ngày Nay) chia sẻ: Tôi nhận ra việc góp phần vào thay đổi nhận thức của đồng bào nói chung hay của trẻ em nói riêng về cuộc sống mới không phải chỉ đến từ những bài báo. Thực sự, cái ảnh hưởng đầu tiên là những người đến từ vùng đồng bằng, vùng phát triển kinh tế như tôi, như rất nhiều người, như chúng ta đã và đang có cuộc sống may mắn đủ đầy hơn đã gặp họ. Điều thứ hai chính là social- công cụ báo chí thời hiện đại. Tỉ lệ đồng bào dùng smartphone hiện nay cũng đã khá phủ đầy thôn bản. Trẻ em nông thôn, miền núi ngày nay cũng như trẻ em thành phố ôm điện thoại, thiết bị điện tử mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra: Báo chí hôm nay có thể làm được gì trong việc thúc đẩy nhận thức về giá trị của bản thân, về tương lai của chính những đứa trẻ có đôi mắt long lanh mà tôi gặp nơi vùng cao? Tôi thấy tiếc vì những trang viết dài, đầy tâm huyết của rất nhiều nhà báo khó có thể đến tận tay hoặc nếu có đến thì không dễ dàng thôi thúc đồng bào thay đổi. Tôi mong muốn thấy những bài viết, tác phẩm báo chí social truyền đi thông điệp tích cực vào nỗ lực xây dựng cuộc sống tương lai cho các em nhỏ ngay từ lúc này.

Báo chí vì  bức tranh tương lai có trẻ em gái - Ảnh 4.

Các nhà báo tham gia thảo luận tại toạ đàm

Sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu tham dự cùng thảo luận về những hình ảnh khắc họa thường thấy ở báo chí khi đưa tin về người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời, đưa ra cách tiếp cận tích cực để xây dựng lối hành văn thể hiện sức mạnh của họ. Tọa đàm cũng tập trung trả lời câu hỏi "Báo chí có thể làm gì hơn nữa bên cạnh việc phản ánh thông tin khách quan" để có thể khai thác những cách tiếp cận bền vững hơn giúp phát huy nội lực của trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm