pnvnonline@phunuvietnam.vn
Báo động đỏ cứu sản phụ sa dây rốn
Sau sinh, sức khỏe mẹ con sản phụ ổn định, tiếp tucj được theo dõi tại BV.
Ngày 15/1, BV Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, BV vừa cứu sống mẹ con sản phụ Lý Thị H. (28 tuổi, ở xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bị sa dây rốn.
Trước đó, chiều ngày 13/1, sản phụ tới BV thăm khám trong tình trạng đau bụng, thai 39 tuần.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán cổ tử cung đã mở hết, ối vỡ hoàn toàn, thai ngôi ngược. Đặc biệt bác sĩ phát hiện dây rốn sa trước ngôi. Đây là một tai biến sản khoa nguy hiểm, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, trẻ sơ sinh sẽ tử vong.
Ngay lập tức, BV triển khai quy trình báo động đỏ, bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ. Chỉ sau 10 phút vào viện, kíp phẫu thuật đã thực hiện mổ lấy thai thành công, bé gái chào đời khỏe mạnh nặng 3.200 gram. Hiện tại sức khỏe của mẹ và bé ổn định.
Theo các bác sĩ, sa dây rốn là tình trạng dây rốn nằm dưới hoặc nằm bên ngôi thai. Lúc này dây rốn sẽ sa xuống cổ tử cung, chui vào trong ống sinh trước cả thai nhi. Điều này khiến cho dây rốn bị chèn ép giữa thành xương chậu.
Thông thường dây rốn bị sa khi ối đã vỡ nhưng cũng có trường hợp nguy hiểm hơn là dây rốn bị sa khi bọc ối vẫn còn nguyên. Sa dây rốn là tình trạng rất thường gặp với khoảng 1/10 ca sinh. Đây là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không lấy thai ra ngay, có khả năng thai bị chết trong vòng 30 phút.
Tình trạng sa dây rốn thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ, khoảng sau tuần thứ 38 khi thai nhi bắt đầu di chuyển nhiều. Đặc biệt, sa dây rốn thường xuất hiện nhiều nhất ở quá trình chuyển dạ.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi cảm thấy có bất thường, mẹ bầu cần gọi xe cấp cứu ngay và thông báo khẩn cấp với nhân viên y tế về tình trạng mắc sa dây rốn của mình. Mẹ bầu không nên đẩy dây rốn trở lại vào trong. Đồng thời, nên tránh ăn uống trước khi sinh vì khả năng mẹ phải sinh mổ là rất cao để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Trong khi chờ xe cấp cứu đến, mẹ cần lưu ý, nên duy trì ở tư thế úp mặt xuống sàn nhà với đầu gối quỳ gập, khuỷu tay và bàn tay úp sát sàn nhà để giảm rủi ro việc dây rốn bị chèn ép quá nhiều. Đặc biệt, mẹ bầu không nên rặn đẻ trong tình huống này.