Vùng đất nhiều cấm kỵ
Lebanon từ lâu vẫn tự hào là lá cờ đầu của những tư tưởng tự do so với các nước láng giềng vùng Trung Đông. Nhưng những cuộc thảo luận thẳng thắn về vấn đề giới tính, đời sống tình dục của phụ nữ, nạn cưỡng dâm, nạn bạo hành, quấy rối tình dục... đến nay vẫn là đề tài cấm kỵ. Chính vì thế, rất nhiều phụ nữ tại quốc gia này trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành nhưng không bao giờ dám báo cáo với các nhà chức trách.
Các nhà hoạt động vì quyền con người của Liên hợp quốc ước tính, có khoảng 3/4 số phụ nữ Lebanon đã ít nhiều phải hứng chịu tình trạng BLGĐ trong suốt cuộc đời mình. Mỗi tháng trung bình có một người phụ nữ tại Lebanon bị chồng sát hại, trong khi hàng nghìn phụ nữ khác mỗi năm đã và đang trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng về thể chất tại chính gia đình. “Nhìn bên ngoài, Lebanon không khác gì những mảnh đất rất tự do và bình yên khác. Nhiều phụ nữ ở đây vẫn đi dự tiệc, vẫn được mặc những trang phục họ thích và làm những công việc họ muốn. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào hôn nhân và gia đình, phụ nữ ở đây không có bất cứ một quyền gì”, bà Ghida Anani, một nhà hoạt động vì quyền con người cho hay.
Vấn đề quan ngại nhất là BLGĐ không được đưa vào bộ luật hình sự của nước này, thậm chí, cưỡng hiếp vợ còn là một việc làm hợp pháp. Ngoài ra, khi những vụ bạo hành gia đình được đưa ra pháp luật thì người phụ nữ vẫn không được bảo vệ. Tại đây, những thẩm phán thường bênh vực đàn ông. Luật mới về phòng chống BLGĐ tại Lebanon hiện vẫn “chưa được thông qua” do sự phản đối của một số nhân vật tôn giáo có tầm ảnh hưởng tại nước này.
Bước ra ánh sáng
“Việc ông ta đánh chúng tôi xảy ra như cơm bữa. Có những ngày, đầu tiên ông ta tấn công lũ trẻ, trói chặt chúng lại và đánh chúng không thương tiếc. Nếu tôi cố ngăn ông ta lại thì ông ta dùng dao dí vào cổ lũ trẻ và dọa sát hại chúng. Còn những ngày khác, ông ta bắt tôi và lũ trẻ tự lựa chọn các hình thức tra tấn như dây cáp điện dày, búa hoặc ống sắt. Sau những trận tra tấn kéo dài hàng giờ đó, hắn bắt đầu cưỡng hiếp tôi, sau đó bắt 3 mẹ con tôi vào buồng tắm, xả vòi hoa sen để rửa sạch những vết máu trên người” - đó là tâm sự của bà Khadija, một người phụ nữ đã phải chịu đựng cảnh BLGĐ trong nhiều năm ròng.
Đã gần 15 năm kể từ khi chồng bà bỏ đi sống lưu vong ở Anh nhưng nỗi đau trong bà vẫn còn chất chứa. Kể từ khi chồng bà bỏ nhà đi, bà và các con đã chuyển tới sống tại một ngôi nhà khác để quên đi những tháng ngày tủi nhục. Tuy nhiên, khi trở lại ngôi nhà này, nỗi đau cũ lại hiện về. “Khi bước vào căn nhà, tôi bỗng thấy hốt hoảng và bật khóc. Tôi tưởng tượng ra cảnh ông ta lao ra tấn công tôi. Tôi rất sợ khi phải trở về căn nhà này, nhưng lần này tôi phải về để chụp hình”. Người phụ nữ này cho biết, chụp ảnh giúp bà xoa dịu đi nỗi đau, và qua đó bà học cách quý trọng cuộc sống của mình.
Những bức ảnh của bà Khadija cùng những phụ nữ khác hiện đang được trưng bày tại cuộc triển lãm ảnh “Behind the Doors” đã và đang được tổ chức tại khắp mọi miền Lebanon. Các cuộc triển lãm được tổ chức để cảnh tỉnh những kẻ gây ra BLGĐ và kêu gọi những nạn nhân “bước ra ngoài ánh sáng” để tìm kiếm cuộc sống mới cho mình. Những bức chân dung tự hoạ siêu thực, những bức ảnh chụp “công cụ tra tấn” cho đến những bức ảnh chụp những căn phòng đầy ám ảnh nơi những người phụ nữ, những đứa trẻ từng phải hứng chịu những đòn tra tấn vô nhân tính từ những người chồng, người cha đều thể hiện nỗi đau sâu thẳm cả về thể xác lẫn tinh thần của những nạn nhân bị bạo hành.
“Chúng tôi đã tập hợp một nhóm phụ nữ sẵn sàng chia sẻ và đấu tranh cho nạn bạo hành gia đình ở Lebanon. Chúng tôi cung cấp cho họ máy ảnh kỹ thuật số và dạy họ cách sử dụng. Và rồi chỉ dẫn họ những gì họ cần làm. Chúng tôi thật sự chưa bao giờ nghĩ những sảm phẩm thu được lại tuyệt vời đến thế. Những bức hình họ chụp rất sinh động và có hồn. Chúng lột tả được tâm sự của họ”, ông Dalia Khamissy, một người trong ban tổ chức triển lãm cho hay. Ông hy vọng rằng, khi những tác phẩm của những người phụ nữ khốn khổ trên được trưng bày trước công chúng, cả đất nước sẽ lắng lòng lại để cảm thông với những câu chuyện thương tâm của họ và ủng hộ cho cuộc đấu tranh chống BLGĐ.
Trong nhiều chiến dịch bầu cử gần đây, Hội bảo vệ nữ quyền Lebanon đã kêu gọi cử tri nước này bỏ phiếu trắng cho các chính đảng chưa quan tâm đến các quyền của phụ nữ. Người dân đều bày tỏ ý nguyện Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua những điều luật mới do một nhóm các tổ chức phi chính phủ soạn thảo. Nếu được thông qua, đây sẽ là điều luật đầu tiên về vấn đề BLGĐ ở Trung Đông. Theo đó, không chỉ những toà án dân sự có quyền xử lý các vụ bạo hành gia đình mà còn cho phép việc thành lập các tổ chức thi hành pháp luật về vấn đề này.
Phía sau những cánh cửa gia đình là nhiều phụ nữ Lebanon bị bạo hành |